Du lịch... khu ổ chuột
Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Mặc dù các nhà tổ chức tour khẳng định, mục đích của họ là giúp gạt bỏ những huyền bí về cuộc sống ở khu ổ chuột nhưng không ít người dân ở đây cho rằng họ đang bị bóc lột.

Một trong những thị trấn lớn nhất Mumbai là Dharavi, với dân số ước tính 1 triệu người. Dharavi nổi tiếng khi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột) – Oscar 2009 Phim hay nhất. British-run Reality Tours đã tổ chức một tour đi qua những con phố đông đúc ở Dharavi. Với 6 euro (8 USD), khách được đón từ khách sạn và đưa đến Dharavi. Du khách phải tuân theo một số quy định như không chụp ảnh và một số quy tắc ứng xử. Sunil Chettina, hướng dẫn viên của Reality Tours cho biết: “Có một số khu vực chúng ta đi qua bốc mùi khó chịu hay tỏa khói mù mịt, nhưng bạn không được che mũi hay nhăn mặt. Nếu bạn làm như vậy, người dân ở đây sẽ cảm thấy bị xúc phạm”.
Ën Độ có khoảng 62 triệu dân đang sống tại các khu ổ chuột. Chính phủ Ấn Độ đưa ra một kế hoạch táo bạo là sẽ giải phóng những khu này đến năm 2014. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy rục rịch gì, và những công ty du lịch như Reality Tours đang tận dụng cơ hội để giới thiệu với du khách nước ngoài về Dharavi. Ở mùa du lịch cao điểm, giữa tháng 12 và tháng 2, mỗi ngày hơn 30 du khách thăm quan Dharavi, trong đó có những nhân vật nổi tiếng, như: Hoàng tử Charles, nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton...

Trong hành trình, đoàn được mời vào nhà anh Afaquer Nasir – 28 tuổi, kỹ sư tin học, đang sống cùng vợ và hai con trong một căn phòng bêtông nhỏ. Tùy vào từng thời điểm trong ngày, không gian trong phòng được sử dụng làm phòng bếp, phòng làm việc và phòng ngủ. Nasir cho biết, anh muốn người nước ngoài thấy rằng, mặc dù không gian sống chật chội nhưng cuộc sống của gia đình anh cũng như rất nhiều gia đình khác ở Dharavi rất thoải mái. Nasir cho biết: “Chúng tôi tuy sống trong khu ổ chuột nhưng cũng có tôn giáo, văn hóa và truyền thống riêng. Chúng tôi luôn bên cạnh nhau và có ý thức cộng đồng rất cao. Nếu hàng xóm gặp khó khăn, chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết. Vào dịp lễ hội, tất cả mọi người trong khu vực đều chung tay chuẩn bị tổ chức”...

Kathryn Hadley – du khách Anh - kể, sau tour thực tế đến Dharavi, suy nghĩ của cô đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, cô chỉ nghĩ, Dharavi là một nơi bạo lực và mất vệ sinh. “Bây giờ, tôi đã suy nghĩ tích cực hơn. Tất cả mọi người ở đây làm việc chăm chỉ và hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi thấy, cuộc sống của những người dân ở đây cũng thay đổi rất nhiều khi có chúng tôi đến đây. Được bắt tay những người da trắng là một niềm vui nho nhỏ của họ”.
Phần lớn khoản thu từ các tour du lịch đến Dharavi được đầu tư trực tiếp trở lại cho địa phương. 80% lợi nhuận được đưa vào quỹ của các tổ chức phi chính phủ. Năm 2009, Reality Tours đã thành lập quỹ từ thiện Reality Cares để xây dựng một trung tâm giáo dục và một nhà mẫu giáo.

Mặc dù lợi nhuận của việc tổ chức mô hình du lịch này đã góp phần cải thiện đời sống văn hóa, giáo dục ở đây nhưng một số người không muốn dịch vụ này tiếp tục. Hướng dẫn viên của Reality Tours, Sunil Chettina cho biết, người dân đã yêu cầu Reality Tours rời khỏi Dharavi. “Họ nghĩ tôi đang làm điều gì đó không đúng, và rằng tôi đang cố phơi bày mặt trái của Bombay. Tôi chỉ muốn làm cho mọi người hiểu rằng, người da trắng có suy nghĩ tiêu cực về các khu ổ chuột như thế nào và tôi cố gắng để cho người da trắng thấy khu ổ chuột thực sự ra sao”.
Có khách du lịch muốn được tận mắt nhìn thấy khu ổ chuột trước khi tặng tiền, và nó có thể thay đổi quan niệm của họ. Chris Way, người đồng sáng lập Reality Tours cho biết: “Đôi khi, họ đi để nhận ra rằng cuộc sống thay đổi thế nào. Một trải nghiệm bình thường nhưng khó mà thấy được nếu chỉ ngồi ở nhà xem tivi hay nghe radio”.
Akshay Mahajan, một nhiếp ảnh gia Ấn Độ cho biết, du lịch là cách cải thiện đời sống người dân nghèo tốt nhất. Mahajan đã tham gia tour du lịch đến Dharavi và chụp ảnh về khu ổ chuột. “Tôi tin những bức ảnh của tôi góp phần không nhỏ cho chiến dịch quảng bá, thu hút khách du lịch đến với những khu ổ chuột ở Mumbai. Đó có thể là cánh cổng dẫn du khách vào cuộc sống của những người dân ở đây, tuy không phải là một nơi lý tưởng về vệ sinh môi trường nhưng không phải không thú vị”.
Theo dw-world.de