Hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật: Quy chế phải phù hợp thực tế
6 năm qua, quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đã góp phần phát triển, nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tuy vậy, quá trình tổ chức biểu diễn đã phát sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (Quy chế 47, có hiệu lực từ tháng 7.2004) đã góp phần phát triển đa dạng các loại hình nghệ thuật, đưa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp vào nề nếp, nâng cao chất lượng nghệ thuật, nội dung các chương trình. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn ngoài công lập cũng tham gia tổ chức các chương trình nghệ thuật có chất lượng, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân...
Tuy nhiên, theo Phó chánh thanh tra Bộ VH, TT và DL Phạm Xuân Phúc, quá trình biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, với các vi phạm như: tổ chức biểu diễn không có giấy phép hoặc không đúng nội dung giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp (không đúng giờ xin phép, sử dụng diễn viên, nhạc công không đúng danh sách được duyệt); giả mạo giấy tờ để tổ chức biểu diễn. Khi biểu diễn trên sân khấu, một số ca sỹ, nghệ sỹ tự tiện thay đổi ca từ của ca khúc, có những trang phục, động tác biểu diễn phản cảm, hát nhép...
Quảng cáo không đúng nội dung giấy phép, không đúng với chương trình biểu diễn; mượn danh nghĩa các nghệ sỹ nổi tiếng; lợi dụng hoạt động biểu diễn để quảng cáo hàng hóa, phát hành băng đĩa ca nhạc bất hợp pháp... cũng diễn ra phổ biến. Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận đưa ví dụ: “Các chương trình ca nhạc tạp kỹ của các bầu sô tư nhân núp danh các công ty biểu diễn lấy giấy phép tổ chức biểu diễn từ các tỉnh ven đô, nơi mà các quy chế cấp phép vẫn còn rất lỏng lẻo, sau đó đưa về tổ chức tràn lan tại nhiều quận, huyện Hà Nội. Các chương trình này thường không có đạo diễn, người chịu trách nhiệm chỉ đạo về nghệ thuật; không bảo đảm cả về quy cách an toàn sân khấu, chất lượng âm thanh, ánh sáng thiếu chuyên nghiệp... Trong khi đó, việc chuyển tiếp giấy phép của Sở VH, TT và DL Hà Nội thiếu chặt chẽ và có những chế tài xử lý nghiêm minh, đã dẫn đến tình trạng loạn biểu diễn các chương trình “cỏ rả” tại Hà Nội”. Còn đại diện Sở VH, TT và DL Cần Thơ phản ánh, các chương trình quảng cáo của doanh nghiệp thông qua biểu diễn nghệ thuật, do các công ty tổ chức sự kiện thực hiện thường thiếu nghiêm túc, ca sỹ phần lớn là hát nhép, nhiều lúc bị lỗi về nhạc đĩa...

Tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đại biểu đã chỉ ra nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung để Quy chế 47 phù hợp với hiện tại. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Phó Đức Phương, có tới hơn 90% đơn vị biểu diễn nghệ thuật không thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc. Đó là do cam kết thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền tác giả âm nhạc chưa là điều kiện cần thiết để được cấp phép biểu diễn. Quy chế cần được sửa đổi theo hướng chỉ cấp giấy phép cho các cá nhân, đơn vị biểu diễn đã hoàn thành nghĩa vụ bằng hợp đồng xin phép tác giả để bản quyền tác giả được thực hiện nghiêm túc.
Quy chế 47 quy định, điều kiện để tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là cần có Giấy phép công diễn và Giấy tiếp nhận biểu diễn của Sở VH, TT và DL các địa phương, nhưng không nêu rõ điều kiện để được cấp Giấy tiếp nhận biểu diễn. Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH, TT và DL Thái Nguyên Lê Tú Anh góp ý: Quy chế cần bổ sung nội dung quy định về hồ sơ xin tiếp nhận biểu diễn, bao gồm Giấy phép công diễn, danh sách các tiết mục phải khớp với danh sách diễn viên tham gia biểu diễn, xác nhận địa điểm biểu diễn, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, bảng kê khai cơ sở vật chất phục vụ cho đêm diễn (tổng công suất âm thanh, thiết kế mỹ thuật sân khấu, biên chế dàn nhạc...), nhằm bảo đảm chất lượng nghệ thuật, an ninh trật tự cho chương trình biểu diễn.

Hiện nay, có khá nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi giải trí... thường xuyên biểu diễn tổ chức ca nhạc và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Đại diện Sở VH, TT và DL TP Hồ Chí Minh Võ Hoài Nam cho rằng: có những show diễn trong nhà hàng, khách sạn được đầu tư hàng tỷ đồng, nếu không cấp phép thì sẽ buông lỏng quản lý tại các địa điểm này. Vì vậy, cần có quy định bổ sung về thủ tục đăng ký và các chương trình biểu diễn tại các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, quán cà phê nhạc... và các chế tài đối với những hành vi vi phạm.
Ngoài ra, theo nhiều ý kiến, quy chế cũng cần quy định rõ thời hạn nhận và trả hồ sơ đề nghị cấp phép; quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong những điều cấm (như hát nhép) và có chế tài xử lý cụ thể; bổ sung quy định về thủ tục cấp phép với các hình thức biểu diễn nghệ thuật kết hợp với quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thương mại... Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổng hợp các ý kiến và có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ VH, TT và DL kiến nghị một số nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế 47 cũng như các biện pháp quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn.