Góc khuất của cuộc chiến Afghanistan

Diệu Minh 30/07/2010 00:00

Chưa đầy 2 tuần sau những tiết lộ động trời về hệ thống tình báo của Mỹ, thế giới lại choáng váng trước sự kiện một trang web công khai hàng chục nghìn tài liệu mật của Lầu Năm Góc. Vụ việc này đã phác họa một bức tranh điêu tàn về cuộc chiến Afghanistan, đồng thời một lần nữa cảnh báo Mỹ trước những thách thức về an ninh mạng.

Tổng cộng có tới gần 92.000 trang tài liệu mật được phổ biến qua Internet, ghi lại những hoạt động của Mỹ, NATO và các quốc gia liên quan đến cuộc chiến Afghanistan trong khoảng thời gian từ tháng 1.2004 tới tháng 12.2009 và hầu hết diễn ra dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush cầm quyền và trước khi Tổng thống Obama công bố chiến lược mới về Afghanistan. Các tài liệu này được phổ biến trên trang mạng WikiLeaks (http://www.wikileaks.org), một trang mạng chuyên cung cấp những tài liệu bí mật mà hầu hết các chính phủ khó tìm ra nguồn cung cấp. Trước khi các tài liệu này được tung lên mạng, WikiLeaks đã cung cấp các hồ sơ họ nắm trong tay cho 3 tờ báo hàng đầu thế giới là New York Times (NYT) của Mỹ, The Guardian của Anh và tuần báo Der Spiegel của Đức. Ba tờ báo này cho biết đã bỏ ra nhiều tuần để đọc cả núi hồ sơ, trước khi quyết định phổ biến những tin tức mà các nhà báo cho rằng “cần phải cho độc giả biết”, biến nó thành một trong những vụ rò rỉ thông tin mật tồi tệ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Vụ rò rỉ tài liệu mật trên đã gây ra cơn thịnh nộ tại Nhà Trắng và kèm theo đó là làn sóng phản ứng từ những nước có quân đồn trú ở Afghanistan trong lúc Lầu Năm Góc truy tìm nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng an ninh và xem xét liệu vụ việc này có đe dọa tính mạng binh lính và người dân Mỹ hay không. Cố vấn An ninh Quốc gia, Tướng Jim Jones cho rằng, việc công bố những tài liệu như vậy khiến “tính mạng nhiều người Mỹ và các đối tác của Washington gặp nguy hiểm”, cũng như đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Theo báo chí Mỹ, trong phản ứng đầu tiên về việc rò rỉ tài liệu mật, Chính phủ Kabul không bận tâm đến việc người láng giềng Pakistan ủng hộ cuộc nổi dậy do Taleban cầm đầu như đã nêu trong các tài liệu mà hy vọng những tiết lộ đó cũng như sự phản đối mạnh mẽ của công chúng sẽ buộc Washington phải tăng cường sức ép với Islamabad. Theo nghị sỹ Afghanistan Shukria Barakzai, đây là “cơ hội vàng của ông Karzai” để cảnh báo người Mỹ rằng, người Afghanistan đều biết số tiền viện trợ của Mỹ dành cho Pakistan để xây dựng trường học hoặc bệnh viện đã bị chuyển sang mục đích chống lực lượng Mỹ ở Afghanistan.

Vụ việc trên đã phơi bày ra ánh sáng một bức tranh ảm đạm về cuộc chiến tại Afghanistan do Mỹ cầm đầu. Tờ NYT bình luận, các tài liệu đã trả lời được phần nào câu hỏi “Tại sao sau năm 2010, Chính phủ Mỹ đã tốn 300 tỷ USD cho cuộc chiến mà quân Taleban vẫn vững mạnh”, trong khi tờ The Guardian cho rằng hồ sơ này vẽ nên hình ảnh về “một cuộc chiến thất bại”. Theo báo này, có ít nhất 195 thường dân Afghanistan bị bắn chết chỉ vì phạm những lỗi lầm được xem là không đáng, ví dụ như chạy xe không kịp dừng ở những trạm kiểm soát do quân đội Mỹ và NATO dựng lên.

Phần được cho là quan trọng nhất của đống hồ sơ chồng chất này là những chi tiết về việc Cơ quan tình báo liên ngành Pakistan (ISI) hỗ trợ quân Taleban phá hoại an ninh của Afghanistan trong khi vẫn nhận hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ cho cuộc chiến chống khủng bố. Những chứng cớ được tờ NYT ghi nhận là việc Giám đốc ISI Hamid Gul đã trực tiếp gặp al-Qaeda để bàn thảo về hoạt động chung sau khi một thủ lĩnh của al-Qaeda Osama al-Kini bị Mỹ bắn chết, hay việc ISI cấp cho Taleban 1.000 chiếc xe gắn máy để hoạt động phá hoại 2 tỉnh Khost và Logar của Afghanistan, tiếp tục cho phép Taleban dựng căn cứ trên lãnh thổ Pakistan, âm mưu ám sát ông Karzai hoặc âm mưu bỏ thuốc độc vào những chai bia cung cấp cho binh sỹ Mỹ và NATO...

Việc hồ sơ mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trên Internet một lần nữa cho thấy, những thách thức đối với an ninh mạng. Trước khi Internet ra đời, không ai phải lo lắng về điều gì đó như Wikileaks. Nhưng giờ đây, khi một tờ báo không có khả năng công bố đến 90.000 tài liệu, Wikileaks lại có thể làm điều đó trong vài giây. James Lewis, chuyên gia về an ninh mạng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington, cho biết việc các tài liệu quân sự mật về cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan xuất hiện tràn lan trên WikiLeaks gợi lại một sự kiện từng xảy ra trong quá khứ, đó là vụ “Pentagon Papers”, ám chỉ việc công bố vào năm 1971 một nghiên cứu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến những dính líu chính trị và quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1945 đến 1971. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa “Pentagon Papers” và vụ rò rỉ tài liệu mật trên Wikileaks là ở chỗ “Daniel Ellsberg (người đã chuyển những thông tin mật này cho NYT) đã gửi các file chứa những thông tin liên quan cho một nhà báo” một cách dễ dàng.

Xảy ra chỉ 8 tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Obama tiến hành “cuộc đại phẫu” chiến lược của Mỹ ở Afghanistan, vụ bê bối mới này có thể sẽ làm tổn hại nỗ lực của Washington tìm cách duy trì sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc chiến.

Diệu Minh