UBTVQH cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân: Cải cách tư pháp từ tổ chức

Nguyễn Vũ ghi 23/07/2010 00:00

Cần tổ chức lại Tòa án cho thật căn cơ, đúng tầm với vị trí là cơ quan bảo vệ pháp luật trọng yếu, là cán cân công lý. Nhưng, nếu sửa như dự thảo Pháp lệnh - thẩm phán Tòa án nhân dân có 4 ngạch là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp - thì sẽ không bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.Cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, nhiều Ủy viên UBTVQH chỉ rõ, không thể tự nhiên lại có 3 ngạch thẩm phán là sơ cấp, trung cấp, cao cấp và cùng nằm ở Tòa án nhân dân huyện. Họ sẽ làm gì và xử những vụ nào? Dự thảo Pháp lệnh lần này chỉ sửa mấy chức danh sơ cấp, trung cấp và cao cấp, nhưng đây là vấn đề lớn về thể chế và liên quan đến tiến trình cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp từ tổ chức.

CHỦ NHIỆM UB PHÁP LUẬT NGUYỄN VĂN THUẬN: Cần có ngạch thẩm phán để giải quyết vấn đề lương, nhưng phải rõ về tố tụng

Tôi chia sẻ là cần phải sửa Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân nhưng nếu sửa như dự thảo trình UBTVQH thì không giải quyết được vấn đề, kể cả phương án tiếp thu và phương án như dự thảo ban đầu đều có những điểm không phù hợp với luật.

Thứ nhất, trong tố tụng thì tổ chức bộ máy và chức danh tố tụng luôn gắn liền với nhau. Nếu đặt vấn đề có 4 ngạch thẩm phán với 3 cấp Tòa như dự thảo Pháp lệnh ban đầu là không phù hợp. Không thể có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp được.

Thứ hai, thẩm quyền tố tụng của từng chức danh tư pháp gắn với thẩm quyền cụ thể. Trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân với Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân hiện hành có một logic (tưởng là logic hình thức nhưng thực ra là logic nội dung) khẳng định: Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương (gồm Tòa án tỉnh và Tòa án huyện). Đi theo từng cấp Tòa án có một loại thẩm phán. Ví dụ ở Tòa án nhân dân tối cao có thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy Khoản 3, Điều 18 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó chánh án, thẩm phán và thư ký Tòa án nhưng phải hiểu rằng, đây là Chánh án, Phó chánh án, thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân tối cao. Nguyên tắc là vậy. Theo đó, Điều 21 quy định Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân gồm Chánh án, Phó chánh án và một số thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Như thế Luật đã ngầm khẳng định rằng ở Tòa án nhân dân tối cao chỉ có một thẩm phán là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, không có thẩm phán khác. Tòa án nhân dân địa phương quy định tại Điều 27 cũng thế: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chánh án, các Phó chánh án, thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và thư ký Tòa án. Và Điều 29 khẳng định, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Chánh án, Phó chánh án và một số thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo logic như thế thì trong Pháp lệnh về thẩm phán và Hội thẩm tòa án nhân dân mới có thẩm phán tối cao, thẩm phán tỉnh và thẩm phán huyện, Tòa án nhân dân huyện.

Còn về chế độ, nhất là ngạch bậc của thẩm phán, tôi không đồng tình với quy định hiện hành ở chỗ, xem ngạch, bậc của thẩm phán như là cơ quan hành chính. Đây là điểm cần cải cách nhưng không thể cải cách theo hướng ở Tòa án nhân dân tối cao vừa có thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa có thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp và như dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH là có cả Trợ lý xét xử, tức là trong tố tụng có thêm chức danh Trợ lý tố tụng. Theo tôi biết thì đến nay chưa thấy ở đâu có chức danh Thẩm phán để làm trợ lý xét xử cả. Cách đây vài chục năm, trong ngạch kiểm sát, nhân viên đánh máy, lái xe cũng được phong kiểm sát viên để giải quyết quần áo, chế độ lương, chứ không phải giải quyết tố tụng.

Xin khẳng định lại một lần nữa là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao; thẩm phán Tòa án nhân dân huyện thực hiện chức danh của Tòa án nhân dân huyện. Bây giờ về tổ chức chưa đổi mới mà đã tiến hành đổi mới về con người, chức danh tố tụng thì thẩm phán trung cấp, sơ cấp sẽ làm việc gì? Không thể tự nhiên lại có 3 ngạch thẩm phán là sơ cấp, trung cấp, cao cấp và cùng nằm ở Tòa án nhân dân huyện. Họ sẽ làm gì và xử những vụ nào? Trong tố tụng, nếu sửa đổi theo hướng đối với những vụ án dưới 5 năm tù và là án hình sự thì dưới giá ngạch bao nhiêu là do thẩm phán sơ cấp xử lý; những loại nào do thẩm phán trung cấp xử lý thì mới có thể đưa ra các ngạch thẩm phán như dự thảo Pháp lệnh. Tôi đồng ý cần phải có các ngạch để giải quyết lương nhưng phải rõ ràng về mặt thẩm quyền tố tụng.

Dự thảo Pháp lệnh lần này chỉ sửa mấy chức danh sơ cấp, trung cấp, cao cấp nhưng đây là vấn đề rất lớn về thể chế và liên quan đến tiến trình cải cách tư pháp. Tôi hoàn toàn không yên tâm khi đặt ra những vấn đề này khi vấn đề tổ chức chưa được làm. Còn về giải pháp, nếu chỉ để giải quyết chế độ cho anh em thẩm phán yên tâm công tác thì có thể quy định thẩm phán Tòa án nhân dân huyện có 3 bậc lương cao ngất ngưởng lên, không sao, tôi ủng hộ. Đối với thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng vậy, đẩy bậc lương cao lên. 

Trong dự thảo Pháp lệnh cũng đặt vấn đề, sửa quy định về ngạch thẩm phán để đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động cán bộ. Tôi thấy, riêng hệ thống chức danh tư pháp, không nên đặt vấn đề luân chuyển, điều động vì phải bảo đảm tính ổn định của một cơ quan xét xử và của thẩm phán khi làm nhiệm vụ. Trong hoạt động tư pháp có những quy định về hội tụ, kể cả điều tra viên, thẩm phán hay kiểm soát viên đã tham gia vào một vụ án mà không được xử lý thì lần sau không được làm nữa, dù anh có lên Tòa án nhân dân tối cao. Còn, nếu có điều động, theo Pháp lệnh hiện hành là để giải quyết những trường hợp điều động từ huyện này sang huyện khác. Điều động không phải là hoạt động thường xuyên - những chức danh tư pháp có đặc thù như vậy.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ THU BA: Nếu sửa đổi ngạch thẩm phán theo hướng sơ cấp, trung cấp thì sẽ giải quyết được vướng mắc…

Hiện nay, tuy Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp chưa bàn đến ngạch thẩm phán nhưng trong quá trình điều hành, quản lý của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng, việc bổ nhiệm thẩm phán theo cấp hành chính hiện nay có vướng mắc. Việc sửa đổi ngạch thẩm phán không phải để đáp ứng nhu cầu luân chuyển, điều động cán bộ mà chỉ điều động khi nơi nào thiếu thẩm phán hoặc năng lực yếu. Ví dụ, có những vụ án lớn, nếu thẩm phán ở huyện không đủ sức làm thì sẽ điều thẩm phán ở cấp tỉnh. Hoặc, trong trường hợp cán bộ thẩm phán bị kỷ luật thì rõ ràng cần có sự điều động. Nhưng, thời gian qua, khi điều động thẩm phán từ cấp tỉnh xuống cấp huyện có nảy sinh vấn đề là anh thẩm phán cấp tỉnh đang hưởng ngạch lương của thẩm phán tỉnh - mức thấp nhất cũng cao hơn lương cuối bậc của thẩm phán huyện – nên khi điều động xuống cấp huyện thì ngạch lương của thẩm phán tỉnh cũng phải chuyển lại cho phù hợp nên anh em không yên tâm làm nhiệm vụ. Do vậy, nếu sửa đổi ngạch thẩm phán không theo cấp hành chính như hiện hành mà phân thành sơ cấp, trung cấp thì sẽ giải quyết được vướng mắc nêu trên và không cần phải thay đổi ngạch khi điều động. Chỉ cần một quyết định điều động của Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh thì thẩm phán tỉnh có thể về làm nhiệm vụ ở huyện. Việc sửa đổi ngạch thẩm phán để giải quyết vướng mắc về việc điều động thẩm phán giữa các cấp với nhau. Cụ thể là cấp tỉnh với huyện, còn cấp tối cao và cấp tỉnh thì chưa điều động cho nhau được vì còn vướng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức tòa án nhân dân.

Giải pháp này cũng tạo điều kiện để thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện yên tâm làm nhiệm vụ. Còn, nếu không sửa thì việc án xử sai ở cấp huyện là không tránh khỏi và việc đơn thư dồn lên Tòa án nhân dân tối cao là đương nhiên. Lâu nay, cứ nói rằng, giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao việc nâng năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng ngạch, bậc, lương bổng như thế này thì làm sao nâng được. Thành ra cũng phải tạo điều kiện để Tòa án nhân dân tối cao có thể quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ và nâng được năng lực xét xử của Tòa án nhân dân địa phương. Nếu không, nói thật, việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân địa phương cũng chỉ dừng tại các hội nghị thôi, không có cách nào khác.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH PHÙNG QUỐC HIỂN: Tách ra sẽ đúng với thẩm quyền của UBTVQH

Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Pháp lệnh, tôi thấy có một số điểm còn băn khoăn. Ở đây, hình như chúng ta hơi đánh đồng hai vấn đề là chức vụ và ngạch, bậc. Về chức vụ, anh có thể là Bộ trưởng, là Vụ trưởng, là Giám đốc Sở… nhưng ngạch, bậc thì có thể anh chỉ là chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hay chuyên viên thường. Có lẽ nên tách ra làm hai rõ hơn. Thứ nhất về chức vụ và quyền hạn có thể là có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ở dưới tòa tối cao cũng vậy, tức là thẩm phán Tòa án nhân dân huyện là một chức vụ. Thứ hai là ngạch, bậc, tôi thấy chỉ nên để ở 3 ngạch là thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán cao cấp. Có thể anh là thẩm phán trung cấp nhưng anh chỉ là thẩm phán Tòa án nhân dân huyện; hoặc anh là thẩm phán trung cấp, nhưng anh có thể ở Tòa án nhân dân tối cao. Đó là ngạch của anh. Còn về chức vụ, khi anh là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì mới được quyền xử lý các vụ việc liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao. Nếu tách ra như vậy, thì có thể giải quyết theo hướng Tòa án nhân dân tối cao đề nghị và cũng đúng với thẩm quyền của UBTVQH là cơ quan mà có quyền để giải quyết những vấn đề về ngạch, bậc cũng như là lương của Tòa án.

TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN TRẦN THẾ VƯỢNG: Cải cách tư pháp phải từ tổ chức

Hiến pháp quy định: cơ quan tư pháp có Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự các cấp, Tòa án nhân dân địa phương. Và đi cùng với hệ thống tổ chức đó là hệ thống thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phám Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm phán Tòa án nhân dân huyện; Tòa án quân sự cũng thế, có Tòa án quân khu, Tòa án khu vực. Bây giờ, tự đâu lại đẻ ra thẩm phán trung cấp và sơ cấp? Hiến pháp không nói, Luật Tổ chức tòa án nhân dân không nói, Luật Tố tụng không nói mà bản thân những chức danh này là chức danh pháp lý, có quyền năng về pháp lý. Thẩm phán là gì? Thẩm phán là người xét xử. Vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án cấp nào thì thẩm phán tòa án cấp ấy xét xử. Cho nên người ta gọi là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện. Bây giờ theo dự thảo Pháp lệnh, chúng ta thoát ly hết cấp tỉnh, cấp huyện và gọi là thẩm phán trung cấp, sơ cấp. Như vậy tố tụng sẽ viết thế nào? Có định sửa tố tụng nữa không? Theo tôi, Luật Tổ chức tòa án nhân dân đã quy định rõ như ban ngày rồi, không thể có chuyện thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp. Vấn đề đặt ra là trong tố tụng thì vụ án nào là thẩm phán trung cấp xét xử, vụ án nào thẩm phán sơ cấp xét xử? Có người lý giải việc này do Chánh án phân công. Nhưng, Chánh án phân công cũng phải theo luật, chứ không phải mình làm Chánh án nên muốn phân công thế nào thì phân công. Tố tụng phải theo năng lực; thẩm quyền và năng lực phải đi với nhau.

Như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao là quy định về ngạch thẩm phán để điều động thẩm phán từ tòa án này đến tòa án khác. Nghĩa là điều động từ Tòa án nhân dân huyện A đến Tòa án nhân dân huyện B nếu Tòa án nhân dân huyện B nhiều việc, thiếu thẩm phán. Trước đây khi giao Chủ tịch Nước bổ nhiệm toàn bộ từ thẩm phán tối cao đến cấp huyện thì có khó khăn đối với những tỉnh thiếu nguồn thẩm phán để bổ nhiệm nên đã bỏ quy định không bổ nhiệm thẩm phán Nguyễn Văn A làm thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hoàng Hóa mà chỉ bổ nhiệm Tòa án nhân dân huyện. Đến bước này, ta lại sửa đổi theo hướng điều động thẩm phán từ tỉnh xuống huyện. Có cần thiết không? Quanh quẩn cũng chỉ là 0,65 và 0,55 - phụ cấp của Thẩm phán cấp tỉnh là 0,65 còn xuống cấp huyện phụ cấp là 0,55. Tại sao không thể quyết định là cứ để nguyên cho thẩm phán cấp tỉnh được hưởng 0,65 khi xuống cấp huyện? Tiền lương thì phải giải quyết bằng tiền lương, phụ cấp thì phải giải quyết bằng phụ cấp, chứ không thể vì vấn đề tiền lương, phụ cấp mà đi giải quyết vấn đề tổ chức. Cái này trái về nguyên tắc. 

Theo tôi không nên vì chuyện không lớn mà phải sửa cả Pháp lệnh. Cải cách tư pháp trước hết phải ở tổ chức, có Tòa án nhân dân tối cao, có tòa thượng thẩm, có tòa tỉnh, có tòa khu vực. Phải khớp với nhau thì nay mai mới nói thẩm phán khu vực, thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thẩm phán tòa thượng thẩm, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Phải giải quyết về mặt tổ chức trước.

Nguyễn Vũ ghi