Cơ cấu dân số vàng: Điều kiện tốt để phát triển kinh tế
Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã hoàn thành sau 14 tháng triển khai trên cả nước. Kết quả cho thấy, dân số của nước ta có gần 86 triệu người, trong đó tỷ trọng dân số nhóm tuổi từ 15-64 chiếm tới 69,1%. Đây là nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động, được coi là thời kỳ của cơ cấu dân số vàng.

Theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của nước ta bắt đầu từ cách đây khoảng 6 năm, vào năm 2003-2004, và có thể kéo dài từ 30 – 50 năm. Đây là một lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động của thời kỳ này trong vài thập kỷ tới…
Cũng theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, trong số những hộ có nhà ở, số nhà kiên cố chiếm 37,9%, nhà thiếu kiên cố chiếm 8% và nhà đơn sơ chiếm 7,8%. Có sự phân biệt rõ rệt về loại nhà theo vùng. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ trọng nhà kiên cố cao nhất với tỷ lệ 90,4%, còn tỷ trọng này ở Đồng bằng Sông Cửu Long thấp nhất với 7,9%. Tỷ trọng nhà đơn sơ của Đồng bằng Sông Cửu Long là cao nhất với 22,2% và Đồng bằng sông Hồng thấp với 0,2%. Tỷ trọng nhà riêng ở thành thị là 85,5%, thấp hơn so với tỷ trọng 96% ở nông thôn. Đặc biệt, diện tích ở bình quân đầu người của cả nước đã đạt 16,7m2. Đây là một con số có ý nghĩa, vì mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 diện tích ở bình quân đầu người mới đạt hơn 15m2.
Kết quả điều tra cho thấy, hoạt động đầu tư cho phát triển nhà ở ở nước ta đang rất sôi động với lượng vốn cá nhân bỏ ra khá cao. Chất lượng nhà ở được nâng lên với tỷ trọng hộ có diện tích từ 60m2 trở lên trong toàn quốc đạt 51,5% trong tổng số hộ có nhà ở, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm 10 năm trước. Số liệu này cũng cho thấy, cơ hội để đầu tư cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở, của nước ta còn rất lớn. Dựa trên kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 có thể thấy: sau 10 năm, tốc độ đầu tư phát triển nhà ở của nước ta đã tăng vượt bậc với tỷ lệ nhà được sử dụng từ năm 2000 đến nay chiếm tới 50,2%. Điều này không chỉ chứng tỏ đời sống người của người dân ngày càng khá hơn, mà còn cho thấy năng lực đầu tư vào bất động sản của các chủ thể là cá nhân cũng cao hơn, tốc độ xây dựng nhà ở ngày càng nhanh hơn. 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản tăng 4,54% và đạt 192.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, kinh tế phát triển, thu nhập của nhân dân được tăng cao thì nhà ở được tăng cao, đây là một nhu cầu sống rất cơ bản của người dân. Đồng thời, cũng phản ánh chính sách phát triển nhà ở của nhà nước là đúng đắn… Tuy nhiên, vấn đề là cần điều tiết bằng thuế để hoạt động kinh doanh bất động sản phục vụ cho thị trường chung như thế nào?
Một vấn đề nữa cũng đáng lưu tâm, đó là tỷ trọng số người được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn khá thấp (13,3%) phản ánh chất lượng chưa cao của lực lượng lao động nước ta. Mặt khác, số người đi học nghề sơ cấp, trung cấp có xu hướng giảm, còn số người học cao đẳng, đại học có xu hướng tăng lên, báo động tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.
Chính vì thế, tại cuộc Hội nghị công bố kết quả điều tra toàn bộ và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 vừa diễn ra, Đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc cho rằng, cơ cấu dân số vàng là những điều kiện tốt để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nếu không biết tận dụng cơ hội này để tạo ra lực lượng lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn cao thì cũng rất khó khăn trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, phải đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.