Người Mỹ và quân bài Cheonan

Diệu Minh 11/07/2010 00:00

CHDCND Triều Tiên vừa giành một “chiến thắng ngoại giao” sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 9.7 thông qua tuyên bố lên án vụ tấn công tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc nhưng không trực tiếp quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng.

08-nguoi-my-19210-300.jpg

Cơ quan đại diện ngoại giao của Triều Tiên tại LHQ gọi tuyên bố vừa được 15 nước thành viên HĐBA thông qua, trong đó bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” đối với kết quả điều tra quốc tế về vụ đắm tàu Cheonan, là “một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao”. Theo kết luận điều tra của Hàn Quốc, thủ phạm làm chìm tàu Cheonan ngày 26.3 vừa qua là một ngư lôi của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã lập tức bác bỏ cáo buộc này và khẳng định “không liên quan gì đến vụ chìm tàu”. Phản ứng này cũng đã được ghi nhận trong tuyên bố ngày 9.7 của HĐBA. Ngoài ra, tuyên bố cũng kêu gọi “áp dụng các biện pháp thích hợp và hòa bình đối với những người chịu trách nhiệm”, song không xác định ai là người chịu trách nhiệm. Trước đó, Seoul và Washington đã yêu cầu HĐBA lên án Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên - đã phản đối bất cứ sự chỉ trích trực tiếp nào. Trung Quốc cho rằng tuyên bố của HĐBA nên được vận dụng như là cơ hội “để khép lại” vụ việc này.

Vài giờ trước cuộc biểu quyết tại HĐBA, Bình Nhưỡng đã chấp nhận đề xuất tiến hành đàm phán quân sự cấp cao với Mỹ về vụ chìm tàu sau khi Seoul từ chối đề xuất của Triều Tiên về một cuộc đàm phán tương tự. Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) cho biết, quân đội Triều Tiên đề xuất mở một cuộc đàm phán trù bị vào ngày 13.7 tới tại làng đình chiến Panmunjom để thảo luận khả năng mở đàm phán cấp tướng theo đề xuất của Mỹ. KCNA dẫn lời người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên tham gia đàm phán cấp tướng nhấn mạnh: “Đề xuất của Triều Tiên thể hiện quyết tâm của quân đội và nhân dân nhằm điều tra làm rõ sự thật đằng sau vụ chìm tàu Cheonan một cách khách quan, khoa học và công bằng”. Và “nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vụ việc này cũng như duy trì nền hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, Washington nên trả lời nghiêm túc đề xuất rất thiện ý trên”.

Cho đến nay, câu hỏi ai đánh đắm tàu Cheonan vẫn chưa có lời giải đáp khi các kết quả điều tra và mọi nghiên cứu, nhận định đều chưa có tính thuyết phục. Trái với kết luận của ủy ban điều tra quốc tế do Hàn Quốc đứng đầu, các nhà điều tra Nga khẳng định không phát hiện bằng chứng xác thực cho thấy Triều Tiên dính líu đến vụ chìm tàu Cheonan. Ngoài hai kết quả điều tra trên, một nhận định của lãnh tụ Cuba Fidel Castro cũng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Trong bài xã luận ngày 4.6, nhà cách mạng Cuba tuyên bố chính biệt kích hải quân Mỹ đã làm đắm tàu Cheonan, với mục đích đổ lỗi cho Bình Nhưỡng, gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, buộc Nhật Bản cho phép Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên đảo Okinawa. Cùng thời điểm đó, một tiết lộ cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong vụ đắm tàu. Theo hãng tin AP (Mỹ), trong đêm xảy ra vụ đắm tàu Cheonan, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang tham gia cuộc tập trận chung chống tàu ngầm chỉ cách đó hơn 100km, nhưng lại không thể phát hiện tàu ngầm Triều Tiên trang bị ngư lôi bắn tàu Cheonan (?).

Mọi kết luận lúc này vẫn chưa rõ ràng (và có thể chẳng bao giờ có). Song có thể thấy “nhờ” những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Washington có “cớ” để tiếp tục duy trì sức mạnh quân sự trong khu vực và can thiệp sâu vào tình hình Đông Bắc Á. Trước áp lực của dư luận Nhật Bản về sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật, Washington giờ đây có thể “mượn” sự kiện Cheonan để “hù dọa” giới lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản về “sự nguy hiểm của Bình Nhưỡng”, qua đó khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa là cực kỳ cần thiết. Ngay sau khi xảy ra vụ đắm tàu Cheonan, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tập trận chung trên biển Hoàng Hải nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước mọi tình huống khẩn cấp. Lần đầu tiên, Mỹ dự kiến đưa hàng không mẫu hạm USS George Washington đến tập trận vùng biển nơi tàu Cheonan bị đắm. Theo tuyên bố Mỹ-Hàn, mục đích của cuộc diễn tập là nhằm tăng cường sức mạnh tự vệ của hải quân Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nước trong khu vực như Trung Quốc quan ngại rằng khi hàng không mẫu hạm tiếp cận vùng biển Hoàng Hải -khu vực nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc- các căn cứ hải quân Trung Quốc ở bờ Đông sẽ dễ dàng lọt vào ống kính các camera bố trí trên tàu. Theo giới phân tích, nếu tàu sân bay Mỹ tới Hoàng Hải, đó sẽ là bằng chứng cho thấy có “sóng ở đáy biển” gần Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay, Mỹ có hành động quân sự “áp sát” Trung Quốc. Chỉ trong vài tháng gần đây, Mỹ liên tục tập trận với các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là những nước nằm gần Trung Quốc. Giải thích cho những hành động quân sự dồn dập của Mỹ, các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang kiên quyết duy trì vị thế thống trị về quân sự ở châu Á. Vụ Cheonan “vô tình” đã mang lại thêm cơ hội nữa cho Mỹ. Bán đảo Triều Tiên căng thẳng giúp chú Sam có thể duy trì lực lượng tiên phong đóng tại Viễn Đông sát biên giới với Nga và Trung Quốc, triển khai hệ thống lá chắn tên lửa và kiểm soát các đồng minh thông qua liên minh quân sự-chính trị với Nhật Bản và Hàn Quốc. Người Mỹ đang sử dụng quân bài Triều Tiên cho những lợi ích địa chính trị của riêng họ.

Diệu Minh