Cần một tầm nhìn chiến lược để giải quyết tình trạng thiếu điện
Mất điện - hai từ tưởng như đã phai mờ trong ký ức của nhiều người Việt Nam khi mà chương trình điện khí hóa phục vụ sinh hoạt, phục vụ sản xuất suốt thời kỳ đổi mới được đẩy mạnh, nay đã trở lại tuy không phải là thường xuyên và kéo dài trên diên rộng. Đằng sau hai từ “thiếu điện”, “mất điện” đang tồn tại cả một vấn đề lớn của tổng thể phát triển ngành điện. Phóng viên ĐBNDO đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi về vấn đề này.
- Gần đây, việc cắt điện luân phiên diễn ra thường xuyên hơn, là một người đã từng quản lý ngành điện và nhiều dự án điện, ông lý giải như thế nào trước thực trạng mất điện hiện nay ?
- Ông Trần Viết Ngãi: Việc cắt điện luân phiên và tiết giảm điện tại một số nơi là điều bất đắc dĩ. Cùng thời điểm này năm ngoái toàn ngành điện phát 14 – 15.000MKW, năm nay đã phát gần 20.000MKW nhưng vẫn không đủ điện để cung ứng cho sinh hoạt và sản xuất, đây có thể nói là một tốc độ tăng trưởng quá nhanh.
Cái gay go nhất của chúng ta hiện nay là không ai đo đếm được, tính toán được mức độ tăng sử dụng điện, phụ tải như thế nào và biết trước được điều đó để có biện phát dự phòng. Tôi nghĩ rằng, ngành điện thời gian vừa qua đã phát hết công suất rồi, kể cả chạy dầu, kể cả mua điện nước ngoài… Nhưng rất khổ cho chúng ta là bị hạn hán. Cho nên tỷ trọng hiện nay trên 60% là thủy điện gần như là cạn kiệt (hiện nay chỉ phát được 30% trong tổng số 60% sản lượng điện đóng góp cho lưới điện quốc gia).
Từ đó, chúng ta không thể đổ lỗi riêng cho bất cứ một ngành nào cả, đặc biệt là ngành điện. Bây giờ, để khắc phục tình trạng này đương nhiên phải tiết giảm điện – tức là phải xả thải đường dây này cấp cho khu vực này, xa thải đường dây kia cấp cho khu vực kia, kết hợp với việc sửa chữa, củng cố lại. Tôi lấy ví dụ năm nay toàn bộ hộ dân khu phố A sử dụng 10.000KW đi trên đường dây chịu tải được 12.000KW tuy nhiên năm nay do nhiều yếu tố mà các hộ dân này dùng tới trên 20.000KW mà đường dây vẫn giữ nguyên do đó dẫn tới quá tải phải cắt luân phiên. Đây là điều không tính toán được do đó mỗi khi nắng nóng thường bị cắt điện luân phiên là điều dễ hiểu. Với thực tế này ngành điện năm nay cần phải tính toán được lượng phụ tải cho các năm tiếp theo (nếu cần sửa chữa, bảo trì thì nên thực hiện vào các mùa có khí hậu mát mẻ).
- Hơn 20 năm trước, chúng ta luôn trong tình trạng thiếu điện thì ai cũng rõ. Nhưng nay cả nên kinh tế lại tiếp tục đối mặt với tình trạng tương tự. Ông có thể lý giải vấn đề này như thế nào?
- Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi, ngành điện cần phải có kế hoạch phát triển để tương xứng với tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm. Điều này phải tính toán hết sức khoa học, không nên tính chỉ vừa đủ mà bao giờ cũng phải luôn tính dư. Vì hệ thống điện của chúng ta nếu vận hành trong trạng thái không hỏng hóc, có biện pháp dự phòng điện thì việc thiếu điện rất khó xảy ra.
Sau 20 năm đổi mới, chúng ta lại thiếu điện, theo tôi không phải là chuyện phổ biến, mà đây là trường hợp có thể nói là “đáng mừng” vì cuộc sống vật chất của nhân dân hiện nay tăng cao, nền KT - XH tăng trưởng nhanh. Nếu cách đây 5 năm, 10 năm, hoặc 20 năm trước chúng ta dự đoán sẽ có lúc có nóng hạn kéo dài ảnh hưởng đến thủy điện, cần đầu tư nhiệt điện chạy than, hay điện hạt nhân… thì sẽ không xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, chúng ta chưa nhìn ra được nguy cơ thủy điện chiếm tỷ trọng cao mà thiếu nước thì dẫn tới thiếu điện là điều tất yếu.
- Theo ông, việc thiếu điện trầm trọng hiện nay là do tầm nhìn, chiến lược của ngành điện có vấn đề ?
- Ông Trần Viết Ngãi: Trước đây có Bộ Điện lực, sau đó có Bộ Năng lượng giúp cho Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển, quản lý hệ thống năng lượng. Nay khi nói đến thiếu điện chúng ta đừng hiểu chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải chịu trước Đảng và Nhà nước chuyện này. Ngành điện là một ngành của Nhà nước mang tính đặc thù rất cao. Bởi vì, nếu thiếu nó thì ảnh hưởng đến mọi hoạt động của cuộc sống thường ngày từ sản xuất, kinh doanh, đến cuộc sống của nhân dân… Nó không phải là ngành nông nghiệp, hay kinh tế khác mà nó bao phủ toàn bộ nền kinh tế của đất nước. Từ đó cho thấy, chừng nào chúng ta chưa có một tầm nhìn thỏa đáng, đặt vấn đề thỏa đáng, một tầm nhìn chiến lược dài hơi có tính khoa học cao mà cứ bị động, rồi lập các tổng sơ đồ điện 5 năm một như bấy lâu nay thì đất nước ta càng ngày càng thiếu điện nghiêm trọng.
- Có mâu thuẫn hay không khi cần thiết phải có một tổ chức đầu mối để điều tiết và hỗ trợ ngành điện như ông vừa nói, trong khi đó ngành điện vẫn chỉ là một Tập đoàn kinh tế của nhà nước (EVN). Vậy, vấn đề mâu thuẫn này cần phải giải quyết như thế nào khi mà áp lực thiếu điện vẫn đặt lên vai EVN?
- Ông Trần Viết Ngãi: Thực ra, Bộ Công thương có Cục điều tiết điện lực, có Vụ năng lượng dầu khí, có EVN, PVN, TKV… Nhưng việc lập quy hoạch của ngành điện Việt Nam dựa vào một Viện năng lượng thuộc EVN không thôi là không đủ. Theo tôi, Nhà nước phải có một viện năng lượng đủ tầm, đủ mạnh và viện năng lượng đó phải do hoặc Bộ Công thương nắm, hoặc Chính phủ nắm. Viện đó phải đủ cả sức mạnh con người, trí tuệ và cả cơ sở vật chất kỹ thuật, cả tiền vốn… Để làm gì? Để điều tra phụ tải đúng, để hoạch định chiến lược đúng. Chiến lược kế hoạch phát triển ngành điện phải từ viện năng lượng đó tới các cấp có trách nhiệm của nhà nước xét duyệt (EVN xem xét, trình Bộ Công thương xét tiếp, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ ký).
Hiện nay, chúng ta lập các tổng các sơ đồ phát triển điện lực trong 5 năm, tôi đã từng có ý kiến với Chính phủ là việc lập kế hoạch tổi thiểu phải 10 năm tầm nhìn 20 năm. Sở dĩ tôi có ý kiến như vậy là vì nếu có 5 năm thì trong 5 năm đó xây dựng chưa xong một nhà máy đã hết tổng sơ đồ rồi, cho nên giá trị của sơ đồ đó chẳng có giá trị gì cả. Cụ thể là để xây dựng được một nhà máy làm từ đầu đến cuối thì khâu triển khai xây dựng mất 4 – 5 năm, khâu chuẩn bị mất 4 năm, thậm chí có dự án mất 10 năm như dự án thủy điện Sơn La và hiện nay là chuẩn bị xây dựng nhà máy điện nguyên tử phải mất hàng chục năm.
- Nếu hiện nay ngành điện thực hiện theo tham mưu, đề xuất nêu trên thì liệu tình trạng thiếu điện có được giải quyết triệt để?
- Ông Trần Viết Ngãi: Câu chuyện thiếu điện hiện nay nó đang phụ thuộc vào vấn đề tầm nhìn, chiến lược phát triển ngành điện. Điện là đầu vào của toàn bộ nền kinh tế, lưới điện là huyết mạch của sự phát triển, là động lực cho cả đoàn tàu kinh tế vận hành… Nếu không có được tầm nhìn dài hơi thì sẽ cực kỳ khó khăn cho phát triển của ngành điện trong tương lai. Trong lúc chờ đợi sự thay đổi về tầm nhìn thì người dân, cũng như các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục gồng mình để vượt qua những khó khăn và trước mắt việc tiết kiệm điện lại là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để chia sẻ khó khăn với ngành điện.
Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, cộng với việc có một cơ quan đủ sức mạng lo cho nhà nước việc đó, đặc biệt là khâu quy hoạch, đầu tư phát triển, tính toán gia tăng phụ tải hàng năm, có một tầm nhìn dài hơi…thì chắc chắn ngành điện sẽ giải quyết được tình trạng thiếu điện.
- Xin cám ơn ông!