Tìm biểu tượng và khẩu hiệu mới cho du lịch Việt Nam

Diệu Linh ghi 17/06/2010 00:00

Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã thành lập Ban tổ chức cuộc thi sáng tác logo và slogan (biểu tượng và khẩu hiệu) mới để sử dụng cho giai đoạn 2011 – 2015, thay thế khẩu hiệu Việt Nam: Vẻ đẹp tiềm ẩn- The Hidden charm sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Hương, logo và slogan trong giai đoạn mới phải thể hiện chiến lược phát triển thị trường du lịch của Việt Nam, nhất là phải được giới doanh nghiệp tán đồng và ủng hộ. Để bảo đảm những yêu cầu này, bên cạnh Ban tổ chức cuộc thi sẽ có nhóm chuyên gia tư vấn gồm người nước ngoài ở Việt Nam lâu năm, hiểu tâm lý khách nước ngoài cần gì, đồng thời cũng hiểu văn hóa, bản sắc của Việt Nam và những thế mạnh cần giới thiệu, quảng bá.

Thời gian dự kiến công bố logo và slogan mới là 27.9 - Ngày Du lịch Thế giới; nếu không kịp, sẽ công bố sau ngày 10.10. Với khoảng thời gian thi chỉ 4-5 tháng, nhiều doanh nghiệp làm thương hiệu cho rằng quá gấp rút. Giữa lựa chọn tổ chức thi và thuê công ty chuyên nghiệp cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Phó giám đốc Sở VH, TT và DL TP Hồ Chí Minh Lã Quốc Khánh: Làm bài bản chứ không nên vẽ đại

Theo quan điểm của tôi, logo và slogan Việt Nam: Vẻ đẹp tiềm ẩm là tốt nhất từ trước đến giờ của ngành du lịch. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn có một hướng phát triển và cũng cần logo và slogan phù hợp.

Chúng tôi đang triển khai đề tài Chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến du lịch TP Hồ Chí Minh cho du lịch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015. Chúng tôi thuê công ty Cowan (Australia) bằng cách đề nghị họ tài trợ (khoảng 30.000 USD) nhưng họ cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh chi 10.000 USD vốn đối ứng để có hội đồng phản biện, thẩm định, khảo sát.

Quá trình triển khai, trước tiên, họ khảo sát để tính được giá trị tiếp thị điểm đến; trong con mắt của người đến đó, cái gì là đặc trưng, ưu việt... Sau khi tập hợp tất cả điểm nổi bật đó, họ mới sử dụng quy hoạch tuyến tính để tính ra được phần trăm nó như thế nào và cần lấy cái gì để thể hiện trong các giá trị đó, sau đó sử dụng đường nét, màu sắc theo số đông khách đến điểm đến đó và phải được người dân của điểm đến đó chấp nhận. Việc lựa chọn màu sắc phù hợp với TP Hồ Chí Minh là “sun city”- thành phố tràn ngập ánh nắng - là cả một vấn đề. Chỉ có công ty chuyên nghiệp mới làm được như vậy. Chưa biết kết quả tới đâu nhưng tôi thấy họ làm bài bản chứ không vẽ đại nó ra. 

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam    Phạm Trung Lương: Cần ra “đề bài” cụ thể

Trước hết, logo và slogan thể hiện văn hóa của đơn vị, văn hóa của miền đất ấy. Đơn cử như Viettel xây dựng logo và slogan, họ thuê công ty chuyên nghiệp làm và đặt đầu bài. Họ làm xong đưa sản phẩm cho mình nhưng chấp nhận sản phẩm đó hay không là do mình. Việc công ty làm thương hiệu đó có thể hiện tư tưởng hay không là ở đầu bài. Tôi được biết, Viettel yêu cầu làm logo và slogan trong 2 tháng nhưng 8 tháng mới ra được, với chi phí 45.000 USD. Nếu tổ chức thi, mỗi người một ý kiến dễ rơi vào ma trận nếu không có đủ trình độ để chọn logo và slogan đúng. Các nước xung quanh đều thuê công ty chuyên nghiệp làm. Một số slogan ấn tượng của du lịch các nước trong khu vực như: Amazing Thailand (Kỳ thú Thái Lan), Truly Asia (châu Á đích thực) của Malaysia... được sử dụng nhiều năm nay. Ví dụ như Amazing Thailand công bố từ năm 1996 và để làm mới nó, ngành du lịch nước này mỗi thời kỳ hay mỗi năm thêm “tít phụ”, như năm 2009 là Amazing Thailand – Amazing Value. Thực tế, họ có chiến lược dài hơi trong việc sử dụng logo và slogan.

Tổng cục Du lịch muốn tìm một slogan mới, ngành du lịch ra “đề bài” trong giai đoạn phát triển du lịch 2011 – 2015, hoặc tầm nhìn lâu dài hơn là 10 hay 20 năm, chúng ta sẽ phát triển loại hình du lịch nào, sản phẩm chính ra sao..., thì dựa vào mục tiêu, chiến lược dài hơi đó mới tìm được slogan đúng.

Diệu Linh ghi