Chùa Thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh
Dân gian gọi thiền sư Từ Đạo Hạnh là “Thầy”, với nghĩa ông là thầy thuốc, thầy dạy dân nghệ thuật múa rối nước. Và rồi, ngôi chùa cùng ngọn núi Từ Đạo Hạnh tu trì và tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy…
Dấu ấn thiền sư Từ Đạo Hạnh
Chùa có tên chữ là Thiên Phúc tự, cũng có tên là chùa Phật Tích, nhưng dân gian từ xưa đã quen gọi là chùa Thầy. Chùa nằm gối đầu bên sườn núi Sài Sơn, có tên nữa là núi Phật Tích, nhưng cũng đã được gọi là núi Thầy. Ngày nay, chùa thuộc xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Chùa Thầy là danh lam, cùng với vùng phúc địa Sài Sơn, cũng là một thắng tích.
Nói đến chùa Thầy là phải nhắc tới thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hai thế kỷ trước, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú đã viết: “Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu, là chỗ Từ Đạo Hạnh trút xác ở đây. Vách đá còn có dấu vết đầu và gót chân. Trong núi có viện Bồ Đà, am Hương Hải đều là Từ Đạo Hạnh làm ra. Nay là chùa Thiên Phúc”. Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ, là thi nhân danh tiếng thời Lý, mà truyền thuyết xuất thân cũng như cuộc đời ông được truyền tụng trong đời rất lạ lùng. Nhất là về việc thân phụ ông là Tăng quan đô án Từ Vinh bị pháp sư Đại Điên đánh chết; rồi ông đi tu luyện đạo pháp để trả thù cho cha. “Ngày ngày Từ Đạo Hạnh đọc kinh Đại bi đà la, đọc trọn mười tám vạn lần”, sau đạo pháp của ông cao đến mức “đốt ngón tay cầu đảo, phun nước chữa bệnh không lúc nào không ứng nghiệm ngay”, và khi trút xác trần lại đầu thai để trở thành vua Lý Thần Tông...
Loại trừ lớp áo huyền thoại ấy đi, ta biết ông là thiền sư thuộc thế hệ thứ XII của dòng thiền Nam Phương. Và, như Phan Huy Chú viết, Từ Đạo Hạnh để lại những dấu ấn lớn như vậy ở ngôi chùa danh tiếng trong lịch sử, chứng tỏ ông phải chuyên sâu việc đạo đến ngần nào! Từ Đạo Hạnh còn là một thi nhân danh tiếng của thời đại ông, để lại cho hậu thế 4 bài thơ: Hỏi Kiều Trí Huyền, Có và không, Mất hạt châu và Sắp chết bảo mọi người. Thêm nữa, như truyền tụng trong dân gian vùng Sài Sơn, là một thiền sư với trí tuệ lớn và những hiểu biết uyên thâm về nho, y, lý, số, ông còn làm thuốc trị bệnh cứu người. Vốn ưa thích múa hát, ông đã sáng tạo nên trò múa rối và truyền dạy cho dân chúng. Do vậy, dân gian gọi thiền sư Từ Đạo Hạnh là “Thầy”, với nghĩa ông là thầy thuốc, thầy dạy dân nghệ thuật múa rối nước. Và rồi, ngôi chùa cùng ngọn núi Từ Đạo Hạnh tu trì và tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy...

Hội chùa Thầy
Đi hội chùa Thầy là một cuộc du ngoạn, vãn cảnh núi non. Từ hồ Long Trì lên chùa, là leo núi; từ chùa Cả ra động Phật Tích (hang Thánh Hóa), là ngoạn cảnh núi; leo núi mà tới thăm viện Bồ Đà, am Hương Hải, đền Thượng, hang Bụt Mọc; rồi hang Bò, phải đi thuyền mới luồn vào được, lại có hang Hút Gió, chùa Một Mái... Có biết bao vẻ đẹp suốt một dải kỳ quan này, nên danh sỹ của nhiều đời xưa trước, như Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thượng Hiền... đã đến núi Thầy, hội chùa Thầy và dùng văn chương ghi lại những xúc cảm của mình về vùng thắng tích này.
Vãn cảnh thắng tích chùa Thầy - Sài Sơn, người ta có thể đi bất cứ thời gian nào trong năm. Còn đi hội chùa Thầy, ca dao cổ nhắc ta: Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba/ Trở về hội Khám, trở ra hội Thầy. Ca dao nói mồng bảy tháng Ba, vì đó là ngày thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa Phật, còn chính hội thì diễn ra từ mồng 5-7 tháng Ba. Nghi lễ quan trọng đầu tiên của hội chùa Thầy là lễ tắm Phật. Tượng Phật được các nhà sư trụ trì “tắm” trước sự chứng kiến của hàng ngàn Phật tử và người dân, bằng cách lấy khăn vải đỏ nhúng nước thanh sạch để lau thật nhẹ nhàng, cẩn thận. Tượng Phật dần ánh lên màu vàng son lấp lánh, tạo cảm xúc thiêng liêng cho mọi người. Những chiếc khăn tắm Phật được người ta chia nhau về làm bùa cho trẻ con để tránh khỏi ma tà, ám khí. Sau lễ tắm Phật là lễ chạy đàn, một hình thức diễn xướng tôn giáo, tiếng cầu khấn hòa phối cùng nhạc bát âm vang lên trong không gian thiêng lung linh khói nhang, đèn nến, cuốn hút người xem lạ lùng.
Thật đặc biệt, dân gian coi Từ Đạo Hạnh vừa là tăng, vừa là Phật, là vua và là Tổ sư nghề múa rối cổ truyền! Từ xưa, hội chùa Thầy đều có trò múa rối nước ở thủy đình trên hồ Long Trì, trước cửa chùa. Tương truyền, chú Tễu là một sáng tạo của Tổ sư, và chính Tổ sư Từ Đạo Hạnh sáng tác nên bài Giáo trò để khai mạc buổi diễn…