Trung Quốc: Tăng lương tối thiểu để cải cách phân phối thu nhập

Phạm Thái 05/06/2010 00:00

Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc để có thể chia lại chiếc bánh thịnh vượng của đất nước được công bằng hơn cho các doanh nghiệp và người lao động thông qua tăng lương song song với giảm thuế…Cụ thể là đợt tăng lương tối thiểu đã được kích hoạt vào năm 2010 này.

Các đây hai hôm, Cục Nhân lực và An sinh xã hội Bắc Kinh đã ra thông báo, từ 1.7 này, mức lương tối thiểu của các cư dân thủ đô sẽ tăng thêm 160 nhân dân tệ (xấp xỉ 23,5 USD), tương đương với 20% từ mức 800 nhân dân tệ (117,3 USD) mỗi tháng. Thủ đô Bắc Kinh đã ấn định mức lương tối thiểu kể từ năm 1993 và tỷ lệ tăng trung bình hàng năm là vào khoảng 10,2%. Bắc Kinh cũng là một trong 30 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đang tăng và sẽ tăng mức lương tối thiểu trong năm nay, theo như số liệu mà Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc mới đưa ra.

Sau những đợt tăng gần đây, hiện tại Thượng Hải là nơi có mức lương tối thiểu cao nhất trong cả nước, 1.120 nhân dân tệ/ tháng (164,2 USD), còn tỉnh Quảng Đông lên ngôi đầu bảng về mức lương cơ bản theo giờ cao nhất (9,9 nhân dân tệ, tương đương với 1,44 USD/giờ ).

Lần gần đây nhất mà phần lớn các tỉnh, thành phố của đất nước gấu trúc tăng lương cơ bản là cách đây 2 năm, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Đợt tăng lương mới vào năm nay được coi là biện pháp điều chỉnh phân phối thu nhập, một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, đồng thời là một trong những chủ đề nóng bỏng trên các phương tiện thông tin đại chúng nước này.

Thực vậy, theo thông tư mới được đưa ra hồi đầu tuần của chính phủ Trung Quốc, vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân được liệt kê là một trong những mục tiêu cải cách kinh tế của năm nay. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh trong một bài báo được đăng trên tạp chí Qiushi mới đây rằng, chính phủ sẽ cố gắng hết sức để tăng tỷ lệ nhóm thu nhập trung bình và tạo ra một hệ thống phân phối “thịnh vượng” theo kiểu “nhành olive”

Hồi tháng 5, các thành viên của Ủy ban Kinh tế Tài chính Quốc hội Trung Quốc đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về phân phối thu nhập giữa các địa phương khác nhau. Trên cơ sở đó, họ đề xuất phải giảm thuế cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện tăng lương cho người lao động.

Tờ Tin tức Bắc Kinh hôm thứ năm đã bình luận, mặc dù vấn đề tăng lương và giảm thuế không phải là những chủ đề mới nhưng đó lại là một sáng kiến mới trong đề cương cải cách phân phối thu nhập, bởi nó phản ánh thực tế là chính phủ Trung ương đang tỏ ra hết sức nghiêm túc đương đầu với tình trạng phân phối bừa bãi nguồn của cải của đất nước cho các cơ quan, doanh nghiệp và công dân.

Theo ông Wang Chongfu, giáo sư tài chính tại Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, cải cách phân phối thu nhập là thách thức lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2010 và tăng lương cho người lao động nên là điểm cốt lõi của chính sách điều chỉnh này.

Các con số chính thức cho thấy, thu nhập còn lại sau khi đã trừ thuế của dân thành thị đã tăng trung bình 7,2% mỗi năm kể từ khi cải cách kinh tế được tiến hành cách đây 3 thập kỷ và mức tăng của dân nông thôn là 7,1 %. Cả hai mức này đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP trong khi doanh thu tài chính đang tăng hơn 20% trong những năm gần đây.

Ông Zhang Jianguo, một quan chức của Liên hiệp Công đoàn toàn Trung Quốc, cho rằng sự tương quan của lương trong tăng trưởng GDP tại Trung Quốc đang giảm đi trong vòng 22 năm qua, bất chấp thực tế là Trung Quốc đang dần chuẩn bị thay thế Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tương quan đó đạt đỉnh điểm là 56,5 % vào năm 1983 nhưng lại giảm chỉ còn 36,7% vào năm 2005.

Lương thấp được tin là một trong những nguyên nhân gây ra một loạt các vụ tự sát của các công nhân tại nhà máy Foxcom gần đây và nhiều vụ việc khác. Lương lẹt đẹt cũng dẫn đến suy giảm tiêu dùng, một yếu tố quan trọng giúp tăng GDP.

Đánh giá từ những số liệu thống kê cho thấy, lương tăng không tương xứng với doanh thu của chính phủ và lợi nhuận của các doanh nghiệp và giảm thuế sẽ giúp tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người lao động.

Giám đốc Viện nghiên cứu Lao động Tiền lương thuộc Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc Su Hainan cho biết, giải pháp cho cải cách phân phối thu nhập dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay và nó sẽ là chủ đề thảo luận của chính phủ trong nhiều năm tới.

Theo ông Su, việc phân phối thu nhập cơ bản hiện tại có rất nhiều vấn đề khi  một số cá nhân, doanh nghiệp, ngành…nhận được những khoản lợi nhuận vô lý thông qua các yếu tố phi lao động như nguồn tài nguyên, độc quyền thị trường, sức mạnh hành chính hay quan hệ đặc biệt. Trong khi đó, quỹ dành cho phúc lợi xã hội lại còn lâu mới đủ.

Ông Su lập luận, chính quyền nên viết vào kế hoạch 5 năm tiếp theo 2011-2015 về tham vọng nâng gấp đôi thu nhập cho đất nước giống như Nhật Bản trong những năm 60. Kế hoạch của Nhật được chính phủ của Thủ tướng Ikeda Hayato thông qua, đã được tiến hành từ năm 1961 đến 1970. Đến năm 1967, đất nước mặt trời mọc đã thành công đưa thu nhập quốc dân của mình lên gấp đôi và đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,2%.

 “Hiện nay Trung Quốc đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện một kế hoạch tương tự. Và nếu lương trung bình tăng với tốc độ đều đặn trên 15% một năm, Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập quốc gia trong vòng 5 năm tới”, ông Su lạc quan nhận định.

Theo  Global Times

Phạm Thái