Chữ viết của người Chăm

Tự Cường 31/05/2010 00:00

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara nhận định: “Sự ra đời sớm của chữ viết đã tạo điều kiện cho văn học viết của người Chăm phát triển. Chính chữ viết đã cho người Chăm có một nền văn minh rực rỡ và độc đáo một thời”.

04-Chu-viet-15110-300A1.jpg

Xưa nay, chúng ta biết đến sự đặc sắc của văn hóa Chăm qua các điệu múa của vũ nữ Apsara, sự độc đáo của lễ hội Rija Nưgar, Katê hay sự bí ẩn của các ngôi tháp cổ. Tuy nhiên, nền văn minh Chămpa xưa còn là ngôn ngữ Chăm và nền văn học viết có từ rất sớm. Tất cả đang được giới thiệu tới công chúng Thủ đô trong triển lãm Không gian văn hóa Chăm, tại 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Chămpa là dân tộc có chữ viết sớm nhất Đông Nam Á. Theo các nghiên cứu về văn bia cổ, ngay từ thế kỷ thứ IV người Chăm đã có chữ viết của mình. Tiếng Chăm có 65 ký hiệu và 24 chân ngữ bắt nguồn từ hệ thống chữ thảo của Ấn Độ. Chữ viết Chăm cũng không ngừng hoàn thiện và phát triển. Theo ông Thập Liên Trưởng, chuyên gia ngôn ngữ của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tại Ninh Thuận: “Khoảng đầu thế kỷ XVII, chữ Akhan thrah - chữ Chăm hiện đại, đã thoát khỏi vỏ bọc của chữ Phạn và được sử dụng phổ biến trong các thư tịch cổ và bia ký còn lưu lại ngày nay”.

Người Chăm cổ có một kỹ thuật làm giấy điêu luyện và độc đáo, tiếc là nay đã thất truyền. Nguyên liệu chính để làm giấy là lá buông (loại lá phổ biến tại địa bàn cư trú của người Chăm), ngoài ra người Chăm còn làm giấy từ vỏ cây bồ đề có màu trắng đục, dày và dai, trơn mặt, ít thấm nước. Mực viết được chế từ vỏ cây akuh rất tốt vì chóng khô, đen đậm, không bay màu. Đầu bút là đầu các que tre vót nhọn và về sau sử dụng đầu kim loại.

04-Chu-viet-15110-300A2.jpg

Các thư tịch cổ nhất bằng chữ Chăm còn lại cách ngày nay khoảng 300 năm. Các cuốn sách cổ từ vài trang đến vài trăm trang giấy chứa đựng toàn bộ văn hóa Chăm với các chủ đề chính là kinh luật tôn giáo, ngoài ra còn có các nội dung về văn học, triết học, hướng dẫn nghi lễ, những bài tụng ca, lịch pháp, thiên văn, phong thủy, âm nhạc, y - dược học, pháp thuật, tử vi - bói toán, gia huấn ca… Văn học cũng xuất hiện nhiều trong các thư tịch cổ của người Chăm, trong đó có chép lại các sử thi của Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata, Bhagavata… Bên cạnh sách cổ, các văn bia cổ chính là mảng quan trọng của văn học Chăm. Các bia ký Chămpa bằng chữ Phạn được viết chủ yếu theo những thể thơ của Ấn Độ, nội dung nhuốm màu sắc tâm linh huyền hoặc, lời thơ mỹ miều, văn hoa. Trong các sáng tác văn thơ, các tác giả Chăm thường sử dụng nhiều điển tích và ẩn dụ của văn học Ấn Độ để thể hiện sự hiểu biết và thông thái của mình. Song song với nó là một dòng văn học dân gian, với ca dao, dân ca truyền miệng bình dân gần gũi.

Người Chăm không thích nói về những điều thực tế, kỹ thuật hay vật chất. Tính đa chủ đề, khái quát được thể hiện rõ trong từng cuốn sách. Qua những cuốn sách mỏng nói về các nghi lễ tâm linh, chúng ta còn bắt gặp trong đó một bài thơ, một lời chúc phúc, vài ý tưởng, quan điểm tôn giáo, triết học...

Chữ viết của người Chăm có một thời gian bị bỏ rơi. Từ năm 1978 đến nay, Ban biên soạn sách tiếng Chăm đã xuất bản các cuốn sách bằng ngôn ngữ Chăm cho các lớp tiểu học của con em người Chăm. Tạp chí Sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu Chăm mang tên Tagalau xuất bản từ năm 2000, góp phần gìn giữ văn hóa viết Chăm. Bên cạnh đó, dòng văn học bằng tiếng Chăm đã bắt đầu hồi sinh và phát triển với các nhà thơ đương đại như: Inrasara, Đồng Chuông Tử, Trà Vigia, Nguyễn Phú Hải, Tuệ Nguyên…

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara đã tham gia biên soạn gần 40 đầu sách về văn hóa Chăm như Văn học Chăm khái luận, Từ điển song ngữ Việt – Chăm, tạp chí Tagalau; đồng thời là một trong những người có công tạo dựng lại văn hóa Chăm và giới thiệu tới nhiều vùng. Ông nhận định: “Sự ra đời sớm của chữ viết đã tạo điều kiện cho văn học viết của người Chăm phát triển. Chính chữ viết đã cho người Chăm có một nền văn minh rực rỡ và độc đáo một thời. Qua các thư tịch cổ, chúng ta có thể nhận thấy văn hóa Chăm là văn hóa đùa vui, chịu chơi cả trong đau khổ”.

Hiện các thư tịch cổ cùng bia ký chưa được sự quan tâm tập hợp và gìn giữ đúng mức. Sách cổ vẫn được lưu truyền trong cộng đồng Chăm, nhưng do sự bảo quản thủ công đã khiến nhiều cuốn bị hư hỏng. Kỹ thuật làm giấy độc đáo của người Chăm hiện chưa được phục dựng để bảo tồn…Đó là những điều mà các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa còn trăn trở.

Tự Cường