Cuộc chiến chống ly hôn
Bạn sẽ nói gì với người quả quyết rằng có thể dự báo cuộc hôn nhân của bạn có thành công hay không, sau khi quan sát sự tương tác của bạn với người bạn đời chỉ trong 15 phút?

Dù bạn còn nghi ngờ hay không, nhà tâm lý học John Gottman hoàn toàn chắc chắn về phương pháp luận của ông trong việc phân tích “thì tương lai” của hôn nhân. “Dựa vào việc theo dõi 15 phút sự tương tác của đôi vợ chồng với nhau, chúng tôi có thể dự đoán chính xác 94% những ai sẽ sống cùng nhau và những ai sẽ ly dị”, ông Gottman phát biểu tại một cuộc họp báo ở Seoul ngày 8.4.2010.
Trong vòng một tuần, ông Gottman cùng với vợ là bà Julie Schwartz Gottman đã sắp xếp các cuộc hội nghị chuyên đề với những nhà trị liệu và luật sư về hôn nhân gia đình, cũng như điều hành hội thảo với những cặp vợ chồng mới kết hôn ở Hàn Quốc. Họ có mặt ở đây theo lời mời của Choi Sung-ae, nhà tâm lý học quản lý một bệnh viện gia đình đã ứng dụng phương pháp Gottman với chồng bà, ông Cho Byeok.
Đây là bệnh viện đầu tiên ở châu Á sử dụng phương pháp Gottman, theo nhà xuất bản Hainam, nơi đã xuất bản những cuốn sách của Gottman bằng tiếng Hàn Quốc, trong đó có cuốn 10 bài học để biến đổi cuộc hôn nhân của bạn (Ten Lesson to Transform Your Marriage).
Điều gì đã khiến cho ông bà Gottman tin tưởng vào công việc của họ như vậy?
Thực tế là nhà tâm lý học 68 tuổi, cùng với vợ, đã tham gia nghiên cứu trường hợp của hơn 3.000 cặp vợ chồng trong 35 năm qua. Cả hai hết lòng với nghiên cứu, nhằm giúp những cặp vợ chồng mới cưới tránh được cạm bẫy của hôn nhân, thông qua tư vấn và hội thảo ứng dụng bảy nguyên tắc cơ bản của họ.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, họ khẳng định rằng thời kỳ then chốt của cặp vợ chồng mới kết hôn là sau khi đứa con đầu lòng chào đời. “Chúng tôi phát hiện rằng khi một cặp vợ chồng có đứa con đầu lòng, 67% suy giảm hạnh phúc và thái độ đối nghịch tăng lên trong ba năm đầu đời của đứa trẻ”, ông nói. “Thái độ đối nghịch truyền sang đứa trẻ, làm tổn hại sự phát triển cảm xúc và nhận thức của nó. Tuy nhiên, vẫn có 33% số người trụ vững qua thời kỳ quá độ này và chúng tôi tự hỏi đâu là điểm khác biệt giữa những người thất bại và những người không thất bại?”
Một phần trong giả thuyết của Gottman là có bốn phản ứng cảm xúc chính phá hoại hôn nhân: tính cách phòng vệ, sự cản trở, sự chỉ trích và sự coi thường. Trong bốn yếu tố này, họ cho rằng sự coi thường gây thiệt hại lớn nhất.
Thông qua các cuộc hội thảo, họ đã tìm ra cách thức để ngăn những yếu tố này không hủy hoại hôn nhân. “Chúng tôi phát hiện ra rằng có thể đảo ngược những tác động tiêu cực này thông qua các cuộc hội thảo trong hai ngày”, ông nói. “Đó là thực hiện ba phương pháp: một – làm cho xung đột trở nên mang tính xây dựng hơn, hai – tăng cường tình bạn và sự quen thuộc giữa bố và mẹ, ba – đề cao vai trò của người bố và tăng cường chia sẻ ý nghĩa khi trở thành một gia đình”.
Tuy nhiên, liệu phương pháp của họ có thể được ứng dựng ở một đất nước mà về mặt truyền thống, đạo Khổng có ảnh hưởng mạnh trong mọi lĩnh vực xã hội?
Bà Choi Sung-ae nói: “Từ nghiên cứu khoa học đã tiến hành trong những năm qua, chúng tôi biết rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên sự bất hòa trong đời sống vợ chồng là sự căng thẳng bên ngoài, như công việc chẳng hạn. Tất nhiên, chúng tôi đã nêu câu hỏi về tính tương hợp trong các phương pháp của Học viện Gottman ở đây. Đó là lý do tại sao tôi đã làm việc với họ để làm cho chương trình của họ có thể ứng dụng được và phù hợp với các cặp vợ chồng Hàn Quốc”.
Số liệu điều tra dân số gần đây ở Hàn Quốc tiết lộ những thống kê đáng lo ngại. Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ sinh giảm 4 lần và ly hôn tăng đột ngột – 5 lần so với con số cách đây ba thập kỷ.
Và đây không chỉ là câu chuyện của Hàn Quốc.
“Trong 60 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự đổ vỡ của gia đình Mỹ. Tỷ lệ ly hôn ước tính 60% và 67%”, ông Gottman nói. “Trẻ em đang cảm thấy những hậu quả bi thương của sự tan vỡ này”.
Theo Gottman, ông bắt đầu nghiên cứu với đồng nghiệp Bob Levinson về quan hệ và hôn nhân “để học cách làm thế nào có mối quan hệ tốt đẹp hơn với phụ nữ”. Ông là tác giả của một số cuốn sách ăn khách và đã nhận nhiều giải thưởng, trong đó có bốn giải Nhà nghiên cứu khoa học của Học viện Quốc gia Sức khỏe Tâm thần (NIMH) và giải Nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc của Hiệp hội Mỹ về các Liệu pháp Hôn nhân và Gia đình. Nhà tâm lý học sinh ra ở Cộng hòa Dominica này cũng đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình như Good Morning America, Today Show, CBS Morning News and Oprah.
Theo The Korea Herald