Xóm đom đóm (Phần 1)
Truyện ngắn của ĐOÀN LÊ

05/05/2010 00:00

>> Xóm đom đóm (Phần cuối)

05-xom-12510-300.jpg

Đêm về khuya. Trăng non mới nhú tới đỉnh rặng liễu trồng ở góc nghĩa địa đã bị đám mây vần vũ nuốt chửng. Vô vàn đom đóm nhấp nháy trong vũ điệu của chúng như tưng bừng, lại như hốt hoảng. Tiếng côn trùng rỉ rả khúc hòa tấu của những ngôi mộ khiêm nhường. Nghĩa địa thị trấn nhỏ, không nhiều “nhà cao tầng” như nghĩa địa các đô thị lớn, bởi vậy nơi đây có vẻ yên bình hơn, đặc biệt về đêm.

Ngôi nhà cấp bốn của người quản trang ẩn dưới bóng cây um tùm ở góc nghĩa địa lúc này vẫn thấy le lói chút ánh sáng. Bên trong nhà, ngọn đèn dầu trên bàn nước chỉ nhỏ hơn hạt đỗ, nhưng cái đóm cháy nỏ trong bàn tay của một người đàn ông đang hút thuốc lào đã làm khung cảnh tuềnh toàng chung quanh chập chờn hiện ra. Hai giường đặt hai bên, ở giữa kê cái tủ ly cũ kỹ, một bàn nước với mấy chiếc ghế mây rệu rã, trên mặt tủ bày bàn thờ đơn sơ với hai ngọn nến điện đỏ lừ.

Người quản trang tên là Cán. Một hôm ông ta đến đây, tự nguyện sửa ngôi nhà nhỏ để ở, xin chính quyền xã cho trông nom nghĩa trang. Mọi người hoan nghênh vì ông ta sống một mình, lý lịch quân nhân giải ngũ, thợ mộc về hưu và cái chính ông có bốn đứa con đã chết nằm cả ở nghĩa trang này. Mọi người vui vẻ chấp nhận. Năm tháng qua, giờ người ta đã quen cái dáng dấp lẫn vẻ mặt khắc khổ của ông, dáng vẻ như được tạc bằng những nhát dao của một nhà điêu khắc sầu bi. Họ chấp nhận ông thành dân bản địa. Chả gì ông cũng chu đáo trông nom cho người thân họ nằm dưới bia mộ khỏi quạnh hiu.

Đêm nay ông Cán không thể ngủ, đã mấy lần trở dậy hút thuốc lào vặt, vừa tiếp tục câu chuyện tâm sự với cụ Khoản nằm ở giường bên kia. Cái bị cói cũ kỹ treo trên đầu cây gậy đặt ngay cuối chân giường cụ là gia sản đặc trưng của nghề hành khất. Chỉ mới hôm đầu tuần, cụ tới gặp ông Cán xin được đêm đêm về đây ngủ trọ, còn ban ngày cụ lên thị xã kiếm sống. Ông Cán mừng quá. Có được người ra vào bầu bạn còn gì bằng. Ví như đêm nay, trời trở gió, không có cụ Khoản ông biết lấy ai chuyện trò cho khuây khỏa hết đêm dài?

Giọng ông Cán trầm buồn tư lự:

- Sau khi sinh bốn cháu đều bị bệnh, mẹ các cháu đã sợ quá, lẳng lặng bỏ nhà đi. Cháu cũng có ý tìm nhưng không ai biết cô ấy đi đâu cụ ạ. Cháu không giận cô ấy. Đàn bà mấy ai chịu đựng được hơn thế. Rồi bốn cháu cứ lần lượt ra đi cả. Buồn quá cháu về ở đây luôn…Là để được chăm nom bốn nấm đất, dù sống dù chết bố con cũng vẫn gần gũi, ấm cúng với nhau cho chúng khỏi tội.

Cụ Khoản già trở mình, thở dài.

- Sao có người đàn bà nông cạn thế nhỉ? Bỏ đi là nghĩa làm sao?

Ông Cán vặn to ngọn đèn, ôm gối trầm ngâm, trả lời như tự nói với chính mình.

- Người đàn bà nào cũng cần một gia đình, một người chồng, rồi sau đến những đứa con để về già nương tựa. Cháu chẳng dám trách móc người ta. Cái số mình có sao chịu vậy thôi.

Nói đến số phận ông Cán lại ngậm ngùi thương con. Dù nay chúng đã mồ yên mả đẹp ở đây, ông lại lo cho bốn đứa nằm bên nhau, quấn túm quây quần, ông đi ra đi vào trông nom ngày đêm, nhưng giá chúng sống thành người vẫn hơn. Thậm chí giá chúng cứ nằm trong cũi gỗ như ngày xưa ấy cũng được…

Ngày xưa ấy ông ngỡ như mới hôm qua. Sáng sáng anh thợ mộc Cán lần lượt bế ba đứa trẻ lớn bé đặt vào cái cũi gỗ buộc sau xe đạp cà tàng của mình, rồi khóa cửa căn phòng tập thể cấp bốn xập xệ lại, đi đến xưởng gỗ làm việc. Anh ta lầm lũi dắt xe ra cổng trong con mắt ái ngại của những bà hàng xóm đứng trước cửa nhà. Có người chạy theo dúi vào cũi gói xôi cho lũ trẻ. Cán chẳng buồn cảm ơn, vẫn cúi đầu mà đi. Anh cũng không cần biết phía sau anh những lời bình phẩm cứ như một đề tài thời sự thường nhật. Người ta nói bô bô đến tai anh để trút hộ anh nỗi bất bình với số phận.

- Không biết loại đàn bà ấy có tim không nhỉ? Nỡ lòng bỏ ba đứa con thế kia. Thôi, cái thằng bé đầu lòng chết sớm thế lại may cho nó.

- Nghĩ cũng sợ vãi linh hồn ra chứ đùa. Phải địa vị bà, suốt ngày hầu ba bốn cái quái thai ấy, bà có điên không? Tôi chỉ sợ chị Hiền chết dấm dúi ở đâu, chứ sống được mới can đảm.

… Cái xe đạp rong ruổi trong phố. Cán cắm đôi mắt xuống mặt đường loang loáng dưới bánh xe. Đôi mắt ấy dần dần trở nên dữ dằn, hoang dã. Mồ hôi chảy từ trán xuống cằm anh ròng ròng.

Cái xe đột ngột phanh két lại, dừng dưới một bóng cây cổ thụ ở đầu phố nọ. Cán nhìn xuôi ngược phố phường, rồi bỗng gào to như người mất trí:

- Mẹ cha cái tập đoàn bí mật mày ơi… Bụng mày nham hiểm giết người không dao… Bớ cái tập đoàn bí mật chúng mày… Trời cao chứng giám thù này không tan… Mẹ cha cái tập đoàn bí mật mày ơi… ơi…

... Tiếng chửi vần vè len lỏi khắp phố phường. Mấy đứa trẻ con định xúm lại xem, nhưng những người lớn xua chúng đi.

- Bớ cái tập đoàn bí mật mày ơ…

Ba đứa trẻ tật nguyền nằm ngọ nguậy trong cũi gỗ rõ ràng không hiểu điều gì đang xảy ra. Và sau những giây phút xả lên trời nỗi căm uất bùng phát tựa một thằng điên, Cán giống quả bóng xì hơi, lại cắm mặt xuống, lầm lũi đạp cái xe cọc cạch trên đường.

Một thời những dãy phố nhỏ đã quen nghe tiếng gào uất hận của ông bố tội nghiệp với nỗi thương cảm vô cùng tận. Nhưng người ta biết làm gì gánh đỡ? Sau này chính ông Cán cũng không lý giải được vì sao lúc ấy cứ phải gào lên như thế, những câu vần vè như thế.

Cụ Khoản trở dậy, ra ngồi đối diện với ông Cán. Ông Cán biết ý mồi điếu thuốc rồi đưa cái điếu cho cụ. Châm đóm nhưng cụ Khoản không hút ngay mà dụi đi, ngập ngừng hỏi:

- Có đúng nhiễm chất độc da cam hay còn lý do nào khác?

Ông Cán cười buồn:

- Rõ cả rồi cụ ạ. Đúng cái chất độc da cam quỷ quái ấy đấy. Cháu nhiễm trong chiến trường Tây Ninh.

Ngoài trời gió ào ào. Cơn giông đêm ập tới. Đám liễu bạch đàn ngả rạp bên trên mái nhà.

Ông Cán bật đứng dậy.

- Chết thật, mưa đến nơi mất. Có lẽ phải cho thằng câm vào trú trong này, chứ ở ngoài miếu thổ thần toen hoẻn ấy có mà ướt hết.

- Đúng. Xem ra nó không phải thằng ác đâu. Mà nó có ác cũng chẳng hòng kiếm chác gì ở đây. Tôi nghĩ thế ông ạ.

- Vâng, cụ nói chí phải.

 Ông Cán cầm cái đèn pin trên bàn thờ, mở cửa ra ngoài. Gió sập cánh cửa đánh rầm.

Anh sáng le lói của ngọn đèn pin loang loáng trên các ngôi mộ, thi thoảng lại được một lằn chớp phụ họa. Gió rít từng hồi. Ông Cán đi về phía miếu thổ thần ở giữa nghĩa địa.

Ngôi miếu nhỏ hiện ra. Anh đèn pin lướt chầm chậm trên một hình người nằm co quắp ngay dưới nền miếu xi măng. Cái thân hình ấy chúi đầu vào hai cánh tay, thò một nửa mông ra ngoài trời, vì cái miếu chỉ rộng khoảng hai mét vuông, kể cả bệ thờ. Ông Cán ngồi xuống, lay mạnh người đang ngủ.

 - Này dậy, mưa đấy. Nằm thế này định chết ướt à?

Bị đánh thức đột ngột, người nằm đó bổ choàng dậy. Với cái đầu tóc cắt trọc lởm chởm, gương mặt rất trẻ của gã nhăn lại như đau đớn trong sự kinh ngạc. Gã giơ tay che ánh đèn pin, cố nhìn mặt người phá đám giấc ngủ của gã.

- Dậy, vào trong nhà tôi nằm tạm. Sắp mưa đây này.

Gã thanh niên loạng choạng đứng lên, không mở miệng trả lời ông Cán. Nhưng gã ngẩng mặt nghe ngóng trời đất rồi nhìn ông Cán gật gật đầu, nhũn nhặn bằng lòng. Ông Cán đi trước, gã lẳng lặng theo sau, cả hai được ánh sáng đèn pin chập chờn dẫn đường về ngôi nhà dưới rặng liễu.

Cụ Khoản trải thêm chiếc chiếu cói xuống góc nhà, rồi vứt xuống đó cái gối mây của cụ. Cánh cửa bật mở khiến cụ giật mình. Vừa lúc ông Cán đẩy gã thanh niên vào nhà.
Cụ Khoản thủng thẳng nói:

 - Tôi soạn chỗ cho cậu kia. Nằm tạm thế. Thổ thần ngoài miếu che chở cho người cõi âm thôi, không che cho cậu khỏi mưa ướt rét mướt được.

- Là cụ Khoản ưu ái cậu đấy! Ông Cán nhẹ nhàng nói thêm.

Gã câm buồn bã gật đầu rồi từ tốn tới nằm xuống chiếu, hai chân co lên, hai tay quắp lấy đầu, y hệt tư thế lúc gã nằm ở ngoài miếu.

Cụ Khoản nhìn gã câm, tư lự.

- Bác Cán này, như tôi trời có bắt khổ cũng chỉ tính từng tháng từng năm nữa thôi. Chứ cái khổ của anh chàng câm đây nó dài dằng dặc. Thật tội nghiệp quá!

- Bốn năm ở tù vì tội nhỡ tay ngộ sát mẹ đẻ cụ ạ. Giận cô người yêu không chung tình, định đánh cô này một trận. Ai ngờ bà mẹ chạy vào can, cái bàn là đáp trúng khiến bà cụ ngã đập đầu vào góc cầu thang… Thế là xong đời! Cháu nghe người ta kháo vậy.

Quay mặt phía bóng tối, gã câm mắt mở thao láo, lắng nghe ông Cán kể chuyện mình, nhưng gã không ngoảnh lại.

- Ra tù sao nó không về nhà nhỉ?

- Nhà bị họ hàng chiếm. Cô gái kia cũng lấy chồng rồi. Bây giờ ra tù hối hận, quanh quẩn bên mộ bà mẹ, ý chừng để ăn năn sám hối… Nhưng có làm cho mẹ sống lại được đâu.

Cụ Khoản thở dài đánh sượt.

- Ngẫm ra ở mảnh đất nghĩa địa với người chết lại dễ sống hơn ở nơi nhung nhúc người sống ông Cán ạ. Cho nên anh chàng câm này cũng như tôi mới chọn nhà ông tá túc. Ở với đom đóm ma trơi xem chừng chúng không hại mình.

Gã câm nhắm mắt. Hình ảnh cô gái cười cợt gỡ cái áo ngoài để lộ thân hình nõn nà mũm mĩm vừa ôm lấy gã, ngả người xuống giường bỗng hiện ra như cố tình cợt ghẹo gã… Họ quấn xiết lấy nhau… Gã mở bừng mắt nhìn vào vách tường nhà loang lổ rêu xanh, rồi trở mình.

Căn nhà đã im ắng, chỉ còn tiếng dế kêu ri ri… Mưa rơi ngoài kia ồn ào như tiếng vó ngựa phi rộn rã.

(Số sau đăng hết)