Những linh hồn phiêu dạt (Phần 4)
Wayne Karlin (Nhà văn Mỹ)

25/04/2010 00:00

>> Những linh hồn phiêu dạt (Phần 1)

>> Những linh hồn phiêu dạt (Phần 2)

>> Những linh hồn phiêu dạt (Phần 3)

>> Những linh hồn phiêu dạt (Phần 5)

>> Những linh hồn phiêu dạt (Phần 6)

>> Những linh hồn phiêu dạt (Phần cuối)

Những linh hồn phiêu dạt (Phần 4)<BR><I>Wayne Karlin (Nhà văn Mỹ)</I> ảnh 1

Quá cảnh

Trong suốt chuyến bay, tôi cất mấy cuốn sổ và giấy tờ của anh Đảm trong một chiếc túi ni lông nhỏ và đặt trong túi xách tay. Thỉnh thoảng tôi lại lôi chiếc túi ra khỏi khoang hành lý phía trên đầu, mở ra và kiểm tra lại, dường như tôi lo lắng vì khi đến gần châu Á hơn thì linh hồn anh Đảm sẽ bay đi trước chúng tôi, để lại làn khói thơm vương đầy trong chiếc túi.

Tại sân bay Incheon của Hàn Quốc, nơi chúng tôi phải tạm dừng và chuyển máy bay, chúng tôi ngồi nghỉ trong một nhà hàng, ăn món súp Hàn Quốc. Hai nhà thơ George Evans và Daisy Zamora bay từ San Francisco đến để gặp chúng tôi tại cửa lên máy bay nối chuyến đến Việt Nam.

Sau này, chị Phan Thanh Hảo nói, anh Đảm là một linh hồn “rất thiêng”, một linh hồn đã dẫn dắt những con người đang cần phải gặp nhau đến với nhau.

*

Chúng tôi là một nhóm nhỏ kỳ cục mà anh ấy kết hợp lại thành một cuộc gặp gỡ trong nhà hàng ở sân bay ấy. Năm đó, trước khi Tom Lacombe liên hệ với tôi về những tài liệu của Homer, tôi đã lập kế hoạch phỏng vấn một số nhà văn Mỹ và Việt Nam mà tôi được biết có tham gia chiến tranh. Một người bạn của tôi, anh Marc Steiner, người chủ trì chương trình hàng ngày của Đài Phát thanh Quốc gia ở Baltimore, và vợ anh, Valerie Williams, đang điều hành một công ty sản xuất độc lập - Trung tâm Truyền thông Hiện đại. Hai vợ chồng cùng muốn xây dựng một chương trình dài kỳ, mỗi kỳ một giờ gắn với chủ đề là dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.

George và Daisy cũng có mặt theo yêu cầu của tôi. Họ gặp nhau (và đi đến hôn nhân vài năm sau đó) khi cùng giảng dạy cho một chương trình ở Boston, nơi tôi gặp chị Lê Minh Khuê và một số nhà văn Việt Nam khác, những kẻ thù xưa – một trải nghiệm tôi chia sẻ với George. Anh và Daisy là cựu chiến binh của hai phía đối lập, ở những cuộc chiến khác nhau: George là lính quân y ở Việt Nam, còn Daisy là thành viên du kích Sandinista, Nicaragua. Với Daisy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam luôn là một hình mẫu và là nguồn động viên kể từ những ngày chị sống trong rừng sâu, ước mơ về một nước Nicaragua trở thành một quốc gia do các nhà thơ điều hành. Nhưng những giấc mơ thì khó mà tạo nên được thắng lợi cho một cuộc cách mạng. Vì vậy chị đi tới một đất nước, nơi có những con người giống như chị – những nghệ sĩ sinh ra từ cuộc cách mạng – để học bài học về tính kiên trì. Không sao cả. “Đến Việt Nam đối với tôi giống như đi đến miền đất hứa”, chị nói, và mỉm cười.

Điều đó làm tôi lo lắng. Nhưng rồi, tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đến Việt Nam là để tìm kiếm một thứ gì đó đã mất – một khái niệm ít nguy hiểm hơn, mà nhiều hy vọng hơn so với chính khái niệm này khi nó góp phần thổi bùng cuộc chiến tranh lên. Daisy tìm về sự trong trắng nguyên sơ và về những lý tưởng thời trẻ của chị; Marc và Valerie có lẽ có cùng một lý do, là lại tìm cơ hội để một lần nữa gói ghém chung cả mục đích riêng vào trong câu chuyện lịch sử.

Còn tôi đang chờ được thực hiện những cuộc phỏng vấn với các nhà văn. Trong mấy năm gần đây, lực lượng ngạo mạn mù quáng sản sinh ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây lại để cho một thế hệ khác bị giết chết hoặc bị thương giữa đá sỏi và cát bụi ở Iraq, nên tôi cảm thấy cơ sở của lòng tin vào hiệu quả của ngôn từ vẫn giúp tôi tồn tại như một nhà giáo, một nhà văn, đã đổ sụp dưới chân mình.

Nhưng lòng tin thực sự của tôi đã chuyển sang những tài liệu của anh Đảm, sang sức nặng và cảm giác về chúng, sang mạch đập nhè nhẹ của chúng trong lòng bàn tay tôi. Tôi cân nhắc xem có thể chắt ra được phước lành từ nỗi đau hay không.

Tôi cũng muốn được chứng kiến hai người bạn cựu chiến binh của tôi phản ứng ra sao khi lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam kể từ khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần. Với tôi đất nước này đã ra khỏi cuộc chiến tranh, mặc dù những điều tôi biết về đất nước này vẫn ít ỏi như mới chỉ nhìn lướt qua một cái bóng đang chuyển động trên những triền núi có rừng rậm che phủ. Họ sẽ thấy đất nước này như thế nào đây? Họ tìm kiếm điều gì đây?

*

Nhà thơ George Evans muốn tìm kiếm một người bạn tên là Billy, cũng là lính quân y, cũng là một linh hồn phiêu dạt.

Giống như Marc và Woody, George từng là đứa trẻ lang thang đường phố, một công nhân lao động sống ở vùng ngoại ô Pittsburgh bên bờ Bắc thuộc Manchester, tiếp giáp với Baltimore. Anh là con của một người đàn ông băng giá, giống như cha của Woody, bị tan nát khi trở về nhà sau Thế chiến II. Ông mang theo ký ức chiến tranh với thái độ thù hận ngạo nghễ khiến bất chợt có thể biến ngay nó thành cơn chửi rủa hoặc một trận bạo lực trong gia đình. Và đồng thời ông để cuộc chiến đè lên đầu con trai mình không phải như sự hủy hoại, mà là sự khuyến khích. George có quá đủ cái ký ức đó khi anh mười hai tuổi và bắt đầu lang thang trên đường phố, chôm chỉa đồ của những gia đình nghèo khó trong khu phố láng giềng để sống qua ngày hoặc theo đuôi các băng đảng. Thánh đường của anh là thư viện công cộng và bảo tàng Carnegie. Anh nhận thấy mình yêu nghệ thuật và ham đọc sách – những điều mà cha anh và cuộc sống lang thang nơi hè phố luôn muốn lôi ra khỏi đầu óc anh. Nhưng anh không thể để lộ ra bất cứ dấu hiệu nào của sự yếu đuối kia mà chỉ có thể thư giãn khi ở cùng với người bạn thân nhất, Billy Dick, cũng là một người thích đánh đấm (quái quỷ thế nào mà anh ta được đặt một cái tên như vậy!) và giống như George, Billy lặng lẽ bắt đầu đọc sách để tìm hiểu những thước đo cuộc đời anh và những giả định về thế giới của anh. Ngôi nhà của Billy trở thành nơi ẩn náu an toàn tạm thời, thoát cảnh đầu đường xó chợ, nơi anh có thể ăn, ngủ cũng như tình bạn của Billy là nơi an toàn thường xuyên để anh có thể thả lỏng và quên các trận đánh đấm, tất cả đã thay đổi cuộc đời anh. Billy động viên anh học hết chương trình trung học phổ thông, rồi biết rằng chế độ quân dịch sẽ đến với cả hai người nên khuyên anh gia nhập theo diện ưu tiên vào binh chủng không quân. George đồng ý. Anh nghĩ có thể sẽ rất tuyệt khi lái máy bay. Còn Billy thì thực tế hơn khi cho rằng điều đó giúp họ tránh phải vào bộ binh và cho phép họ có thêm lựa chọn về địa lý hơn là chỉ ở Đông Nam Á. Nhưng Billy bị đau đầu gối do một vết thương khi chơi thể thao và khi họ đến gặp người tuyển quân thì anh bị từ chối. George được nhận. Anh vào binh chủng không quân, nhưng anh nhận ra mình không phải bay vào bầu trời. Thay vào đó anh được đào tạo thành lính quân y và bị đưa sang châu Phi (sau này khi ở Việt Nam anh là đội trưởng phụ trách bệnh viện vịnh Cam Ranh). Billy cuối cùng cũng bị bắt quân dịch, rõ ràng quân đội đã không quan tâm đến tình trạng bị đau đầu gối của anh. Có những lúc anh nghiêm túc nghĩ đến việc từ chối đi lính hoặc là bỏ trốn; anh không tin vào cuộc chiến tranh. Vấn đề không phải là vì sợ. Mà vì anh đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc khái niệm về phi bạo lực, đưa nhận thức của bản thân thoát khỏi những ý nghĩ hằn sâu trong óc khi ở ngoài đường phố. Nhưng đường phố sẽ không chấp nhận những kẻ trốn quân dịch nữa, cũng như không thể chịu đựng đám nghệ sĩ hay nhà thơ nữa, và khi áp lực lên quá cao, anh quyết định chấp nhận tình trạng là người trốn quân dịch theo cách khác. Anh sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự với vị trí của một quân y sĩ, giống như George.

Từ Việt Nam, Billy viết thư ngay cho George, cảnh báo rằng tình hình ở đây rất tồi tệ và chớ có đến đây, hãy tránh đi bằng mọi giá. Nhưng đã quá muộn. Cùng thời gian Billy ra nước ngoài, George được chuyển đến một phòng khám bệnh ở căn cứ không quân McGuire ở New Jersey – một công việc trong mơ và có thể tránh xa cuộc chiến tranh, giống như ai đó gia nhập binh chủng không quân. Nhưng đúng thời gian này có hai người trong số những người bạn thân từ thuở niên thiếu của anh đã bị giết, nên anh thấy bồn chồn không yên. “Tôi quyết tâm không ở lại New Jersey. Tôi muốn tham gia chiến tranh. Tôi muốn xem điều gì đang xảy ra với thế hệ chúng tôi, vì vậy tôi đã xung phong đi”, anh nói. Đó là một quyết định, cũng không có gì là bất bình thường, mà sau này anh cảm thấy rất hối hận.

Ngày 19.9.1968, William Edward Dick Jr mang số hiệu SP4 thuộc tiểu đội 11, đại đội dân sự số 41, binh chủng phòng vệ mặt đất số 1, bị chết ở Bình Định sau tám tháng tham chiến, chiếc xe jeep của anh vướng mìn khi đang trở về căn cứ sau vụ cứu tế ở một làng nhỏ Việt Nam.

Sáu tháng sau, George Evans sang Việt Nam. Sau đó hai thập kỷ anh làm bài thơ Khám phá trong mạch nước Mẹ một hình ảnh khi đi vào vườn nho ở phía bắc California vào ban đêm và thấy nó biến dạng, mỗi chiếc cọc như để đánh dấu nấm mồ của những người đã chết thuộc thế hệ anh, trong đó có Billy:

Một người có thời là lính với một đầu gối tật nguyền, đang nhạt nhòa đùa cợt
 món nợ trái mùa - sương mờ như thể những hồn ma bao phủ thân anh,
 và trở thành khuôn mặt của tất cả những ai đã
từng bị ném ra khỏi thế giới này.

Tôi đọc bài thơ này rất nhiều lần và câu thơ này luôn vương vấn trong đầu tôi khi ở Việt Nam, là câu thần chú thầm lặng cho cuộc hành trình mà chúng tôi đang đi, trong đó mỗi chúng tôi đi tìm cái đã mất hoặc điều hy vọng sẽ tìm thấy, đi gặp những người trong gia đình và làng quê mà vì họ anh Đảm, người hiện hữu trong khung ảnh để trên bàn thờ, đã trở thành đại diện cho tất cả những ai đã bị ném ra khỏi thế giới này.


Trở về

Chúng tôi khởi hành đi Thái Giang lúc sáu giờ sáng thứ bảy, ngày 28.5.2005. Chúng tôi mang theo những tài liệu mà Homer Steedly đã lấy từ thi thể của anh Hoàng Ngọc Đảm.

Ngôi làng nằm sâu trong vùng thôn quê trồng lúa ở tỉnh Thái Bình, phía đông nam Hà Nội. Chúng tôi đi trên chiếc xe bảy chỗ, qua những dãy hàng quán nằm dọc bên đường bán nước mắm đựng trong những chiếc vò lớn bằng đất nung, qua những nhà máy sản xuất hàng dệt may và quần áo nằm dọc theo quốc lộ từ Hà Nội đi Hải Phòng – những sản phẩm này được mang sang bán trong các cửa hàng Wal-Marts và Targets khắp trên lãnh thổ của kẻ thù cũ. Chúng tôi được biết đó là sự khởi đầu cho quá trình hòa giải giữa hai quốc gia, đồng thời góp phần nâng cao mức sống ở đây.

Chúng tôi đi mất hơn ba tiếng đồng hồ mới đến Thái Giang, mặc dù ngôi làng chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 60 cây số theo đường chim bay. Không có đường thẳng đi đến đó.

Gia đình họ Hoàng hẹn đón bên chiếc cầu gần đường cái, để dẫn chúng tôi vào làng. Chúng tôi dừng xe và chờ ở đầu cầu. Vài phút sau, một chiếc xe ô tô chầm chậm đi qua xe chúng tôi, rồi dừng lại phía trước. Các em anh Đảm đội khăn tang trắng. Tất cả đều khóc. Họ nắm chặt tay tôi, nỗi đau sâu thẳm của họ làm tôi ngạc nhiên – dường như anh Đảm mới chết hôm qua thôi chứ không phải là đã từ nhiều năm rồi. Họ bảo xe chúng tôi đi theo sau nhưng tôi hẵng cứ giữ tập tài liệu đã. Lúc đi qua vùng quê ngút ngàn màu xanh của những cánh đồng lúa phì nhiêu, thỉnh thoảng họ lại ném những mảnh giấy màu xanh và màu vàng qua cửa xe – đó là những đồng tiền cõi âm theo tín ngưỡng. Họ đang dẫn linh hồn anh Đảm trở về quê hương.

Lê Phượng dịch
(Số sau đăng tiếp)