Làng “tam thanh”

ANH CHI 18/04/2010 00:00

Cổ Đô nổi tiếng trong thiên hạ là một làng “tam thanh”; nghĩa là trong cuộc sống thường ngày luôn có 3 âm thanh: tiếng thoi reo lách cách của các thôn nữ, tiếng vui đùa của con trẻ, và tiếng đọc thơ bình văn của kẻ sỹ...

Làng Cổ Đô nằm ven sông Đà, thời Lê Sơ có tên là An Đô, thuộc huyện Tân Phong, sau đổi gọi là An Bang, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay là xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Từ xưa xa, Cổ Đô đã có nghề dệt lụa. Tương truyền, công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng đã từ Phong Châu sang dạy dân chúng Cổ Đô nghề dệt lụa. Bà Thiếu Hoa được dân làng thờ làm Đương cảnh Thành hoàng. Từ lâu đời, lụa của làng Cổ Đô đã là đặc sản tiến vua.

Bên cạnh đó, người Cổ Đô còn rất tự hào về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Từ gần 600 năm trước, có một gia đình họ Nguyễn quê gốc ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, vì nghèo nên phiêu dạt đến đất An Đô thì trụ lại làm ăn sinh sống. Về sau, Nguyễn Sư Mạnh là người khai khoa cho vùng quê này. Ông đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Thìn 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ mười lăm đời Lê Thánh Tông. Về sau, do có công, ông được ban quốc tính, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu. Gia phả họ Nguyễn có ghi giai thoại thời gian Sư Mạnh đi sứ nhà Minh. Vua Minh thấy sứ thần nước Nam mặc áo không cài khuy, bèn hạch tội. Sư Mạnh đã tâu rằng: “Đường dài, đi quá lâu, sợ khú mất chữ Thánh hiền, nên phải cởi áo ra hong, xin được đại xá!” Dựa vào câu nói đó, vua Minh hạ chiếu rằng, Thiên triều đã thất lạc mất thiên Vi chính trong sách Luận ngữ, nhờ người nhiều chữ chép lại, và hẹn 3 tháng phải xong, ý là không xong sẽ khép tội. Sư Mạnh du ngoạn Yên Kinh đến gần hết hạn mới ngồi vào bên án, chép liền mấy đêm, xong thiên Vi chính, dâng lên. Vua Minh cho đem đối chiếu, thấy bản Sư Mạnh chép có thừa một dấu chấm ở chữ “cộng”, nhưng truy tìm bản gốc thì thấy cũng có dấu chấm ở chữ “cộng” ấy. Bởi thế, vua Minh đã ban cho Sư Mạnh áo mũ và thẻ bài Thượng thư của Trung Quốc. Từ đường họ Nguyễn ở Cổ Đô còn treo bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ Lưỡng quốc Thượng thư.

Làng Cổ Đô còn có một danh sỹ lớn nữa là Nguyễn Bá Lân, con trai Nguyễn Công Hoàn, người có văn tài nổi tiếng thiên hạ. Nguyễn Bá Lân sinh năm Canh Thìn 1700, từ nhỏ đã ham đọc sách, lại được cha dạy dỗ, ông đỗ Tiến sỹ khoa Tân Hợi 1731, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ ba đời Lê Duy Phường. Sau ông làm quan trải nhiều chức trọng, như Đốc trấn Cao Bằng, rồi về kinh thăng chức Bồi tụng Thiêm đô ngự sử, tước Lễ Trạch hầu; năm 1756, được bổ chức Quốc Tử giám Tế tửu. Về cuối đời, ông được bổ chức Thượng thư bộ Công, thọ 86 tuổi, khi mất được tặng hàm Thái tể, tước Quận công. Đời vẫn truyền tụng nhiều giai thoại về những cuộc thi thố văn chương giữa cha con Nguyễn Công Hoàn và Nguyễn Bá Lân, bao giờ cũng bắt đầu từ phía người cha. Có một lần, cha con cùng sang một chuyến đò, nhìn thấy đàn dê bên kia sông, ông Hoàn liền ra đề bài phú là Bài phú xe dê cung cấm. Ông bảo con trai: “Sang bờ bên kia, ta làm xong trước mà mày chưa xong thì ta ném mày xuống sông; mày làm xong mà ta chưa xong thì mày ném ta xuống sông”. Khi thuyền cập bến, Bá Lân đã làm xong bài phú, còn ông Hoàn chưa làm xong. Ông Hoàn liền bắt con trai ném mình xuống sông. Bá Lân không dám nghe lời, liền bị cha đánh đòn. Bài phú ấy của Nguyễn Bá Lân được người đời tán thưởng và đặt tên là Nhất độ giang thành chương phú (một chuyến đò ngang làm xong bài phú). Nguyễn Bá Lân được người đương thời tôn là “An Nam đại tứ tài” (Bốn tài năng lớn của nước Nam, gồm: Nguyễn Trác Luân, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân). Tác phẩm để đời của Nguyễn Bá Lân là bài phú Ngã Ba Hạc, viết bằng chữ Nôm, có vị trí danh dự trong tiến trình phát triển văn chương chữ Nôm của nước ta. Ngoài tác phẩm này, Nguyễn Bá Lân còn viết hàng chục bài phú chữ Hán, như Cung nhân trúc diệp phú, Giai cảnh hứng tình phú, Trương Hàn từ thuần lô phú… đều là những tác phẩm có giá trị trong văn chương thể phú Việt Nam...

Cổ Đô ngày nay, tuy chưa có người viết được những tác phẩm văn chương thành công đỉnh cao như Nguyễn Bá Lân, nhưng có rất nhiều người làm thơ, có thể gọi đây là một làng thơ. Trong các buổi sinh hoạt CLB người cao tuổi, một bài thơ hoặc một vế đối được xướng lên, được hàng chục vế đối, bài thơ họa lại, thật đúng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Thêm nữa, Cổ Đô xứng đáng được gọi là làng hội họa. Một làng nhỏ mà có tới gần ba chục người theo học chính quy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, hoặc được đào tạo tại trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương). Họa sỹ đầu đàn của làng Cổ Đô là họa sỹ lão thành Sĩ Tốt, được công chúng Mỹ thuật cả nước biết đến với những tác phẩm như Tiếng đàn bầu, Bế con, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Một số tác phẩm của ông hiện đang được trưng bày tại các bảo tàng ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Đối với quê hương Cổ Đô, chính ông đã đào tạo và dìu dắt nhiều lớp họa sỹ trẻ vào nghề, trưởng thành. Từ khi về nghỉ hưu tại quê nhà, vào cuối những năm 1980, hoạ sỹ Sĩ Tốt đều đặn tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà, để phát hiện và đào tạo những mầm non nghệ thuật hội họa...

Cổ Đô, một làng nhỏ cổ kính, trải hàng ngàn năm với thật nhiều đời người gắng công gắng sức, mới tạo dựng cho vùng quê của mình trở thành làng lụa, làng văn, làng hội họa. Đó là một kỳ tích hiếm thấy ở các làng quê Việt Nam.

ANH CHI