Rủi ro đeo bám

Mai Hà 17/04/2010 00:00

Việc nhiều doanh nghiệp tư nhân, đại lý cà phê ký gửi tại Đăk Lăk vỡ nợ khiến hàng trăm hộ nông dân bỗng dưng tay trắng mất hàng nghìn tấn cà phê không khiến nhiều người ngạc nhiên. Trước đây, đã có nhiều lời cảnh báo về khả năng vỡ nợ dây chuyền ở các đại lý này. Ngay cả người nông dân, dù biết hình thức ký gửi có độ rủi ro cao nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Trong điều kiện giá cà phê thường xuyên lên xuống thất thường và bản thân không đủ điều kiện bảo quản lâu dài cà phê, người nông dân dù muốn hay không cũng phải chấp nhận hình thức ký gửi. Mới đây đã có chủ trương mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhằm chặn đà rớt giá cà phê, song như đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Diệp Kỉnh Tần, chủ trương này “có phần khá muộn”, do lượng cà phê trong dân không còn nhiều, đã bán trước hoặc ký gửi các đại lý.

Nông dân chịu thiệt

Không thể phủ nhận, ký gửi cà phê đã chứng tỏ phần nào hiệu quả, thay thế cho hình thức mua đứt bán đoạn trước đây. Đây là lý do nhiều năm qua, các hộ nông dân đã lựa chọn hình thức ký gửi với các đại lý (thỏa thuận theo hình thức chốt giá, trả tiền ngay hoặc trả chậm).

Song như nhận định của Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Diệp Kỉnh Tần, người nông dân gửi cà phê chỉ được đại lý tạm ứng một phần tiền, trong khi cà phê ở trong kho thì đại lý hay doanh nghiệp đó được toàn quyền sử dụng mà người dân rất khó kiểm soát. “Vì thế, có tình trạng nhiều đại lý lấy hàng ký gửi của người nông dân bán buôn, bán ảo, thậm chí khi bị xiết nợ, họ cũng lấy luôn hàng của người nông dân để bán và trả nợ” – ông Tần cho hay.

Thực hiện ký gửi thông qua một trung tâm uy tín là cần thiết để giảm thiểu sự rủi ro cho người nông dân thay vì các đại lý tư nhân. Hiện Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đã thực hiện hình thức ký gửi với quy mô lớn và an toàn hơn, với dịch vụ tài chính được cung cấp bởi Ngân hàng Techcombank. Cũng nhờ an toàn, lượng cà phê ký gửi ở đây đã tăng tới hơn 1.000 tấn chỉ trong vài tháng gần đây. Nhưng với nhược điểm ở xa các vùng canh tác, người nông dân phải chịu phí tổn khá lớn để vận chuyển sản phẩm tới kho.

Để đẩy nhanh việc mua tạm trữ cà phê, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất 6% cho các doanh nghiệp. Song có ý kiến cho rằng, có thể cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi nhưng không phải mua mà dùng tiền đó nhận ký gửi cà phê cho nông dân. Tức khi giá cà phê có lợi hơn người nông dân sẽ chốt giá, doanh nghiệp xuất khẩu để thu hồi vốn.

“Cái khó” của ngành cà phê

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có cái khó riêng của mình. Hiện doanh nghiệp cà phê Việt Nam chưa được bán trên sàn cà phê London mà vẫn phải qua đối tác nước ngoài theo hợp đồng giao sau và phương thức trừ lùi (giá cà phê chỉ được chốt vào ngày giao hàng theo giá tại sàn London thời điểm đó). Đơn cử như giá sàn London là 1.230 USD/tấn, nhưng doanh nghiệp chỉ thu được khoảng 1.100 USD/tấn do trừ chi phí giao hàng, vận chuyển…

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đã xuất trước cà phê ký gửi của người dân ở thời điểm giá thấp, đến khi giá cao người dân đến chốt giá cuối thì hàng đã bán từ trước đó nên rơi vào cảnh thua lỗ, vỡ nợ. Chưa kể tình trạng nhiều đại lý tư nhân mỏng vốn, làm ăn chộp giật, tạm trữ đủ thì chạy làng.

Trên thực tế, cà phê Việt Nam luôn bị ép giá. Niên vụ 2009- 2010 lượng cà phê giảm gần 30%, chất lượng tốt hơn nhưng giá lại thấp nhất trong 3 năm qua. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2010 chỉ ở mức trên 1 tỷ USD, giảm 40-50% so với năm 2009 do cà phê bị mất giá. Dù giá thấp nông dân vẫn phải bán để trả nợ ngân hàng, còn doanh nghiệp do thiếu vốn cũng chỉ dám mua tới đâu xuất khẩu tới đó. 

Cắt bỏ khâu trung gian, bán trực tiếp cho người tiêu thụ thông qua sàn sẽ giúp người nông dân tự làm chủ sản phẩm của mình. Cách thức này được triển khai tại rất nhiều nước nhưng ở Việt Nam vẫn chưa hiệu quả. Hiện sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đã mở cửa, song chỉ hoạt động cầm chừng. “Việc tự ra sàn giao dịch của nông dân rất khó khả thi”, ông Tần nhìn nhận. Bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, phân tán, trình độ của người dân còn rất hạn chế.

Việc xây kho tạm trữ cà phê đã được đề cập đến nhiều lần, nhưng cho tới nay vẫn chưa thành hiện thực mà vẫn phải dựa vào các đầu mối tư nhân nhỏ lẻ. Theo Thứ trưởng Tần, chắc chắn vẫn phải để doanh nghiệp tự thực hiện việc thu mua tạm trữ cà phê cho người dân. Hiện Bộ NN và PTNT đang cho Công ty cổ phần Cà phê Tây Nguyên xây dựng kho ngoại quan rất lớn, sau khi hoàn thành đây sẽ là nơi để cho người dân ký gửi. Công ty có cổ phần của nhà nước, mỗi năm sẽ xuất khẩu tới 200.000 – 300.000 tấn cà phê.

Thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần tới kho tạm trữ, kho ngoại quan lớn làm chỗ dựa cho người nông dân mỗi khi giá cà phê thấp.

Mai Hà