Việt sử giai thoại: Trần Quốc Tuấn lấy vợ

Nguyễn Khắc Thuần 16/04/2010 00:00

Tháng 2 năm Tân Hợi (1251), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy vợ. Đây là cuộc hôn phối rất đặc biệt, được sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5, tờ 17a-b và tờ 18a-b) ghi lại và kèm theo lời bình của Ngô Sĩ Liên như sau:

“Gả trưởng Công chúa Thiên Thành (1) cho Trung Thành Vương (không rõ tên), nhưng bị con trai của An Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy nên công chúa về với Quốc Tuấn.

Ngày 15 tháng ấy (2), Hoàng Đế cho mở hội lớn trong bảy ngày đêm, trưng bày đồ quý và tổ chức nhiều trò chơi cho mọi người trong triều ngoài nội tới xem, ý muốn cho Công chúa Thiên Thành kết tóc với Trung Thành Vương. Trước đó, Hoàng đế cho Công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh của Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha của Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy Công chúa Thiên Thành nhưng lại không biết làm thế nào được, mới nhân ban đêm, lẻn vào chỗ ở của Công Chúa rồi thông dâm với nàng. Công Chúa Thụy Bà (3) liền đến gõ cửa điện để cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Nghe Hoàng Đế hỏi, Thụy Bà tâu rằng:

Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành. Nhân Đạo đã cho bắt giữ mất rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương mà sai người đến cứu.

Hoàng Đế vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành thì thấy Trần Quốc Tuấn đang ở đấy. Lúc bấy giờ Nhân Đạo Vương mới biết chuyện. Hôm sau, Thụy Bà dâng mười mâm vàng sống đến tâu với Hoàng Đế rằng:

Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật.

Hoàng Đế bất đắc dĩ phải gả Công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy hai ngàn khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên (4) để hoàn lại sính lễ cho Trung Thành Vương.

Ngô Sĩ Liên nói: “Con gái Hoàng đế lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ hàng đứng ra làm chủ hôn, lễ là vậy. Thái Tông đem Thiên Thành Công chúa gả xuống cho Trung Thành Vương mà Công chúa lại về với Hưng Đạo Vương, việc hôn nhân rất là bất chính. Thế thì lễ cưới này không ai đứng chủ ư? Giữ việc lễ đâu có thể cho phép không có chủ được. Vì Hoàng Đế đã bất chính trong đạo vợ chồng (5), cho nên kẻ làm tôi, làm con cũng bắt chước. Vả lại, hôn nhân không lấy người khác họ mà lấy người cùng họ thì chỉ có nhà Trần. Trong việc trái lễ, lại trái lễ nữa”.

Người kể chuyện xin có một chú thích nhỏ: Công chúa Thiên Thành là em của Trần Thái Tông chứ không phải là con của Trần Thái Tông. Xét về vai vế ban đầu thì bà là cô ruột của Trần Quốc Tuấn! Về chuyện này, công bằng hơn có lẽ là lời bình của các tác giả Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 6, tờ 34), nguyên văn như sau:

“Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ cái thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là quái lạ”.

____________

1. Chỗ này nguyên tác nhầm. Thiên Thành không phải là trưởng Công chúa mà là công Chúa út. Trưởng Công chúa là Thụy Bà, chị ruột của Hoàng đế Trần Thái Tông (1226-1258).

2. Tức là tháng 2.1251.

3. Chị ruột của Hoàng đế Trần Thái Tông và là cô ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, bà là người đã nhận nuôi Trần Quốc Tuấn làm con.

4.  Nay thuộc Hà Nội.

5. Chỉ việc Hoàng Đế Trần Thái Tông lấy vợ của anh là Trần Liễu, thân sinh của Trần Hưng Đạo.

Nguyễn Khắc Thuần