Lễ hội Thống nhất non sông 2010: Hòa nước sông ba miền
Ngày 30.4-1.5, tại đôi bờ sông Bến Hải và cầu Hiền Lương, ranh giới chia cắt 2 miền Nam – Bắc trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, lần đầu tiên, lễ hội Thống nhất non sông sẽ được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia.
Lễ Thượng cờ bên cây cầu và dòng sông lịch sử
Sông Bến Hải dài gần 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông, giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, Quảng Trị, đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng. Nối hai bờ sông tại Km735 trên QL1A là cầu Hiền Lương. Sau khi Hiệp định Geneve về Việt Nam được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Bởi vậy, dòng sông Bến Hải và cây cầu bắc qua sông đã trở thành nhân chứng lịch sử 21 năm chia cắt đất nước (1954-1975), chứng kiến cảnh đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Tại địa danh này, vào ngày 30.4 hàng năm, quân và dân Quảng Trị tổ chức lễ hội Thống nhất non sông nhằm giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử vẻ vang của dân tộc, của quân dân Quảng Trị. Năm 2010, kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với các hoạt động diễn ra trong cả nước, lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia, trong 2 ngày 30.4-1.5. Theo Giám đốc Sở VH, TT và DL Quảng Trị Nguyễn Hữu Thắng, sáng 30.4, tại Kỳ đài phía Bắc cầu Hiền Lương sẽ diễn ra lễ Thượng cờ. Trong chiến tranh, cột cờ và lá cờ là biểu tượng của dân tộc đứng vững dưới mưa bom bão đạn, nhằm động viên, cổ vũ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh với Mỹ - Ngụy. Phát huy tinh thần ấy, lễ Thượng cờ được Quảng Trị tổ chức trong 10 năm trở lại đây. Năm nay, cùng với người dân Quảng Trị, lễ Thượng cờ có sự tham gia của các đoàn tuyên truyền lưu động, lực lượng đoàn viên, vận động viên...

Hòa nước sông ba miền
Nét mới và là điểm nhấn của lễ hội Thống nhất non sông 2010 là lễ Hòa nước, diễn ra vào tối 30.4, tại sân khấu phía Nam cầu Hiền Lương. Để thực hiện nghi lễ này, tỉnh Quảng Trị đã mời đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng và Hậu Giang cùng tham gia. Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng sẽ lấy nước nguồn Pác Bó đựng trong ống bương; đoàn Hậu Giang sẽ lấy nước từ dòng sông Hậu, đựng trong quả bầu, mang đến Quảng Trị. Hai đoàn sẽ gặp nhau trên cầu Hiền Lương và tiến hành lễ hòa nước nguồn Pác Bó cùng nước sông Cửu Long vào dòng sông Bến Hải. Nghi lễ Hòa nước tượng trưng cho sự ý chí đoàn kết, khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân đôi bờ sông Bến Hải cũng như 2 miền Nam - Bắc.
Cũng tại sân khấu này, ngay sau nghi lễ Hòa nước là chương trình nghệ thuật Bài ca thống nhất. Tổng đạo diễn chương trình, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhạc sỹ Đào Đăng Hoàn cho biết: chương trình sẽ diễn ra trên sân khấu rộng 400m2, lấy kỳ đài Hiền Lương, cầu Hiền Lương cũ làm không gian sân khấu, để khán giả có thể thấy dòng sông Bến Hải và cây cầu từng tồn tại qua những năm tháng chiến tranh. Chương trình nghệ thuật kéo dài 75 phút, chia làm 3 phần: Nỗi đau chia cắt, Đường giải phóng và Bài ca thống nhất. Khoảng 200 diễn viên chuyên nghiệp của trung ương và địa phương, 400 diễn viên quần chúng từ các đoàn nghệ thuật không chuyên, đơn vị bộ đội đóng tại Quảng Trị sẽ tham gia chương trình.

Trong khuôn khổ lễ hội, tối 29.4, tại khu di tích Hiền Lương, khai mạc Liên hoan tuyên truyền lưu động, dự kiến có các đoàn tuyên truyền của 21 tỉnh, thành phố tham dự. Sau đó, các đoàn sẽ biểu diễn phục vụ nhân dân ở 9 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Trị. Vào sáng 30.4, Giải đua thuyền diễn ra tại bến đua thuyền phía Bắc cầu Hiền Lương, với sự tham gia của 15 đội đua thuyền nam nữ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Đây là hoạt động thể thao truyền thống được tỉnh Quảng Trị tổ chức trong lễ hội nhiều năm trước...