Thụy Sỹ: Trung lập đến bao giờ?
Không nơi nào ở châu Âu có hình ảnh về trung lập và an toàn tốt hơn Thụy Sỹ. Danh tiếng của đất nước này về mức độ trung lập không thể xâm phạm đã giúp Thụy Sỹ thoát khỏi những câu chuyện chính trị cho-và-nhận thông thường. Quốc gia châu Âu này, vì thế, là nơi mà người ngoài nhìn vào với những hình dung về những chiếc đồng hồ và thanh socola Nestle ngọt ngào hơn là phe phái và những chuyện chính trị rắc rối. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể đã thay đổi.

Những bí mật đằng sau chủ nghĩa ngoại lệ của Thụy Sỹ đang dần dần hé lộ. Thực ra, câu chuyện thực về Thụy Sỹ đã rò rỉ từ thời kỳ hậu chiến và tăng dần trong những năm 1990, khi ngày càng có nhiều chuyện về sự dính líu của các ngân hàng Thụy Sỹ trong việc giúp đỡ phát xít Đức, mặc cho những ngân hàng ở đây phản đối. Trong khi đó, các đảng cánh hữu lại tiếp tục giành được thắng lợi từng bước. Trong cuộc bầu cử Quốc hội 1983, đảng Cấp tiến đã đánh dấu bước ngoặt của cánh hữu khi giành được nhiều phiếu bầu hơn đảng Dân chủ Xã hội, lần đầu tiên trong vòng 58 năm. Tất cả những chuyện này đã diễn ra như thế nào?
Tháng 11 năm ngoái, Thụy Sỹ đã đánh cược danh tiếng trung lập của mình với cuộc trưng cầu dân ý về lệnh cấm xây các nhà thờ Hồi giáo. Các nhà phân tích cho rằng, đây là biểu hiện của nỗi lo sợ về đạo Hồi, nhưng có vẻ đó là lý do không xác thực khi có đển khoảng 400.000 người Hồi giáo tại quốc gia này trong khi chỉ có bốn nhà thờ Hồi giáo được xây. Thêm nữa, Thụy Sỹ lại chìm trong tranh cãi với nhà lãnh đạo Libi Muammar al-Qadafi, người đã phản ứng lại việc con trai mình bị bắt giam ở Geneva bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Thụy Sỹ, kêu gọi một cuộc thánh chiến và thậm chí đề xuất lên Đại hội đồng LHQ xoá tên thành viên của quốc gia này.
Mới đây, Thủ tướng Đức Merkel, người xây dựng phong cách lãnh đạo dựa trên tính thực dụng và không thích sự ồn ào, đã thu hút sự chú ý của báo giới hồi tháng hai khi lên tiếng Đức đang xem xét mua lại một đĩa CD chứa thông tin về những kẻ trốn thuế với tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ, động thái mà tờ Der Spiegel bình luận là “có thể xa lánh Thụy Sỹ”. Sau đó không lâu, các quan chức ở bang Baden-Wurttermberg của Đức cũng lên tiếng định mua chiếc CD thứ hai. Ngân hàng lớn của Thụy Sỹ là UBS cũng đang đàm phán với Mỹ để cung cấp những thông tin về lịch sử giao dịch của hàng nghìn công dân giàu có của Mỹ được cho là trốn thuế, một động thái tiếp tục xói mòn danh tiếng của các ngân hàng nơi đây. Hơn thế nữa, đạo luật cho phép tự sát tự do của Thụy Sỹ đã khiến nước này trở thành địa điểm lý tưởng hàng đầu thế giới của cái gọi là “du lịch tự sát”. Việc này đang gây ra rất nhiều tranh cãi về mặt đạo đức và pháp lý.
Thụy Sỹ chính thức xác nhận vị thế trung lập kể từ Hòa ước Vienna năm 1815 và không hề tham gia chiến tranh kể từ đó, trở thành nước trung lập lâu đời thứ hai sau Thụy Điển. Thế nhưng, ảnh hưởng của những sự kiện trên đang làm dấy lên hoài nghi về việc đất nước này có thể đứng trung lập trong bao lâu nữa.
Quốc gia nhỏ bé này đã đóng góp không nhỏ cho văn hoá thế giới, với những nhà văn nổi tiếng như Max Frisch và Hermann Hesse và những sản phẩm như đồng hồ hay socola nổi tiếng. Nhà văn Frisch từng viết trong tiểu thuyết Stiller năm 1954: “Hồi đó, những nhà lãnh đạo Thụy Sỹ muốn những thứ chưa bao giờ tồn tại và họ hướng tới ngày mai. Hồi đó, Thụy Sỹ có một hiện tại hào hùng. Giờ đây, họ còn những thứ đó không? Chỉ còn trong hoài niệm”.
Sự trung lập của Thụy Sỹ trong thế kỷ XIX là rất rõ ràng, nhưng với kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh - kỷ nguyên của toàn cầu hoá và phụ thuộc kinh tế thì sao? “Thụy Sỹ luôn có vị thế trung lập, nhưng đang càng ít ý nghĩa trong thời ngày nay. Bạn nói về chống lại tội phạm quốc tế. Bạn phải hợp tác. Bạn nói về chống ma tuý. Bạn phải hợp tác. Tất cả đều liên kết với nhau. Bạn phải tự hỏi: đâu là trung lập?”, Albrecht Metzger, chuyên gia về hòa hợp châu Âu và Hồi giáo, nhận xét.
Tệ hơn, các ngân hàng Thụy Sỹ lại không thể bảo mật thông tin. Họ cần sự hợp tác từ chính phủ Thụy Sỹ với nỗ lực từ các chính phủ khác để bảo mật thông tin khách hàng. Một số nước xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố hay ma tuý; Thụy Sỹ xuất khẩu một loại virus – bí mật ngân hàng. Danh tiếng của đất nước châu Âu này vẫn đang được nhiều người biết đến. Tuy nhiên không quốc gia nào có thể mãi mãi tồn tại là một ốc đảo. Những tranh cãi gần đây tại Thụy Sỹ khiến chúng ta biết rằng, không nước nào có thể đứng trên mọi luật lệ và chuẩn mực trong thế kỷ kết nối – thế kỷ toàn cầu hoá, mặc dù, đồng hồ vẫn chạy chính xác và socola vẫn rất ngọt ngào.
Theo FP