Nhà văn Italy Alessandro Baricco: Khi bạn kể chuyện giỏi, mọi người sẽ lắng nghe

Lê Thủy ghi 25/03/2010 00:00

Được đánh giá cao ngay từ tác phẩm đầu tiên với lối kể chuyện đa phong cách, hấp dẫn, nhà văn Italy nổi tiếng đương đại Alessandro Baricco cho rằng, kể chuyện giỏi là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một nhà văn.

04-Nha-van-8410-300.jpg

Alessandro Baricco là khách đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp Hội chợ Sách lần thứ 6 vừa qua. Ông cũng đã có buổi gặp gỡ công chúng và độc giả tại Hà Nội.

- 33 tuổi mới cho ra mắt tác phẩm đầu tay, tại sao ông đến với văn chương muộn như vậy?

Tôi tốt nghiệp ngành âm nhạc và triết học, từng làm nhiều nghề như viết phê bình âm nhạc cho tờ báo lớn của Italy, làm chương trình văn hóa nghệ thuật cho truyền hình. Trước khi viết tác phẩm đầu tay thì tôi làm quảng cáo, nhưng tôi thất vọng và thấy rằng đó không phải là công việc dành cho mình. Do đó, tôi bắt đầu viết những thứ mình nghĩ. Sân khấu, điện ảnh, truyền hình, quảng cáo đều là những nghề rất hay, nhưng không thể so sánh với nghề viết văn,

- Gây được sự chú ý và giành giải thưởng văn học Médicé danh tiếng của Pháp ngay từ tác phẩm đầu tiên, Lâu đài nổi giận, tại sao tác phẩm này lại hấp dẫn đến vậy?

Castelli di Rabbia (Lâu đài nổi giận) xuất bản năm 1991. Câu chuyện diễn ra vào thế kỷ XIX, nói về Rail, một chủ nhà máy sản xuất kính, người thường đi tới những vùng đất xa lạ và mang về cho người vợ thân yêu một món quà giống hệt nhau. Tác phẩm chứa đựng nhiều chủ đề cũng như lối kể chuyện. Ban đầu tôi đã viết với tất cả nhiệt huyết của người mới cầm bút viết văn, không quan tâm nó sẽ đi tới đâu. Do đó, đã có một số người nói rằng, những cuốn sách sau của tôi không hay như cuốn đầu tiên. Nhưng tôi nghĩ, cảm xúc đó chỉ có một lần khi người ta bắt đầu viết. Bây giờ có vẻ tôi đi chậm hơn. Tôi muốn viết với nhiều phong cách khác nhau, khi có cốt truyện thì sẽ tìm văn phong phù hợp với cốt truyện đó. Đôi khi cốt truyện đến rất nhanh, nhưng sau đó lại mất thời gian để tìm phong cách viết.

- Còn với tác phẩm Lụa đã được dịch ra tiếng Việt và được nhiều bạn đọc Việt Nam yêu thích thì sao, thưa ông?

Đó là tác phẩm thứ 3 của tôi, tên tiếng Italy là Seta, phát hành năm 1997. Không gian của thế kỷ XIX lại được chọn làm bối cảnh kể câu chuyện về Herve Joncourt, nhân vật chính, một nhà buôn tằm đang trên hành trình tìm kiếm giống trứng tằm quý hiếm. Những chuyến đi đã đưa chàng đến Nhật Bản, đất nước của lụa. Và nơi này, chàng bị cuốn vào tình yêu với một phụ nữ kỳ lạ, xinh đẹp và im lặng, người đã khiến Joncourt rơi vào mê cung của tưởng tượng và chờ mong...

Một số độc giả nói rằng Lụa như một bài thơ, nhưng trong tâm tưởng tôi, Lụa như một ván cờ, mỗi chương là một nước đi. Con người trong đó là quân cờ trên bàn cờ số phận. Và khi ấy, tôi là người chơi cờ bí ẩn. Nhưng, mọi nước đi ấy không phải do tôi quyết định, cứ như ai đó đã khiến tôi viết ra như vậy.

- Tác phẩm Lụa được đánh giá mang đậm tính châu Á. Trước khi viết tác phẩm này, ông đã đến Nhật Bản chưa?

Khi viết Lụa, tôi viết về thế giới không giống với thế giới tôi đang sống, là Nhật Bản, do đó, tôi phải tìm hiểu về đất nước này. Nhưng Nhật Bản trong truyện không phải là Nhật Bản thời hiện đại, mà là hình ảnh Nhật Bản mà những người châu Âu tưởng tượng vào thế kỷ XVIII. Để viết Lụa, tôi đã đọc các cuốn sách mà người châu Âu viết về Nhật Bản trong thế kỷ XVIII, và nhật ký hành trình của những người từng đến đất nước này. Lúc ấy, những người châu  Âu gọi Nhật Bản là nơi “tận cùng của thế giới”. Câu chuyện đó như một truyền thuyết chứ không liên quan tới sự phát triển kinh tế...

- Đến nay, khi đã có 9 tiểu thuyết và thu được một số thành công, ông thấy nghề viết văn như thế nào?

 Viết văn là nghề khó nhất, bởi khi viết một cuốn sách, nhà văn thường cô đơn. Khi ấy không ai hiểu họ làm gì, khi thất bại cũng chỉ mình họ biết. Tuy vậy, khi chỉ mình bạn đối diện với chiếc máy tính, cảm xúc sẽ thăng hoa, tới mức người viết như lạc vào thế giới khác. Ví dụ khi viết cuốn Lụa, tôi đến thế kỷ XVIII, đi tới tận cùng thế giới, sau đó lại phải quay về nhà, ở thời điểm hiện tại, khi đó con trai tôi đang đòi đi đá bóng, còn vợ tôi hỏi về cái khăn tắm… Rất khó khăn để nhà văn có thể cân bằng đời sống. Do đó mà viết văn là nghề chỉ dành cho số ít, không phải cho người giỏi nhất mà dành cho người đam mê, tự tin nhất. Đổi lại, khi viết họ có một cảm xúc tuyệt vời, mà không công việc nào có thể so sánh.

- Được biết, ông đã tham gia thành lập một trường viết văn tại Italy và trực tiếp giảng dạy tại trường?

Tôi và một số người bạn đã thành lập trường đại học tư chuyên giảng dạy sáng tác mang tên Scuola Holden. Ngôi trường mang tên một nhân vật tiểu thuyết, là một cậu bé 14 tuổi, rất bướng bỉnh và bị tất cả các trường đuổi học. Ngôi trường mang tên này để thấy rằng chúng tôi sẽ không đuổi những học sinh nổi loạn, khác thường như cậu bé này. Trường đã được thành lập và duy trì trong 15 năm qua, và trong thời gian ấy, chúng tôi vẫn dạy sinh viên cách kể chuyện, bởi chúng tôi tin rằng, khi biết kể chuyện, họ có thể làm nhà báo, quảng cáo, làm phim.

Trường thu hút nhiều tác giả và đạo diễn nổi tiếng. Mỗi năm, chúng tôi chọn khoảng 30 sinh viên, và dạy họ những cách kể chuyện khác nhau: kể bằng truyện tranh, bằng tác phẩm điện ảnh, tiểu thuyết; hướng dẫn cách suy ngẫm về ý tưởng kể chuyện và cách kể, và phát triển khả năng lắng nghe, quan sát và khả năng nói cho sinh viên. Kể chuyện giỏi là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một nhà văn. Khi bạn kể chuyện giỏi, mọi người sẽ lắng nghe.

- Xin cám ơn ông!

Lê Thủy ghi