Ổn định tỷ giá hối đoái để cải thiện cán cân thương mại

Nguyễn Thường Lạng 22/03/2010 00:00

Do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 – 2009, cán cân thương mại của nước ta đang rơi vào tình trạng thâm hụt. Cần nhận diện bản chất thâm hụt cán cân thương mại của nước ta trong thời gian qua như thế nào để có hướng điều chỉnh trong năm nay?

Năm 2009 – thâm hụt để chữa trị thâm hụt

Năm 2009 là giai đoạn mà tình trạng cán cân thương mại nước ta bị thâm hụt khá nặng nề. Nguyên nhân của tình trạng này có thể được xem xét từ nhiều góc độ. Nguyên nhân đầu tiên là việc nước ta trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang trong giai đoạn thực hiện các cam kết về giảm thuế quan và các hạn chế thương mại, mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế. Trong khoảng thời gian kể từ ngày gia nhập, mức thuế nhập khẩu trung bình của nước ta phải được cắt giảm từ 17,4% xuống còn 13,4% trong vòng 5-7 năm. Do đó, kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh và xu hướng này còn có khả năng tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới khi nước ta thực hiện đầy đủ các cam kết trong WTO. Nhu cầu về nhập khẩu cả tư liệu sản xuất thể hiện ở máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng kể cả hàng tiêu dùng xa xỉ tăng lên vì một bộ phận dân cư cải thiện được thu nhập... Điều này cũng cho thấy hàng rào thương mại của nước ta trước khi thực hiện các cam kết giảm thuế và các hàng rào thương mại khác đóng vai trò to lớn trong việc giảm thiểu tình trạng thâm hụt thương mại.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là những biến động trên thị trường thế giới theo hướng bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã làm giảm khá mạnh nhu cầu về hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Mỹ,  bạn hàng thương mại lớn của nước ta đã làm giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu. Giá hàng xuất khẩu giảm mạnh gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mà cụ thể là sự giảm giá của mặt hàng nông sản, thủy sản. Đây là những mặt hàng có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Nhóm mặt hàng chế biến, công nghiệp và thủ công nghiệp gặp phải tình trạng thu hẹp thị trường. Nhóm hàng nguyên liệu, khoáng sản gặp phải khó khăn do tình trạng giá giảm... Chẳng hạn, trong 7 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,13 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2008, tức là vào khoảng 638 triệu USD, trong đó phần giảm xuống do giá giảm khoảng 1,88 tỷ USD và phần tăng lên do lượng khoảng 1,24 tỷ USD. Nguyên nhân thứ ba là nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu chiếm tỷ trọng đáng kể (70-80%) tổng kim ngạch nhập khẩu và nhóm này có xu hướng tăng lên do nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu cũng như nhu cầu sản xuất- kinh doanh trong nước tăng lên. Tình trạng nhập siêu còn cho thấy khả năng cạnh tranh không cao của các hàng hoá thay thế nhập khẩu. Nhưng tình trạng nhập siêu này có thể coi là điều kiện quan trọng để cải thiện nhập siêu trong chu kỳ kinh doanh tiếp theo khi các loại máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu được sử dụng để sản xuất các loại hàng hóa xuất khẩu. Nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng có xu hướng tăng nhập khẩu nhưng có thể hạn chế bằng các công cụ và biện pháp quản lý mang tính hành chính...

Từ những phân tích và xem xét trên đây có thể thấy, tình trạng thâm hụt cán cân thương mại nước ta trong năm 2009 chủ yếu do sự thay đổi của cung cầu về các nhóm hàng hoá có liên quan đến xuất- nhập khẩu, các nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị..., những biến động bất lợi của thị trường thế giới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế của hàng hoá, dịch vụ nước ta trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu gây ra chứ không phải do ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái. Trong năm 2009, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng USD có điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ đồng Việt Nam đã góp phần hạn chế tính cứng nhắc của tỷ giá so với những biến động trên thị trường tự do song vẫn bảo đảm sự ổn định và phục vụ có hiệu quả cho việc lập kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô sau khủng hoảng. Hơn nữa, mức độ thâm hụt cán cân thương mại chưa phải đến mức báo động (chỉ vào khoảng 10-12% GDP) vì việc nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu...là nhóm hàng chủ yếu nhằm tạo khả năng thúc đẩy sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, xu hướng thâm hụt thương mại gia tăng còn cho thấy quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế để phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể nói thâm hụt thương mại nước ta năm 2009 là thâm hụt để chữa trị thâm hụt trong giai đoạn tiếp theo.     

Phải ổn định tỷ giá hối đoái 

Năm nay, việc nước ta tiếp tục thực hiện các cam kết với WTO về mở cửa thị trường trong nước sẽ là yếu tố làm kim ngạch nhập khẩu tăng lên vì cơ cấu hàng nhập khẩu sẽ bao gồm cả hàng hoá thuộc nhóm tư liệu sản xuất và hàng hoá thuộc nhóm hàng tiêu dùng. Do đó, tình trạng nhập siêu trong năm nay sẽ chưa thể khắc phục được. Tuy nhiên với kim ngạch nhập khẩu tăng trong năm 2010 vào khoảng 35% và kim ngạch xuất khẩu tăng vào khoảng 30%, mức thâm hụt cán cân thương mại nước ta năm 2010 vào khoảng 20 tỷ USD (xuất khẩu sẽ đạt khoảng 76,7 tỷ USD và nhập khẩu sẽ đạt con số vào khoảng 97,6 tỷ USD). Con số nhập siêu này vượt mức nhập siêu của năm 2008 là 18.7 tỷ USD và sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, mức thâm hụt có thể được làm yếu đi bởi tác động của cán cân vốn và các dòng tiền di chuyển từ ngoài vào trong nước như kiều hối, viện trợ... cũng như khả năng tăng trưởng cao của nền kinh tế nước ta trong năm 2010 khi tổng cầu cả nền kinh tế có khả năng tăng lên sau suy giảm kinh tế.     

Để cải thiện tình trạng thâm hụt cán cân thương mại đang có xu hướng gia tăng trong năm 2010, có thể áp dụng nhiều biện pháp. Về lâu dài cần tăng cường tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, mở rộng mạng lưới bán hàng; cải thiện chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm; cải cách bộ máy quản lý, tạo ra được những mặt hàng có giá trị gia tăng cao hoặc những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế... Tuy nhiên, trước mắt, các nhà điều hành vĩ mô cần hạn chế nhập khẩu các hàng hoá chưa thiết yếu; tranh thủ tình trạng giảm giá của các mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới trong điều kiện suy giảm kinh tế toàn cầu để nhập khẩu mạnh các mặt hàng cần thiết phục vụ việc nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp và Chính phủ cần phối hợp đồng bộ và cần có cơ chế cảnh báo sớm tình trạng nhập siêu để các doanh nghiệp điều tiết lượng nhập khẩu theo chu kỳ kinh doanh hoặc chuyển việc nhập khẩu sang giai đoạn sau để vừa hạn chế tình trạng tồn kho, ứ đọng vốn, vừa giảm thiểu nhập khẩu ồ ạt làm lượng ngoại tệ di chuyển ra bên ngoài quá lớn trong một thời gian ngắn làm suy yếu cán cân thương mại. Đồng thời, cần tăng cường tiết kiệm chi tiêu trong bộ máy nhà nước và tiết kiệm trong dân cư, đặc biệt là khu vực phi chính thức để tạo nội lực mạnh chống đỡ với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Trong trường hợp cán cân thương mại thâm hụt quá lớn, dự trữ ngoại hối giảm đến mức báo động... thì có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp như đánh thuế, hạn chế định hượng, thiết lập các hàng rào kỹ thuật... để bảo vệ cán cân thanh toán theo quy định về các ngoại lệ trong WTO. Song cần phải hết sức thận trọng khi quyết định áp dụng các giải pháp cấp bách này. Cũng cần nhấn mạnh rằng, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ chủ chốt cần phải được duy trì ổn định thì mới có thể phát huy triệt để tác dụng của các biện pháp cải thiện cán cân thương mại ở trên.

Nguyễn Thường Lạng