Bong bóng nằm ở đâu?

Nguyễn Long 15/03/2010 00:00

Ngày càng có nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng bong bóng trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng có lẽ những người quan sát này nên lắng nghe chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người đã cảnh báo – một cách trung thực đáng ngạc nhiên – về tình trạng đầu tư quá mức và thiếu hụt mức cầu nội địa đang tạo ra bong bóng kinh tế tại quốc gia châu Á này.

08-Bong-bong-7410-300.jpg

Vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng không chắc chắn, không cân đối, không có sự hợp tác và không bền vững, ông Ôn Gia Bảo đã từng tuyên bố như vậy tại một cuộc họp báo hồi tháng 3.2007 trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Nhận xét đó cũng có nhiều ảnh hưởng tương tự như cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan từng lo ngại về tình trạng thị trường chứng khoán Mỹ năm 1996 là “điên rồ thái quá”. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XI của Trung Quốc, đang diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân, Thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa lên tiếng về vấn đề này. “Chúng ta vẫn đang đối mặt với một tình hình rất phức tạp”, ông Ôn Gia Bảo muốn nói về tình trạng tăng trưởng quá nóng tại Trung Quốc và suy thoái toàn cầu trên diện rộng. Ông cũng chỉ ra “giá tăng bất thường” trong lĩnh vực nhà ở tại một số thành phố Trung Quốc và nói rằng do nguy hiểm của sự đầu tư quá mức, “việc khởi công các dự án mới sẽ phải được kiểm soát nghiêm ngặt”.

Sự vươn lên của Trung Quốc là một trong những điều thần kỳ của lịch sử kinh tế hiện đại. Nhưng các nhà lãnh đạo của đất nước này biết rằng họ không thể chống lại các quy luật kinh tế. Như nhà kinh tế Herbert Stein chỉ ra hàng thập kỷ trước rằng “nếu có thứ gì đó không bền vững, có nghĩa nó sẽ không thể duy trì”. Điều đó đúng với tình trạng tăng trưởng mất cân đối và dựa vào xuất khẩu hiện nay của Trung Quốc.

Theo Robert Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), “tình trạng phụ thuộc tăng trưởng vào xuất khẩu của Trung Quốc là không bền vững trong dài hạn”. Ông cũng trích một nghiên cứu gần đây của IMF rằng, nếu Trung Quốc muốn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%/năm với trạng thái thương mại như hiện nay, nước này sẽ phải tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu trên thế giới vào năm 2020. Điều đó sẽ không thể xảy ra.

Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là nền kinh tế Trung Quốc có thay đổi không, mà là sẽ thay đổi như thế nào. Quan điểm tích cực là các lãnh đạo Trung Quốc sẽ giảm tốc độ đầu tư và tăng trưởng tín dụng, cùng lúc đó chuyển hướng nền kinh tế sang tiêu dùng và không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nữa. Quy mô của nền kinh tế châu Á này quá rộng lớn đến mức đã từng có dự báo cho rằng đến năm 2025, Trung Quốc sẽ xây dựng được 10 thành phố cỡ như New York. Những dự báo như vậy, lạc quan nhưng không đáng tin cậy. Hãy nhớ lại những dự báo về nền kinh tế Liên Xô những năm 1960 hay Nhật Bản những năm 1990.

Hãy xem quan điểm bi quan của nhà kinh tế David Smick, người đã dự báo khủng hoảng tài chính Mỹ trong cuốn “Thế giới cong”. Ông đã chỉ ra một số số liệu đáng lo ngại: trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất khẩu Trung Quốc chiếm 43% GDP. Để bù vào phần cầu ngoại trong cuộc suy thoái 2009, Trung Quốc đã tung ra gói kích cầu trị giá 1,8 nghìn tỷ USD – khoảng 38% GDP. Khoản tiền này lẽ ra phải đến được với người tiêu dùng, nhưng Smick cho rằng 85% khoản nợ trợ cấp sẽ vào các công ty nhà nước và ngân hàng – khiến cho bong bóng đầu tư lại càng lớn hơn nữa.

Những người lạc quan lại phản công lại: không cần lo lắng. Một đất nước với hơn 2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối không cần phải lo về nợ. Nhưng khoản dự trữ đó (chủ yếu là USD) không thực sự an toàn như nhiều người tưởng vì Trung Quốc không thể sử dụng chúng mà hoàn toàn không làm hại gì đến chính nền kinh tế nước này, như nhà kinh tế Micheal Pettis đã chỉ ra. Vấn đề lớn hơn của Trung Quốc nằm ở những khoản nợ khó đòi. Smick cho rằng 1,2 nghìn tỷ USD trong gói kích cầu của Trung Quốc năm ngoái trở thành những khoản cho vay trợ cấp. Trong khi đó Victor Shih, giáo sư tại đại học Northwestern, đang thu thập thông tin về những khoản xóa nợ xấu của các công ty đầu tư địa phương mà ông cho là chiếm đến 1,7 nghìn tỷ USD, 34% GDP Trung Quốc.

Điều chắc chắn nhất về tương lai của Trung Quốc là các lãnh đạo của nước này đã nhìn ra vấn đề và đang cố gắng đạp phanh, kể cả một cách nhẹ nhàng. Với những ai chưa hình dung ra vấn đề tăng trưởng nóng mà nước này đang phải đối mặt, hãy biết rằng Trung Quốc ngày nay có đủ khả năng sản xuất thép đáp ứng nhu cầu của cả Mỹ, Nga, Nhật Bản và châu âu cộng lại.

Với một đất nước dựa vào xuất khẩu, chuyển hóa sang nền kinh tế bền vững là không hề dễ dàng. Những người cho rằng một nền kinh tế Trung Quốc mở rộng không ngừng sẽ nhanh chóng thay thế Mỹ là siêu cường kinh tế, hãy nghĩ lại.

Theo RCW

Nguyễn Long