Van Gogh và “hội họa có lời”

Hạnh Thúy 04/03/2010 00:00

Một cuộc triển lãm lớn mang chủ đề Van Gogh thật - Danh họa và những lá thư đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Anh, Royal Academy (23-1 đến 28-4-2010) một lần nữa cho thấy 10 năm cầm cọ của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh còn có những “bức họa có lời”.

Van Gogh nổi tiếng với những kiệt tác Hoa hướng dương, Hoa diên vĩ, Đêm đầy sao hay Bà Marie Ginoux… Nhiều bức tranh của Van Gogh nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới như Chân dung bác sĩ Gachet bán được tới 65,5 triệu euro, Bà Marie Ginoux 40 triệu USD... Các nhà nghiên cứu đánh giá ông chính là người đặt nền móng cho trường phái Biểu hiện, là bậc thầy biểu lộ cảm xúc bằng màu sắc. Ông cũng được giới mỹ thuật tôn vinh là “thủy tổ” của các trào lưu hội họa hiện đại.

Tại Bảo tàng Nghệ thuật Royal Academy ở London lần này, hơn 35 lá thư gốc và gần 100 họa phẩm đẹp nhất của Van Gogh được trưng bày trong triển lãm Van Gogh thật - Danh họa và những lá thư (The Real Van Gogh: The Artist and His Letters). Người xem cảm nhận một Van Gogh thật với niềm khao khát cuộc sống được gửi vào tranh và những lá thư. Trong đời mình, Van Gogh đã viết khoảng 800 lá thư, phần nhiều trong số đó gắn liền với các bức tranh. Ví dụ 22 lá thư gửi cho người bạn ít hơn ông 15 tuổi là họa sĩ - nhà thơ Émile Bernard đều gắn liền với 22 bức tranh ở các thể loại bột nước và sơn dầu của ông. Nhà phê bình tranh nổi tiếng người Anh Tom Lubbock cho rằng những bức tranh, những lá thư tự nói lên tất cả.

Bức sơn dầu Đêm đầy sao không phải là bức họa đầu tiên vẽ bầu trời đêm của Van Gogh, nhưng các nhà bình luận đã đề cao nó như một trong những tác phẩm quan trọng và đặc biệt nhất của ông. Sự kết hợp của phong cách và những ngụ ý tôn giáo đã khơi nguồn cho những cuộc tranh luận bất tận về phê bình nghệ thuật. Trong khi nhiều người đang cố công khám phá xem bầu trời đêm của Van Gogh giống thật ở góc độ nào, thì với Van Gogh chỉ đơn giản là ông đang cho phép bản thân có được cái tự do bay bổng của một nghệ sỹ.

Van Gogh không phải là “thiên tài bẩm sinh”. Ông là con trai một mục sư, sinh ra tại Groot-Zundest (Hà Lan) năm 1853, nhưng chủ yếu sinh sống ở Pháp. Từng lăn lộn với đủ nghề, từ bán tranh đến giảng đạo, 27 tuổi, Van Gogh mới đi theo hội họa. Cuộc đời sáng tác của ông chỉ kéo dài 10 năm (1880-1890), nhưng để lại 800 bức tranh và 1.200 bức ký họa.

Nhận ra lối học thuần lý thuyết đã hủy diệt sự tươi mới của các ấn tượng nhãn quan và màu sắc cũng nói lên một điều gì đó. Từ đây, họa pháp của Van Gogh thay đổi hẳn. Đặc biệt, trong quãng thời gian sống trong căn nhà màu vàng tại Arles, Provence và tại ngôi làng Auvers-Sur-Oise (Tây Bắc Paris), màu sắc và bút pháp của Van Gogh tập trung thể hiện cảm xúc nội tâm sâu kín. Tuy ngắn ngủi, nhưng đây lại là thời kỳ sáng tạo phong phú nhất của Van Gogh. Trước phong cảnh thiên nhiên rực rỡ, dưới ánh nắng chói chang và trong bầu không khí khô ráo, cảnh trời quang đãng, Van Gogh đã không kiềm chế được cảm xúc trước các đề tài mới lạ và hấp dẫn. Những đề tài ông thường chọn để vẽ như cánh đồng ngô và lúa mì, thung lũng có dòng sông, những mái nhà tranh của nông dân hay phong cảnh đồi núi, hoa trái và chân dung của bạn bè, người thân.

Dù vẽ gì, ông cũng cố công ghi lại những ảnh hưởng của thiên nhiên cũng như tâm trạng của mình trước ngoại cảnh. Qua cây cọ của Van Gogh, từ nhà cửa, cây cối như cũng xao động không yên. Mặt đất, bầu trời… cũng xao xuyến, bồn chồn, khắc khoải. Mỗi nhát cọ trên tranh Van Gogh đều như những phết màu sùng sục xô lên, táp xuống, như một cơn lốc tình cảm. Van Gogh trút tất cả nỗi niềm, ruột gan của mình lên mặt tranh, ào ào cuồn cuộn như sợ nói không kịp. Van Gogh từng bộc bạch với em trai Theo: “Anh muốn mỗi bức tranh của anh sẽ tóm lấy người xem, muốn chúng thật sự chứa đựng một cái gì từ tim anh trút ra”. Từ đây, các bức họa Cây ôliu, Cây trắc bá, Chân dung bác sỹ Gachet, Nông dân vùng Provence, Em bé và trái cam... lần lượt ra đời và trở thành những tác phẩm kinh điển.

Tiếc thay, thời gian cuối đời Van Gogh liên tục phải chịu các cơn suy nhược thần kinh. Cùng với bức tranh cuối cùng Cánh đồng lúa mì, trong bức thư đề ngày 10-7-1890 gửi em trai, Van Gogh viết: “Một cánh đồng lúa mì mênh mông dưới bầu trời xám xịt và anh không cần đi khỏi con đường của mình để cảm nhận nỗi buồn, sự cô đơn cùng cực. Một bức tranh sẽ nói với em tất cả về những điều không thể diễn tả bằng lời...” Van Gogh đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 37 bằng những phát súng bắn vào ngực, chỉ hai ngày sau khi đến cánh đồng này tháng 7-1890.

Trước những suy nghĩ được viết ra thành lời và cảm xúc được miêu tả bằng tranh, nhà phê bình tranh Tom Lubbock nhận xét Vincent Van Gogh đã thể hiện rõ con người thực của mình. Và đó là lời nói, là món quà không gì thay thế được mà ông để lại cho nhân loại.

Hạnh Thúy