Ghi nhận chính xác họ tên bị cáo
Việc xác định, ghi nhận tên gọi của bị cáo nhằm xác định đúng người phạm tội và bảo đảm sự chính xác trong việc buộc người phạm tội đã bị kết án phải thi hành hình phạt và các phần khác của bản án. Với tầm quan trọng như vậy, nên trong tất cả các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định và ghi nhận chính xác họ tên của bị can, bị cáo.
Trong thực tế, có nhiều cá nhân ngoài tên gọi chính thức theo khai sinh còn có các tên gọi khác, thể hiện ở các dạng như: tên thường gọi, bí danh, bút danh, biệt hiệu, tên do họ tự mạo nhận... Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, ngay từ giai đoạn điều tra các bị can thường khai thêm các tên gọi khác ngoài họ tên khai sinh của họ, từ đó trong các văn bản tố tụng như kết luận điều tra, bản cáo trạng đều ghi nhận các tên gọi khác của bị can (phần lớn các tên gọi khác này ghi nhận theo lời khai của bị can chứ không có giấy tờ, tài liệu chứng minh). Thực tế hiện nay có không ít toà án ghi nhận trong bản án cả những cái tên bị gán ghép, mạo nhận của các bị cáo mang tính chất “xã hội đen”. Việc toà án xác định, ghi nhận tên gọi khác ngoài tên khai sinh của bị cáo như vậy không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong bản án phải ghi họ tên của bị cáo (không bắt buộc ghi tên gọi khác). Điều 26 Bộ luật Dân sự cũng quy định họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Như vậy, ngoài tên khai sinh thì các tên khác chỉ dùng để xưng hô, giao tiếp trong các quan hệ gia đình, xã hội mà người đó tham gia chứ không thể sử dụng trong các quan hệ pháp luật. Do đó, trong bản án chỉ cần ghi họ tên khai sinh của bị cáo là đủ, vì không ai có thể vin vào một loại giấy tờ tài liệu nào khác để phủ nhận lại giá trị pháp lý của giấy khai sinh. Chỉ trong trường hợp bị cáo không có giấy khai sinh (có thể không được khai sinh hoặc bị mất và chính quyền địa phương không còn lưu giử được sổ đăng ký khai sinh hoặc không có tên trong sổ đăng ký khai sinh) mà các giấy tờ tuỳ thân (như giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, các loại bằng cấp, lý lịch cán bộ,...) có các tên gọi khác nhau, thì cần ghi nhận các tên gọi đó. Như vậy, đối với tên thường gọi, bí danh, biệt danh... do gán ghép hoặc do bị cáo tự mạo nhận mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; không có tài liệu, giấy tờ để xác định thì hoàn toàn không hợp pháp, nên không có lý do gì để toà án thừa nhận đưa vào bản án. Mặt khác, nếu toà án ghi nhận tên gọi khác theo lời khai của bị cáo mà không có giấy tờ tài liệu gì chứng minh, khi bản án có hiệu lực thi hành người bị kết án cho rằng mình không phải là người có tên gọi như vậy để trốn tránh việc thi hành án thì toà sẽ phải chịu thua.
Như vậy, có thể thấy hướng dẫn sử dụng mẫu bản án hình sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5.11.2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao về việc ghi họ tên bị cáo là không phù hợp. Điều này cần trao đổi để việc ghi họ tên bị can, bị cáo trong các văn bản tố tụng bảo đảm sự chặt chẽ, chính xác, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong mỹ tục.