Quốc hội sau Hiến pháp 1992 - Chuyên nghiệp và đổi mới

Ts Lê Thanh Vân
Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học - Viện Nghiên cứu lập pháp
03/03/2010 00:00

Điều 90, Hiến pháp 1992 quy định: “UBTVQH là cơ quan thường trực của QH”. UBTVQH do QH bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước QH. Số thành viên của UBTVQH do QH quyết định và các thành viên này không thể đồng thời là thành viên Chính phủ. Chủ tịch QH và các Phó chủ tịch QH đồng thời là Chủ tịch và Phó chủ tịch UBTVQH. Một số thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH làm việc theo chế độ chuyên trách.

Trong Hiến pháp 1992 có một số thay đổi so với Hiến pháp 1980. Thể chế Hội đồng Nhà nước theo Hiến pháp 1980 vừa là cơ quan hoạt động thường xuyên của QH, vừa là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không còn nữa, mà khôi phục lại chế định UBTVQH và chế định Chủ tịch nước như trong Hiến pháp 1959. Hiến pháp 1992 quy định rõ ràng hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, đề cao vai trò của ĐBQH, nhằm nâng cao năng lực hoạt động và tính chuyên nghiệp của ĐBQH nói riêng và QH nói chung.

Đối với các cơ quan khác của QH, trong Hiến pháp cơ bản vẫn giữ nguyên quy định về việc thành lập Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH và về cơ bản, không có gì thay đổi lớn so với Hiến pháp 1980. Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH có điểm mới là quy định số ĐBQH chuyên trách là thành viên của các cơ quan  này. Những thay đổi đó chứng minh một thực tiễn đặt ra cho QH theo Hiến pháp 1992 là vấn đề cá biệt hóa chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong những lĩnh vực cụ thể và yêu cầu tăng cường cơ cấu tổ chức của QH, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách, nhằm bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều kiện QH hoạt động không thường xuyên.

Nhằm đổi mới một bước về bộ máy nhà nước nói chung và cơ cấu tổ chức của QH nói riêng, tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa X đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo tinh thần đó, cơ cấu tổ chức của QH về cơ bản không có gì thay đổi, nhưng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của mỗi cơ quan theo lĩnh vực mà mình phụ trách.

Về cơ cấu tổ chức UBTVQH, Hiến pháp 1992 đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực của QH với chế định nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước). Các thành viên của UBTVQH làm việc theo chế độ chuyên trách. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm của các Ủy ban của QH là các thành viên của UBTVQH. Cơ cấu tổ chức này đã tạo ra cơ chế làm việc mới giữa các cơ quan của QH, có sự kết hợp chặt chẽ giữa UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Sự kết hợp này đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động của QH tại các kỳ họp, hoạt động của UBTVQH, các cơ quan của QH; bảo đảm để UBTVQH thực hiện việc điều hòa hoạt động các cơ quan của QH có hiệu quả hơn.

Theo quy định của Hiến pháp 1992, UBTVQH các Khóa IX, X, XI và XII đã có sự thay đổi về số lượng và điều kiện làm việc. Số thành viên của UBTVQH đã được nâng lên hoặc có dao động. Số thành viên của UBTVQH Khóa XII tăng lên 18 người. Nếu như ở những khóa trước đây, các Ủy viên UBTVQH (hoặc Hội đồng Nhà nước) hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, thì Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH và các Ủy viên UBTVQH, theo Hiến pháp 1992 đều hoạt động chuyên trách. Đây là điều kiện thuận lợi để UBTVQH thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH được bố trí hợp lý và là những ĐBQH có trình độ, am hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm công tác. Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng là những ĐBQH có uy tín, có kinh nghiệm hoạt động QH. Năng lực hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH ngày càng được nâng lên. Nhiều báo cáo thẩm tra, thuyết trình và kết luận, kiến nghị của các cơ quan QH – có chất lượng cao, phản ánh trúng thực tế cuộc sống, có tính thuyết phục cao...

Đoàn ĐBQH là một hình thức tổ chức các hoạt động của ĐBQH tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, được hình thành từ QH Khóa I. Tuy nhiên, cho đến QH Khóa VIII, IX trở đi, vai trò của Đoàn ĐBQH mới ngày càng hoàn thiện. Qua thực tiễn hoạt động đã chứng tỏ, tổ chức của Đoàn ĐBQH là cần thiết, bảo đảm các hoạt động của ĐBQH tại địa phương, tương đối phù hợp với yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiều vấn đề về tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH chưa được quy định rõ, nhưng từ kinh nghiệm hoạt động của các khóa trước và yêu cầu của thực tiễn, các Đoàn ĐBQH đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

 Theo quy định của Hiến pháp 1992, cho đến nay, đã có bốn khóa QH, từ khóa IX đến khóa XII - được tổ chức và hoạt động theo tinh thần đổi mới. Cơ cấu QH cho thấy, QH thực sự đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm tính đại diện tiêu biểu của các tầng lớp nhân dân, của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể, đại biểu của các lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành, lĩnh vực, các địa phương Cơ cấu, thành phần ĐBQH theo Hiến pháp 1992 tương đối đạt yêu cầu theo dự kiến. ĐBQH là phụ nữ đạt tỷ lệ cao hơn. Số đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi và người ngoài Đảng cũng đạt tỷ lệ tương đối so với dự kiến. Hầu hết ĐBQH trẻ tuổi có trình độ đại học, trên đại học. Cơ cấu ĐBQH đã có những thay đổi khá toàn diện so với trước đây.

Trong cơ cấu ĐBQH đã có nhiều chuyên gia pháp luật, chuyên gia kinh tế và các lĩnh vực quan trọng khác phù hợp với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH. Tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách được tăng cường hơn - đây là một trong những nội dung đổi mới quan trọng, đúng hướng trong cơ cấu tổ chức của QH trong những khoá gần đây. Ở Khóa IX, số ĐBQH chuyên trách là 33, Khóa X là 29 người - chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới về tổ chức và hoạt động của QH. Và đến Khóa X, QH đã sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó có quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách cần có ít nhất là 25% tổng số ĐBQH. Điều đáng chú ý là hầu hết Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của QH Khóa XI, XII đều hoạt động chuyên trách. Số Ủy viên thường trực của các cơ quan QH - từng bước đã được tăng cường.

Cơ cấu tổ chức của QH từ Hiến pháp 1992 đến nay đã có những đổi mới quan trọng, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đó, trong cơ cấu tổ chức của QH vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là, tuy đã có những cố gắng tăng cường chất lượng ĐBQH, nhưng thực tiễn chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử ĐBQH những khóa gần đây cho thấy, công tác chuẩn bị nhân sự, giới thiệu người ứng cử vẫn nặng về cơ cấu, chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cơ cấu và tiêu chuẩn ĐBQH.

Qua thực tiễn hoạt động của QH các khóa gần đây, cũng có ý kiến cho rằng số lượng thành viên UBTVQH vẫn còn ít, cần được tăng cường để chỉ đạo các hoạt động của QH tốt hơn, nhất là trong công tác lập pháp. Cũng có ý kiến băn khoăn về việc đa số Ủy viên UBTVQH kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH. Loại ý kiến này cho rằng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm Ủy ban - do phải dành phần lớn thời gian cho hoạt động của Hội đồng Dân tộc và Ủy  ban, nên chưa đủ thời gian và điều kiện cho công tác chung của UBTVQH, trong khi bộ phận thường trực của các cơ quan QH còn quá ít người. Số ĐBQH chuyên trách làm việc trong các cơ quan của QH vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu công tác trong từng lĩnh vực cụ thể.

Theo quy định tại Điều 48, Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992, thì các Đoàn ĐBQH có đại biểu hoạt động chuyên trách, nhưng trên thực tế, việc bố trí đại biểu chuyên trách gặp nhiều khó khăn. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn và ĐBQH. Luật Tổ chức Quốc hội mới được QH Khóa X sửa đổi, bổ sung - đã quy định cụ thể tỷ lệ ĐBQH chuyên trách của QH ít nhất là 25%, nhưng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về số lượng ĐBQH chuyên trách ở các Đoàn ĐBQH.

Bộ máy giúp việc của QH chưa được chuyên môn hóa cao. Về mặt tổ chức, quan hệ công tác của các bộ phận phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH với VPQH chưa được làm rõ, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả phục vụ QH và các cơ quan của QH.

Ts Lê Thanh Vân<BR><I>Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học - Viện Nghiên cứu lập pháp<I>