Đằng sau sự sụp đổ của chính phủ Hà Lan

Hồng Ngọc 23/02/2010 00:00

Sự kiện Chính phủ Hà Lan sụp đổ khiến dư luận trong và ngoài nước này đặt nhiều dấu hỏi. Nguyên nhân khiến Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende và các bộ trưởng, Thứ trưởng thuộc Công Đảng (PvdA) tức giận nộp đơn từ chức lên Nữ hoàng được công bố là do Chính phủ liên minh không đạt được sự đồng thuận về việc có kéo dài hay không sứ mệnh quân sự của Hà Lan tại Afghanistan. Nhưng giới phân tích nhận định nguyên do không giản đơn chỉ có vậy.

08-Dang-sau-5410-300.jpg

Trước khi tan rã, nội các Hà Lan đã tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài hơn 16 giờ ở La Hay nhằm tìm cách giải quyết bất đồng giữa PvdA và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trong liên minh cầm quyền về vấn đề gia hạn sứ mệnh ở Afghanistan. Trước đó, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu của ông Balkenende, đối tác lớn hơn trong liên minh, đã đề xuất duy trì một lực lượng nhỏ hơn ở Afghanistan thêm một năm sau khi thời hạn chót kết thúc vào tháng 8.2010, theo như đề nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Song, ý tưởng trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Phó Thủ tướng Wouter Bos thuộc PvdA, vốn muốn sứ mệnh tại Afghanistan kết thúc theo như cam kết, tức là binh sỹ cuối cùng của Hà Lan phải rời khỏi tỉnh Uruzgan vào trước cuối năm nay. Rốt cục, hai chính đảng lớn nhất trong Chính phủ liên minh đã giúp khoảng 2.000 binh sỹ Hà Lan đang đồn trú tại tỉnh Urugan có thể được về nhà trong năm nay. Họ cũng “giúp” một liên minh chỉ còn hai ngày nữa là tới lễ kỷ niệm sự hợp tác lần thứ ba này sụp đổ.

Sự “ra đi” lần này cũng là lần thứ tư cho một nội các do ông Balkenende lãnh đạo trong tám năm qua. Điều đó khiến dư luận hoài nghi liệu có phải đây cũng là sự bất lực của chính quyền trước những khó khăn trong vấn đề đối nội. Có nhiều vấn đề nghiêm trọng tại Hà Lan vào thời điểm hiện tại. Nào là tội phạm gia tăng, nhập cư trái phép tràn lan cho tới mức thuế quá cao. Bản thân nhiều nghị sỹ Hà Lan cũng thừa nhận đây là lúc để người dân có thể lựa chọn sự thay đổi trong chính sách của đất nước mình.

Sự kiện trên đang mở ra nhiều khả năng lựa chọn cho hướng đi của chính phủ Hà Lan. Có thể là một nội các thiểu số, cũng có thể là một chính phủ “lâm thời” cho tới khi các cuộc bầu cử được tiến hành. Chính phủ này sẽ không thể nắm vai trò lớn trong quyết định chính trị như gia hạn sứ mệnh ở Afghanistan.

Các cuộc bầu cử nghị viện có thể được tổ chức sớm nhất là vào giữa năm nay, nhưng có thể phải mất nhiều tháng sau đó để các đảng thương lượng trong việc thành lập một chính phủ. Một chính phủ mới có thể rất khó để được thành lập. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cần từ 4-5 đảng mới có thể bảo đảm được liên minh đa số trong nghị viện 150 ghế. Andre Krouwel, chuyên gia khoa học chính trị tại trường Đại học Vrije ở Amsterdam nhận định: “Chúng tôi đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng tài chính. Các cuộc bầu cử vào thời điểm này sẽ dẫn tới nguy cơ bất ổn và mất lòng tin của giới đầu tư”.

Nhưng nếu bầu cử diễn ra, người ta dự đoán nghị sỹ cánh hữu Geert Wilders thuộc Đảng Tự do, người kêu gọi kết thúc sứ mệnh tại Afghanistan, có thể là người chiến thắng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng này có thể trở thành chính đảng lớn nhất hoặc lớn nhì trong nghị viện. Chính phủ mới ngay lập tức sẽ phải đối mặt với bản dự thảo ngân sách cho năm 2011 dự kiến được công bố trong tháng 9 tới, theo đó có thể phải cắt giảm ngân sách hơn nữa để giảm mức thâm hụt có thể lên tới 6,1% trong năm nay và 4,7% trong năm sau. Một số biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách có thể được thực thi, nhưng mọi chuyện sẽ bị trì hoãn cho tới sau cuộc tổng tuyển cử vào mùa Xuân 2011.

Thực tế hiện nay cho thấy cuộc chiến tại Afghanistan đang ảnh hưởng tới hình ảnh của Hà Lan trong con mắt NATO và Mỹ, khi sự trợ giúp hơn nữa tại chiến trường này không được thực hiện, trong khi chính phủ cũng phải giải tán vì vấn đề xa xôi này. Đây là điều mà cả Hà Lan hay NATO và Mỹ đều không muốn. Nhưng rốt cục, giá đắt vẫn là chính phủ và người dân Hà Lan phải gánh chịu.

Hồng Ngọc