Con đường sống chứ không chỉ là con đường để tin
Ta đi qua ngôn ngữ rụng hai lần… - ĐBQH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, TSKH, HOÀ THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN bắt đầu bằng một tứ thơ rất người và rất lạ. Ông trải nghiệm và cảm nhận con đường đổi mới của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, con đường xã hội chủ nghĩa lý tưởng của đất nước - bằng tư duy bừng sáng, bằng thôi thúc và bằng niềm hạnh phúc đến lạ kỳ của một chính khách. Con đường ấy, trong cái nhìn của Ông là con đường sống chứ không chỉ là con đường để tin.
Con đường sống…
- Thưa Hòa thượng, Nhà Phật có một câu nói như châm ngôn: Đạo Phật là con đường sống chứ không phải con đường để tin?
Con đường sống - way of life. Khi nói con đường sống - way of life thì Đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, không phải chỉ là một hệ thống triết lý.
Con đường sống là để sống. Sống cho mình, cho người trong hiện tại. Quá khứ qua rồi, tương lai chưa đến, con người sống là sống trong hiện tại. Triết lý đó của Đạo Phật rất người, rất thực tiễn, rất nhân văn chứ không phải là hứa hẹn. Sự hứa hẹn nằm trong sự sống đó, nằm trong chính con người đó. Nói khác đi là mục tiêu ở trong hiện tại, mục tiêu ở ngay hiện tại, trong cá thể và bây giờ đây. Phật giáo gọi là thiết thực hiện tại. Phật hoàng Trần Nhân Tông thiết lập nhân gian tịnh độ là thiết lập nhân gian tịnh độ ngay tại chính cuộc đời này. Triết lý đó, công thức đó, phương thức đó, ai cũng thực hiện được.
Đạo Phật là con đường sống chứ không phải chỉ là con đường để tin. Với tôn giáo, nếu vì đức tin mà con người phải gửi mình, phó thác mình cho một đấng siêu nhiên, thì con người sẽ đánh mất mình, đánh mất năng lực tự cứu của sự sống. Niềm tin ở Đạo Phật có nghĩa là hiểu, là tin ở giới, tin ở pháp, tin ở mình. Tin ở lý tưởng của mình dẫn đến vùng sáng. Tin là lý trí, là tuệ, là biết con đường sẽ đến đích. Tin để định rõ trước khi dấn thân. Tin là đặc tính của lý tưởng.
- “Con đường sống chứ không phải con đường để tin”- lý tưởng này của đạo Phật có mối tương quan nào với lý tưởng của QH không, thưa Hòa thượng?

Cả hai đều vì con người và hạnh phúc của con người. Phật giáo Việt Nam và QH gặp nhau ở đó. Nếu không vì khổ đau của cuộc đời này thì Đức Phật không có lý do để ra đời. QH ra đời là vì các vấn đề của quốc gia, QH phải giải quyết và phải có giải pháp. Giải pháp của QH muốn sáng thì phải có bộ não, có triết lý, có con đường và phải sâu sát… Niềm tin đến từ thực tế và niềm tin nằm trong thực tế chứ không phải là hứa hẹn, hứa hão. QH có những kế hoạch 5 năm để đi tới kế hoạch 10 năm, 20 năm. Đó là mục tiêu trong tầm thực hiện, chứ không phải hão huyền. Cõi thực này lạ lắm. Triết lý Đạo Phật cũng đến từ cõi thực đó. QH cũng thế - con đường vừa quen thân, vừa lạ lẫm, sáng tạo.
- Thiết lập nhân gian tịnh độ ngay chính cuộc đời này, thưa Hòa thượng, “nhân gian tịnh độ” trong QH hiểu như thế nào?
Cảnh giới Di Đà trong Đạo Phật là giới thiệu một nơi sống hạnh phúc, chỉ có hạnh phúc, không có khổ đau. Nhân gian tịnh độ trong QH là niềm vui và hạnh phúc của QH. Làm sao để khi đến QH người ta thấy thoải mái. Ở đó không có giận nhau, không chống nhau. Mà thức tỉnh nhau, kính trọng nhau, hiểu biết và tha thứ. Chấp nhận nhau và khoan dung, thông cảm với nhau. Ngay cả khi cọ xát cũng vui vẻ. Vì tất cả đều biết rằng, mọi người đến đây đều vì đất nước, vì nhân dân, không ai có mục tiêu khác cả. Vô QH không phải vì danh vọng. ĐBQH cũng phải học tập mới tiến bộ. Công việc QH ngày càng tăng lên, phải học mới thích ứng. ĐBQH muốn phát biểu, muốn đóng góp ý kiến - phải đọc và phải học để phát biểu có ý nghĩa chứ không phải phát biểu để phát biểu. ĐBQH phát biểu vì trách nhiệm, vì danh dự, thì luôn có thái độ và nội dung tốt. Còn cảm hứng phát biểu của ĐBQH - như ĐBQH Phương Thảo nói là ở cấp độ cao, cấp độ của những người lãnh đạo. Đó là cảm xúc, là lòng yêu nước, là tình người; có lúc cảm xúc còn là đi ra khỏi sự sai lầm của mình, vượt ra khỏi cái đúng cái sai, đó là sự thức tỉnh. Cảm xúc ấy là linh hồn của nhà cách mạng và là một giá trị khác của tâm hồn cách mạng.
- Và mỗi ĐBQH cần có tâm hồn của một nhà cách mạng?
Có tâm hồn của một nhà cách mạng mới làm cách mạng được. Có tâm hồn thì mới thương dân, mới văn hóa, mới cao thượng. Nếu chỉ có nguyên tắc thôi, đôi khi làm khổ nhau. Đây là lý do để con người cần cảm thông. Mà quả thực, cuộc sống cần cảm thông. QH vừa giữ nguyên tắc nhưng cũng phải có cảm thông. Trong hoạt động QH, cảm thông là ngoại lệ, nhưng có lúc lại giải quyết công việc rất trôi chảy. Nguyên tắc và cảm thông, có lý và có tình - phải quân bình. Nếu người làm cách mạng không có tâm hồn thì nghèo lắm, cuộc sống nghèo nàn lắm. Đây là cảm xúc thực sự của tôi, chứ không phải nói theo logic nữa.
- Thưa Hòa thượng, nội lực trong đạo Phật hiểu thế nào cho đúng?
Nội lực trong đạo Phật là từ bi, trí tuệ, tình cảm; nhưng đại diện cho nội lực là trí tuệ. Nội lực là sức mình, ý chí, tình cảm và lý trí của mình; dùng tư duy của mình, thực tế của mình, trí tuệ của mình để nhìn thấy cuộc sống. Nội lực là sức mạnh. Nội lực QH bung ra, thể hiện qua 3 chức năng của QH. Nội lực QH là trí tuệ. QH phải vận dụng trí tuệ để đạt được hiệu suất cao nhất cho lập pháp, hiệu suất cao nhất cho quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và cao nhất cho giám sát. Đổi mới của QH cũng xung quanh 3 vai trò đó, đạt được những thành quả của 3 chức năng đó. Vẫn là những chức năng, những nhiệm vụ và công việc đó nhưng QH có cái nhìn mới, phương thức mới, hành động mới, tinh thần làm việc mới, thái độ mới – là đổi mới, đổi mới bằng nội lực. Đây là sự sống và cũng là lẽ sống.

- QH trí tuệ cũng là một QH đẹp và lịch lãm, thưa Hòa thượng?
Nếu không có cái đẹp tâm hồn thì không thiết lập được cái đẹp hoàn hảo. Cái đẹp tâm hồn của QH là trí tuệ, cần trí tuệ để cảm nhận, chứ không thể cảm nhận được bằng cảm xúc và tình cảm thông thường. Cái đẹp QH không thúc, không giội ngay nhưng ngấm. QH lịch lãm vì ĐBQH lịch lãm, hầu hết là những người kinh nghiệm từng trải. Từng trải nên không cãi cọ mà tranh luận mạnh mẽ, tranh luận có tổ chức để có QH có sinh khí, đa sắc màu. Chỉ có người phàm phu mới cãi nhau. Chủ tọa QH ôn hòa và phát biểu rung động lắm. Trí tuệ rung động chứ không phải là cảm xúc rung động. Trí tuệ xúc cảm hơi khác với con tim xúc cảm. Ví dụ, đầu nhiệm kỳ XII, Chủ tịch QH nói: trung tâm của đổi mới là ĐBQH- rất sắc bén, tư duy thẳng, sáng và không pha tạp ở đây, đúng với thực tại nguyên lý. Trong nghị trường, có những tư duy, những câu nói mang tính nguyên lý, tư tưởng khó lắm.
- Trong cả một tập thể trí tuệ và lịch lãm mà Hòa thượng vừa nói tới, thì vai trò cá nhân nhạc trưởng bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng?
Trong QH phải có gương mặt lớn, khi hiện diện là ổn định. Như Đạo Lão nói vô vi nhi vô bất vi. Nhà Phật gọi là nhiếp lực – uy lực vô hình bình ổn tập thể; hay đạo đức vô hành. Có khi chủ tọa ngồi yên không nói, thế mà yên. Chung quanh bị thu hút và chịu ảnh hưởng âm thầm của người lãnh đạo mà không hay biết. Ví dụ có tình huống xấu, như có nghị viện ở một số nước đã xảy ra như cãi lộn nhau trong QH, ném dép nhau trong QH cũng không phải lo chi, nhạc trưởng sẽ giải quyết ổn. Có khi Ông sẽ biến chiếc dép đó thành cái hay, có thể học được từ chiếc dép và biến chiếc dép thành động lực để đi tới. Có trí tuệ là vậy. Nét đẹp của QH hiện tại là tư thế, phong thái ôn hòa, nhưng nhiệt tình chứ không phải thiếu nhiệt tình. Ôn hòa và luôn luôn bám sát mục tiêu để đổi mới, để đi tới. Đi tới rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến bất ngờ khiến có người ngỡ rằng QH thiếu sinh động. Sự điềm đạm là đức tính lớn. Lý Thánh Tông, rút ra từ kinh nghiệm Nhà Phật, đã nói: “Vạn biến như lôi nhất tâm thiền định”. Tỉnh táo, thư thả, đoàn kết, bền bỉ vì phát triển, để phát triển.
Ánh sáng ở trong tâm
- Thưa Hòa thượng, sự kiện Đại hội Đảng các cấp sẽ diễn ra trong năm nay và Đại hội Đảng toàn quốc sẽ được tổ chức vào đầu năm 2011- cái nhìn của một tu sỹ đối với sự kiện này của Đảng như thế nào?
Tôi có theo dõi tin tức qua báo chí đưa tin về Chủ tịch QH đi làm việc ở các địa phương với tư cách Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XI. Đi để thấy Cương lĩnh trong thực tế, để thấy cần thiết thì phải sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh. Có lẽ bổ sung nhỏ thôi, nhưng quan trọng và thiết thực. Bởi, nếu ngồi trên thấy Cương lĩnh đúng là mới chỉ thấy nguyên lý, thiếu thực tế thì sẽ dễ sa vào duy ý chí. Đại hội Đảng là sự kiện của quốc gia. Giai đoạn này, không cần đao to búa lớn, đất nước cần tiếng nói của thái bình, cần tiếng nói điềm tĩnh và an dân.
- Giai đoạn của tiếng nói thái bình? Thưa Hòa thượng, có nghĩa là con đường ta chọn và ta đi đã thênh thang…
Điều 2 của Hiến pháp Việt Nam- xã hội chủ nghĩa là bất biến. Không thể chọn hướng nào, con đường nào lớn hơn được. Là bởi xã hội chủ nghĩa khai minh. Khai minh – là mở sáng, là đổi mới. Trên đường đi, phải liên tục đổi mới cho thích ứng với các chuyển biến mới, cho ngày càng mới và đúng hơn. Đổi mới để thích ứng với hiện tình, làm đẹp hiện tình và làm sáng hiện tình. Sự vật và cuộc đời không đứng yên thì tư duy và phương pháp phải thay đổi.
- Chúng ta đã chọn và đã đi trên con đường lớn - hướng đi và con đường là bất biến, vấn đề còn lại là đi bằng tư duy và phương pháp mới- có phải thế không, thưa Hòa thượng?
Xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng - Đảng đã lãnh đạo tốt, thành thật và chắc chắn. Đảng lãnh đạo nhưng không độc tài, không cố chấp. Hàng ngũ lãnh đạo của Đảng phải thống nhất- sự thống nhất phải gần như tuyệt đối. Đây là đòi hỏi. Với quần chúng, với nhân dân, với các tổ chức ở dưới thì tự do, nhưng đội ngũ lãnh đạo của Đảng ở trên phải thống nhất tuyệt đối thì đất nước vững bền. Đi chậm mà vững - là cách đi tới của đất nước. Ưu tiên số một là vững chắc chứ không phải ưu tiên số một là phát triển nhanh. Vững chắc để phát triển mạnh. Xã hội chủ nghĩa là đúng đắn. Cộng sản chủ nghĩa là lý tưởng để thôi thúc mình đi tới. Lý tưởng là sức hút, là động lực thăng hoa.
- Lý tưởng - có thể hiểu là hiện hữu của niềm tin, thưa Hòa thượng?
Là niềm tin của chính mình trong hiện tại, an trú ở hiện tại. Với Nhà Phật, giải thoát là niềm tin lớn của hành giả. Thế giới Đạo Phật có điểm tương đồng với xã hội chủ nghĩa, với Cộng sản là sống vì mọi người, vì hạnh phúc của số đông. Mình và mọi người cùng tồn tại. Căn bản của tồn tại là sự hòa điệu giữa mình và mọi người. Xã hội chủ nghĩa của ta rất sáng tỏ, cá nhân và tập thể cùng tồn tại, không đề cao xã hội mà bỏ cá nhân. Nếu xã hội chủ nghĩa chỉ có tập thể thôi – thì ai còn hứng khởi nữa? Đừng quá khích nghiêng về cá nhân hay nghiêng về tập thể. Hễ quá khích là lệch, là không đúng. Trung đạo (middle way) mới là lý tưởng.
Với xã hội chủ nghĩa phải có niềm tin, đừng dao động. Vấn đề mới mẻ là không phải tìm ra hướng đi mới, mà làm cho hướng đi cũ ngày càng mạnh và càng tỏa sáng. Bởi vì đã thấy rõ là con đường cũ, hướng đi cũ là đúng rồi. Chế độ đã chọn cần được vun xới và cần nắm chắc lý luận về chế độ đã chọn, về con đường đã chọn.

- Vẫn là con đường, thấy con đường sáng rõ và không dao động – đã là tư tưởng mới. Thưa Hòa thượng, điều này khá gợi mở và thức tỉnh…
Phải thấy tự hào về tên nước Việt Nam. Khi tôi trải nghiệm và cảm nhận hai chữ hạnh phúc trong “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” thì thấy thức tỉnh, bừng sáng lên, thôi thúc, lạ kỳ. Ánh sáng trong tâm phát ra. Tâm bừng sáng mới thấy rõ cái vĩ đại của người sáng tạo ra tên nước. Hạnh phúc mới là linh hồn, là tiếng nói chí thiết của con người. Không có hạnh phúc thì thiếu mất đối tượng phục vụ, thiếu mất văn hóa nhân văn, mà hầu như không có gì để bàn thảo. Tất cả sự phát triển là vì hạnh phúc của con người, của dân tộc.
Tôi nghiền ngẫm nhiều về tam nông, tam nông của thực tế chứ không phải của lý luận. Có thể Đảng có chiến lược, Đảng chủ trương và đưa ra QH quyết. QH có thể quyết về tam nông như một chương trình trọng điểm quốc gia. Phải đầu tư nhiều hơn cho lực lượng đẩy thuyền, phải làm cho nông dân thật vững. Đây là lực lượng hậu thuẫn và là một sức mạnh. Nông dân, quần chúng như vỏ tàu. Con thuyền đất nước muốn vững, thì vỏ tàu phải vững. Đi nhanh, vượt biển, vượt đại dương, không có vỏ tàu vững thì khó vượt nổi. Phải sửa soạn cả bộ máy và cả vỏ tàu.
- Về tam nông, theo Hòa thượng, nên bắt đầu như thế nào?
Rất rõ, bắt đầu từ cái đang là. Không thể ngồi đó mà tưởng tượng ra một điểm khởi đầu được. Điểm khởi đầu là cái có mặt trong cuộc đời này, là thực tế của nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Giai đoạn vừa qua, các cơ quan chức năng đã xem xét, tham khảo, nghiên cứu về tam nông. Đây không phải là chuyện cao xa, ít nhiều chúng ta có chính sách, có chủ trương rồi chứ không phải bây giờ mới đi vận động để có chủ trương. Cũng cần xác định rõ, tại sao có tình trạng, có một số nơi không thương dân (ngôn ngữ thông thường vẫn nói là hành dân), không nên vô tình không biết. Phải để cho nông dân thấy họ chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì liền có sung sướng, hạnh phúc. Đây là điểm bắt đầu của những bước đi đúng, lý tưởng.
- Lý tưởng đó, nói theo tinh thần của Đảng là người nghèo có cơ hội, nông dân nghèo có cơ hội thoát đói nghèo…
Xóa đói giảm nghèo - cơ hội phụ thuộc vào Đảng. Đây cũng là vốn liếng của Đảng. Dân còn nghèo, từ xóa đói giảm nghèo, vai trò của Đảng hiện ra trong lịch sử. Nên coi đây là điểm son trong lịch sử. Thắng đói nghèo phải như thắng lớn trong một cuộc chiến. Chỗ nào tai biến là Đảng có mặt. Đảng xuất hiện và chỉ thị cho các Đảng bộ phải vào cuộc. Như thiên tai lũ lụt, quân đội thời bình xuất hiện – dân thương quân đội, mến quân đội liền. Cái đẹp rất tự nhiên, từ cảm nhận tự nhiên của con người. Những chỗ nổi bật Đảng cũng phải có mặt. Cách này rất nhân bản. Tôi tưởng tượng ra là tôi đã thấy hạnh phúc rồi, dân hạnh phúc rồi. Điều này đẹp biết bao nhiêu, hạnh phúc biết bao nhiêu.
Ta đi qua ngôn ngữ rụng hai lần… Tôi muốn nhắc lại một tứ thơ của cố thi sỹ Bùi Giáng. Nhắc lại với dụng ý vận dụng ý tưởng mới. “Em đi qua…”, tôi muốn sử dụng chệch đi một chút: Ta đi qua…
- Ta đi qua ngôn ngữ rụng hai lần. Tứ thơ nghe lạ, hay mà khó nói thành lời. Xin trân trọng cám ơn Hòa thượng!