Luật kỳ quặc và lý lẽ của các nhà lập pháp

Hoàng Khôi 11/02/2010 00:00

Rất nhiều nước trên thế giới có những đạo luật kỳ quặc khiến người ta phải sửng sốt. Thậm chí, có nhiều đạo luật kỳ quặc tới mức một vài tổ chức tại Mỹ hoạt động chỉ để đấu tranh đòi bãi bỏ những luật lệ được họ gọi là đần độn. Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, các nhà lập pháp đều có lý do để cho ra đời những đạo luật bị cho là khó hiểu này.

Luật kỳ quặc và lý lẽ của các nhà lập pháp ảnh 1

Thái Lan: Cấm giẫm lên tiền

Tại Thái Lan có luật cấm giẫm lên tiền, bởi vì trên khắp các đơn vị tiền của quốc gia này đều in ấn hình ảnh của đức vua. Nếu giẫm lên tiền thì đó là sự không tôn trọng đức vua và vì thế có thể bị xử tù.

Thụy Sỹ: Không được vào toilet sau 10h tối

Cư dân Thụy Sỹ đặc biệt tôn trọng sự yên tĩnh của những người xung quanh. Tại đất nước Trung Âu này, các nhà làm luật cấm đổ nước vào toilet gây ồn ào sau 22 giờ tối vì có thể làm phiền đến hàng xóm. Để giúp người dân không vi phạm luật này, các kỹ thuật viên ngành vệ sinh công cộng đã thiết kế bồn cầu cách âm và đặt đường ống dẫn riêng để nước khỏi chảy ào ào xuống các tầng dưới.

Israel: Ngoáy mũi vào ngày Sabbath là bất hợp pháp

Những bản tin về lệnh cấm này được lưu hành rộng rãi trong các tờ báo thế tục ở Israel. Chính Giáo trưởng Do Thái đã ra chỉ thị trên với lý do nó có thể khiến lông mũi bị rụng và gây chảy máu, mà điều này lại vi phạm các luật lệ tôn giáo liên quan đến tính thiêng liêng của ngày Sabbath (là ngày nghỉ hàng tuần của người Do Thái, bắt đầu trước khi mặt trời lặn thứ 6 và kết thúc khi mặt trời lặn ngày thứ 7). Thực tế, các chỉ thị của Giáo trưởng Do Thái hay bất cứ một luật lệ tôn giáo nào khác không có tính bắt buộc về mặt pháp lý trong Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên những tín đồ đạo Do Thái ở bất cứ nơi đâu đều tuân thủ.

Saint Louis, Mỹ: Tính mạng còn thua tiết hạnh

Nhiều thành phố ở Mỹ rất coi trọng việc phòng cháy. Chẳng hạn, tại Chicago, cấm... ăn uống trong căn nhà đang cháy. Tại Saint Louis lính cứu hỏa không được phép cứu phụ nữ khỏa thân cũng như phụ nữ mặc áo choàng trong nhà hoặc mặc sơ mi ngủ đêm.

Bang Arkansas, Mỹ: Luật không thể không vi phạm

Bang Arkansas của Mỹ dẫn đầu về việc cho ra đời những đạo luật khó mà không vi phạm. Tại đây, cấm “bất kỳ ai và với bất kỳ lý do gì đến gần cửa sổ hoặc cửa ra vào phòng bỏ phiếu quá 15m” vào ngày bầu cử và trong thời gian kiểm phiếu. Vì vậy, toàn bộ thành viên ban bầu cử đều có thể bị coi là phạm pháp.

Bang Texas, Mỹ: Tội phạm phải cảnh báo trước cho nạn nhân

Thời George Bush còn làm Thống đốc, bang này đã thông qua một đạo luật quy định kẻ tội phạm phải cảnh báo trước cho nạn nhân về hành động tội ác của y trước khi y hành sự 24 tiếng đồng hồ. Ngoài ra trong lời cảnh báo đó phải mô tả hành động tội ác sắp diễn ra. Việc vi phạm đạo luật này sẽ bị tòa án coi là một tình tiết tăng nặng.

Pháp: Không được “phạm húy” Napoleon

Tại Pháp từ trước đến nay có luật cấm đặt tên Napoleon cho lợn. Vì có luật này nên Pháp đã cấm xuất bản và lưu hành cuốn sách Trại chăn nuôi của nhà văn Anh George Orwell vì trong đó có nhân vật heo rừng có biệt danh “Napoleon”.

Paris, Pháp: Phụ nữ không được mặc quần dài

Năm 1800, cảnh sát Paris ra sắc lệnh cấm phụ nữ không được mặc quần dài. Mặc dù đã hoàn toàn rơi vào quên lãng, luật này vẫn tồn tại và biến kinh đô thời trang của thế giới thành một trong những nơi khắt khe nhất về chuyện ăn mặc. Đến nay, điều luật trên cứ nghiễm nhiên nằm trong các văn bản trong khi phái đẹp ở Paris cứ thoải mái mà “diện” quần dài. Cũng cần nói thêm, toàn bộ nữ cảnh sát thủ đô đều phạm luật vì có một quy định khác buộc họ phải mặc quần khi tác nghiệp. Sự tồn tại của những đạo luật lâu đời này có vẻ như đã bị quá trình pháp điển hóa bỏ rơi?

Hoàng Khôi