Chiếc mũ ở khắp nơi

Đoàn Nhân Chính 11/02/2010 00:00

Con người ở mọi ngõ ngách khác nhau trên thế giới đã bảo vệ và trang điểm cho cái đầu của mình rất đa dạng, từ chiếc mũ nhẹ nhõm đặt hờ trên chỏm đến cả một công trình đồ sộ cao hàng mét trên đầu… Chiếc mũ không chỉ che nắng che mưa, mà còn là chứng chỉ vị thế xã hội của chủ nhân nó…

Về năm sinh cụ thể của chiếc mũ thì không thể nào xác định được rõ, chỉ biết từ cuối kỷ nguyên Băng Hà, cư dân phương Bắc đã phải tìm cách chống lại gió bão và băng tuyết bằng lông thú và da thuộc. Rồi những người dân du mục miền thảo nguyên nghĩ ra kiểu mũ trùm kín tai. Cư dân phương Nam lại phải tính nước khác để chống cái nắng gay gắt, họ bèn làm mũ rộng vành, mà người đầu tiên phát kiến ra kiểu mũ này – theo thần thoại Hy Lạp – là Thần Mercurius, con trai của Thần Zeus. Chiếc mũ thần thoại đó chính là thủy tổ của bao kiểu mũ rộng vành thông dụng ở châu Mỹ, châu Âu. Còn dân Trung Á lại chọn kiểu dáng khác, nhỏ thôi, chỉ cần che cái chỏm đầu.

Song, trước đó rất lâu, vai trò của mũ đã được đảm nhiệm bởi bộ tóc. Nhiều tộc người quan niệm rằng bộ tóc biểu hiện sinh lực (ở nam giới) và sức sinh sản (ở nữ giới) cho nên không bao giờ cắt tóc. Để tóc dài thì vướng víu, người ta bèn nghĩ ra cách tết tóc, vấn tóc, ép tóc và điểm trên đó những vật trang sức. Hiện nay, nuôi tóc cầu kỳ nhất là hai tộc người Nuer và Lang ở Sudan, bộ tóc của họ cao đến nửa mét, nặng vài kg.

Khi xuất hiện nghề dệt vải, người ta bắt đầu dùng dải băng buộc ngang trán, hoặc khăn chít để giữ tóc. Dân Arab đã ứng dụng cả hai cách, vừa khăn chít, vừa dải băng để thích ứng với cuộc sống nắng gió vùng sa mạc. Càng tiến về phía Đông, khăn đội đầu càng được biến hóa, việc quấn khăn là cả một nền nếp cầu kỳ…

Ở Ai Cập, người ta cũng chỉ đội những chiếc mũ kết bằng tóc, nhưng phải là tóc của người khác. Theo phong tục, người Ai Cập, bất kể nam hay nữ, đều phải gọt trọc đầu, ngoại trừ những người nô lệ. Mỗi người phải sắm cho mình một bộ tóc giả để sử dụng vào ban ngày, khi lên giường thì cất một chỗ. Trên thực tế, chỉ có hai người không phải đội tóc giả: một là nhà thông thái, hai là Hoàng đế Ai Cập. Hoàng đế không đội vương miện, mà quấn lên đầu chiếc khăn đặc biệt, sọc ngang, hai màu xanh và trắng – đó là biểu tượng quyền lực tối thượng. Còn vương miện thì các vị Hoàng đế và Hoàng hậu Ai Cập rất ít đội, đơn giản vì nó… nặng lắm (Nữ hoàng Victoria đăng quang năm 1838 phải đội chiếc vương miện bằng vàng nặng những 7 kg). Bạn thử tưởng tượng, mỗi triều vua kế ngôi đều muốn thị uy bằng cách cẩn những viên kim cương, vàng bạc, đá quý… vào chiếc vương miện mình vừa tiếp quản. Còn trong xã hội Ai Cập, mỗi thứ trang sức trên mũ đều nhằm biểu thị vị thế của người đội, chẳng hạn người thuộc dòng dõi quyền thế thì được cài lông chim, đính đá quý. Về sau, các vị Hoàng đế Trung Hoa cũng làm theo, cho phép cận thần của mình được cài lên mũ lông chim công, ngọc, san hô để từ xa người ta đã thấy.

Người da đỏ bản xứ Bắc Mỹ thì tự hào về số lông vũ chim ưng cài trên đầu mình, biểu thị số đầu dê rừng đã săn được. Riêng tù trưởng thì được đội trên đầu cả một vành mặt trời kết bằng lông chim ưng vì người da đỏ quan niệm rằng chiếc mũ ấy có phép thần giúp thủ lĩnh tránh được mọi tên bay đạn lạc… Ở New Guinea, mũ của người sang trọng đều gài lông chim thiên đường.

 Dân bản xứ ở Florida thường khâu mũ từ da cá sấu, trong khi đó các tù trưởng ở châu Phi đội trên đầu chiếc mũ bằng da hươu cao cổ.

Chiến binh của nhiều bộ tộc thường mang mặt nạ làm bằng da lột của phần đầu, hoặc hộp sọ của con thú mình săn được (sói, gấu hoặc sư tử). Họ quan niệm đeo như thế không những sẽ được tổ tiên phù hộ, mà còn uy hiếp được kẻ thù. Về sau, người ta biết đúc đồng theo những hình thù kỳ dị để bảo vệ cho đầu khỏi bị va đập – từ đó xuất hiện mũ sắt trang bị cho những người lính thời nay. Cũng biểu thị lòng cam đảm và tính khôn khéo, một số bộ tộc trang điểm mũ bằng sừng bò tót. Quả thật, khi lâm trận, chiến binh sẽ vướng víu bởi trên đầu là chiếc sọ bò tót với bộ sừng kềnh càng. Nhưng họ cũng được an ủi đôi phần khi biết các tu sĩ Tây Tạng còn phải mang trên đầu chiếc mũ sừng trâu cao gần một mét. Nói về màu sắc: mũ màu vàng chỉ dành riêng cho Đà Lai Lạt Ma. Nhân đây nói về tôn giáo: những người theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Mecca bao giờ cũng đội trên đầu chiếc mũ màu xanh lá cây, còn người theo đạo Sikh ở Ấn Độ thường đội khăn xếp màu xanh nước biển. Dân tộc thiểu số Naga ở Ấn Độ hao hao giống dân da đỏ châu Mỹ, mũ đội đầu bằng lông vũ và sừng thú, có chiếc nặng tới 8 kg.

Song, xét về trọng lượng mũ ở nhiều dân tộc, thì các cô dâu là người nặng nhọc nhất. Ở Namibia, cô dâu dân tộc Hereros nhất thiết phải đội một chiếc mũ dài chấm đến gót chân, mà loại mũ này được làm bằng da thuộc dày cộp, với rất nhiều vỏ trai, vỏ sò và những khúc ngà voi, nặng tổng cộng chừng 10 kg. Cô dâu Mông Cổ và dân tộc Kazakh cũng chịu sức nặng không kém: ngày cưới phải đội trên đầu chiếc mũ da thuộc đính đầy những bạc, ngọc… có giá đắt hơn cả trăm con ngựa. Chiếc mũ đó cao đến 0,7 mét mà chỉ được sử dụng có mỗi một lần khi vu quy, sau đó phải giữ suốt đời, không được phép truyền lại cho người khác, để hạnh phúc của mình khỏi bay đi mất. Còn ở Trung Quốc, phụ nữ phương bắc ít khi dùng mũ đội đầu, nhưng khi trở thành cô dâu cũng phải có một chiếc “mũ phượng” khâu bằng nhung lụa thêu kim tuyến hình rồng phượng. Ở phương nam, chiếc mũ thịnh hành hơn, cô dâu người Choang trang trí mũ đội đầu bằng những bông hoa giấy sặc sỡ, đính những đồng tiền kim loại và cả những… quả chuông. Mũ “phu thê” không chỉ đội một lần – người vợ luôn luôn phải đội để đức lang quân biết mình đang ở đâu mà tìm tới.

Đoàn Nhân Chính