Dự án Khu di Tích LSVH Kim Liên-Nghệ An: “Tắc” ở khâu giải phóng mặt bằng

Bích Huệ 23/01/2010 00:00

Theo lộ trình, đến cuối năm nay, 10/10 dự án thành phần thuộc Dự án Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên (Nghệ An) gắn với phát triển du lịch (gọi tắt là Dự án Kim Liên) sẽ hoàn thành. Thế nhưng đến nay Dự án vẫn còn 30% khối lượng công việc chưa hoàn thành và nguyên nhân là do “tắc” ở khâu giải phóng mặt bằng.

Theo tiến độ đề ra, đến hết ngày 30.4.2008, huyện Nam Đàn phải di dời xong 8 hộ thuộc Dự án bảo tồn tôn tạo khu di tích làng Sen, 16 hộ thuộc Dự án bảo tồn tôn tạo khu di tích làng Hoàng Trù để thực hiện khôi phục không gian văn hóa làng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thế nhưng gần hai năm trôi qua, đến nay 24 hộ dân nói trên vẫn “án binh bất động”, không chịu di dời và kiên quyết không nhận tiền đền bù.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Thế Phi, một trong 16 hộ ở làng Hoàng Trù thuộc diện phải di dời nhưng chưa đồng ý ký vào giấy chứng kiến hiện trạng. Nhà ông Hoàng Thế Phi nằm sát cạnh ngay lối ra vào cổng quê ngoại Bác Hồ. Hơn chục năm nay, nhờ vào vị trí “đắc địa” ấy, gia đình ông Phi mở quầy bán sản phẩm du lịch và đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Nhà nước về Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch, đây là việc làm thiết thực và có tính cấp bách. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với cách làm của huyện Nam Đàn và Ban Quản lý dự án”. Lý do mà ông Phi cùng 16 hộ dân khác đưa ra là họ chưa hề được Ban quản lý dự án cho biết về bản quy hoạch và dự án cụ thể; UBND xã Kim Liên và huyện Nam Đàn chỉ thông báo di dời và cho người xuống đo hiện trạng, đồng thời huyện lại quy hoạch khu tái định cư mới ở những vùng không tốt cho sức khỏe người dân. Thứ hai, từ ngày di tích được khôi phục, người dân nơi đây đã chuyển đổi từ làm ruộng sang kinh doanh dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhưng dự án không hề có phương án bố trí kinh doanh cho người dân ở nơi di dời. Thứ ba, đơn giá đền bù thấp (1,2 triệu đồng/m2) so với giá thực địa. Tương tự, 8 hộ dân ở dự án thành phần Làng Sen cũng kiên quyết không chịu di dờâi

Không tính nổi có bao nhiêu cuộc họp đối thoại giữa nhân dân xã Kim Liên với Ban quản lý dự án và huyện Nam Đàn diễn ra trong thời gian qua. Cuộc họp nào cũng đề cập đến vấn đề đền bù và di dời nhưng rồi tình hình vẫn không tiến triển được là mấy. Ông Lê Khánh Hòa - Phó chủ tịch huyện Nam Đàn, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện phân trần: Quan điểm của huyện cũng như Ban quản lý dự án, rất muốn thúc đẩy tiến độ công trình, nhưng vẫn còn một số hộ dân cố tình gây khó dễ. Qua khảo sát, chúng tôi mới đưa ra được các đơn giá đất được xem là phù hợp với từng địa thế như các hộ dân ở làng Hoàng Trù có mức đền bù 1,1 - 1,2 triệu/m2, làng Sen 500.000 đồng – 1 triệu đồng/m2, đến thời điểm này huyện vẫn giữ nguyên đơn giá đất đó không thay đổi. Nhưng rất khó đáp ứng nguyện vọng của người dân vì tất cả những nơi tái định cư do người dân yêu cầu đều phá vỡ không gian theo quy hoạch của dự án.

Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã thực hiện các bước: kiểm tra trích đo, trích lục từng vị trí phải giải tỏa, xây dựng phương án tổng thể và phương án bồi thường trình phê duyệt để chi trả và di chuyển giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cách làm nóng vội và thiếu sự tuyên truyền vận động của huyện đã không được sự ủng hộ từ phía người dân, gây nên tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Thời điểm kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn xa, huyện Nam Đàn và hai xã Kim Liên, Nam Giang đã thành lập đoàn công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong khu vực phải giải tỏa. Chính những đảng viên, cán bộ cơ quan nhà nước sẽ là người thuyết phục các gia đình khác thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đối với những trường hợp không chấp hành, rất cần thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Ban quản lý dự án và Khu di tích Kim Liên đang rà soát các kiốt đã xây dựng theo quy hoạch để ưu tiên cho các hộ nằm trong diện phải di dời vào kinh doanh, với phương châm “nhà nào có đăng ký kinh doanh dịch vụ, có nghiệp vụ du lịch và di chuyển trước thì ưu tiên bố trí trước”. Với cách làm này, đến nay đã có gần 10 hộ kinh doanh làm đơn xin hưởng sự ưu tiên.

Bích Huệ