Sữa ngoại nhập lại đồng loạt tăng giá: Cơ quan quản lý vẫn... lúng túng

Đức Thành 07/01/2010 00:00

Trong khi Bộ Tài chính vẫn đang loay hoay tìm kiếm các giải pháp để quản lý giá sữa ngoại nhập; dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 104 năm 2008 để quản lý chung giá các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá sữa vẫn đang trong quá trình xin ý kiến của các bộ, ngành thì các hãng sữa đã “nhanh tay” hơn khi quyết định tăng giá ngay trong những ngày đầu năm nay.

Hầu hết các nhãn sữa trên thị trường đã đồng loạt tăng giá khoảng 10% với lý do cũ và quá quen thuộc với người tiêu dùng như: tỷ giá đồng USD tăng; phải điều chỉnh lương nhân viên... Hãng sữa Mead Johnson tại Việt Nam tăng giá các sản phẩm sữa Enfa A+ thêm 7-9%. Sữa Abbott cũng áp dụng bảng giá mới với mức tăng 7,4%. Việc các nhà phân phối điều chỉnh giá sữa khiến các siêu thị, cửa hàng bán lẽ cũng phải tăng giá theo. Hiện nay, giá sữa ở nhiều siêu thị, đại lý đã tăng từ 5- 15%... Sữa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên khi giá sữa tăng, người tiêu dùng vẫn phải cố gắng thắt lưng buộc bụng để mua sữa vì gần như không có sự lựa chọn nào khác. Điều đáng nói là chỉ cách đây chừng nửa tháng, tức là  cuối năm 2009, Thanh tra Bộ Tài chính đã  công bố kết quả thanh tra giá sữa tại Công ty TNHH Nestlé và Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính thì chi phí quảng cáo, tiếp thị chiếm tỉ lệ khá cao trong chi phí kinh doanh, giá bán các mặt hàng sữa. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến cho giá sữa ngoại nhập trên thị trường nước ta tăng cao một cách bất hợp lý như thời gian qua. Kết quả thanh tra cho thấy: công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam có 100% vốn nước ngoài, nhập khẩu 31 mặt hàng sản phẩm từ sữa, không trực tiếp bán lẻ, không chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Giá bán các loại sữa đến nhà phân phối thường được xác định như sau: lấy giá vốn cộng thêm 40%-50% lãi gộp cùng với tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán cho từng mặt hàng. Còn Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có mặt hàng sữa nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN và Hà Lan. Kết quả thanh tra cho thấy sữa Lactogen3 loại 900g nhập khẩu 66.950 đồng/hộp, cộng thuế (3.347 đồng), nhưng giá bán lẻ lên tới 131.800 đồng/hộp; Nestlé Gấu loại 900g giá nhập khẩu là 72.361 đồng/hộp, cộng thuế 5%, giá bán là 220.000 đồng/hộp. Kết quả thanh tra cũng chỉ ra rằng: giá bán lẻ các mặt hàng sữa liên tục tăng, mặc dù giá sữa nhập khẩu, chính sách thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng sữa nhập khẩu được giữ ổn định là do chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo luôn ở mức cao. Minh chứng cho điều này, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính Vũ Văn Trường khẳng định: thuế nhập khẩu các loại sữa không phải là nguyên nhân chính tác động đến giá bán sữa vì tỷ trọng thuế trong giá bán sữa chỉ khoảng từ 1-3%. Ví dụ, một hộp sữa bán 100.000 thì tiền thuế nhập khẩu chỉ khoảng 1.000 đồng và tối đa là 3.000 đồng. Thuế nhập khẩu sữa chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong giá bán lẻ sữa, chỉ khoảng từ 1 - 2%. Điều đó khẳng định thuế nhập khẩu không phải là yếu tố chính tác động tới giá sữa khiến sữa ngoại nhập tăng giá liên tục thời gian qua.

Theo quy định của Bộ Tài chính, chi phí quảng cáo, tiếp thị được khống chế ở mức 10%. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp nhập khẩu sữa chi mạnh tay hơn rất nhiều bởi họ chưa bao giờ phải kê khai các yếu tố cấu thành giá sữa và đăng ký giá bán sữa. Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thoả cho biết: Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, phân tích các yếu tố cấu thành giá sữa và phát hiện chi phí của các doanh nghiệp hạch toán không đúng với quy định của nhà nước mà rõ nét nhất là các chi phí về bán hàng, chi phí về quảng cáo, chi phí về hoa hồng đều ở mức rất cao so với quy định. Qua kiểm tra, khi phát hiện các yếu tố bất hợp lý đẩy giá sữa tăng cao không đúng với quy định, các Đoàn kiểm tra đều đã yêu cầu ngành thuế chịu trách nhiệm thu nộp về cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải bán sữa theo đúng mức giá sau khi đã loại trừ những chi phí bất hợp lý đó để bảo đảm đưa giá sữa về đúng giá trị thực của sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng phải thực hiện việc đăng ký giá với các cơ quan quản lý nhà nước về giá để các cơ quan này quản lý chặt chẽ hơn, tránh trường hợp tăng giá bất hợp lý.

Theo Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 104 mà Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến của các bộ, ngành thì các công ty nhập khẩu và phân phối, kinh doanh sữa sẽ phải trình phương án giá, kê khai các yếu tố cấu thành giá và đăng ký giá bán với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Khi giá sữa trong nước biến động bất thường, tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, xảy ra hiện tượng độc quyền về giá, đầu cơ, găm hàng, thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi và hy vọng các giải pháp này sẽ sớm được thực thi để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Đức Thành