FDI năm 2009: lượng giảm, chất tăng
Dù khá khiêm tốn so với năm 2008 nhưng với 21,5 tỷ USD thu hút được trong một năm đầy khó khăn như 2009, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phần nào đạt kỳ vọng. Dù lượng FDI đăng ký giảm sút lần đầu tiên sau 5 năm tăng cao liên tục nhưng tỷ trọng vốn giải ngân so với vốn đăng ký đang có xu hướng tăng dần đều theo các năm cho thấy FDI đang thực sự đi vào chất thay vì chỉ là kỷ lục đăng ký chót vót.
Triển vọng mở rộng đầu tư
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 15.12, số vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt gần 21,5 tỷ USD, bằng 30% so với năm 2008. Đáng kể là sự giảm mạnh của vốn đăng ký cấp mới, theo đó, trong năm 2009 Việt Nam thu hút được 839 dự án đăng ký mới với tổng vốn đạt 16,3 tỷ USD, chỉ bằng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn tăng thêm vẫn duy trì phong độ, bằng 98,3% năm ngoái, tương ứng với 5,1 tỷ USD.
Việc mở rộng đầu tư các dự án FDI vẫn được duy trì tốt trong một năm đầy khủng hoảng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Thêm một tín hiệu tốt khi lượng vốn FDI giải ngân đạt khá, khoảng 10 tỷ USD, bằng 87% năm 2008.
Thu hút vốn FDI suy giảm không chỉ do khó khăn suy giảm của kinh tế thế giới, mà còn bắt nguồn từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Cụ thể những chồng chéo về luật pháp dẫn tới lúng túng trong việc triển khai thực hiện, khiến nhà đầu tư phải chờ đợi dài hơn quy định để có được Giấy chứng nhận đầu tư. Việc siết lại các ưu đãi theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), như chính sách thuế ưu đãi doanh nghiệp – một trong những ưu đãi chủ yếu với các nhà đầu tư nước ngoài – áp dụng từ đầu năm 2009 đã thu hẹp đáng kể diện doanh nghiệp được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thiếu vắng vốn cấp mới lỗi một phần do công tác xúc tiến đầu tư trong năm qua vẫn chưa hiệu quả. Có tình trạng là quá nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư trên cùng một địa bàn gây lãng phí mà không hiệu quả. Rất nhiều tỉnh nghèo vẫn rồng rắn ra các thành phố lớn để kêu gọi xúc tiến đầu tư nhưng hiệu quả đến đâu thì vẫn còn phải chờ. Nguồn ngân sách cho hoạt động xúc tiến hiện vẫn phải lấy từ ngân sách địa phương. Dù Chính phủ từ năm 2008 đã dành một khoản ngân sách hàng năm cho công tác này thông qua Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, nhưng các địa phương vẫn đang phải ngồi chờ do Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản hướng dẫn.
2010 và diện mạo FDI mới
Bộ KH và ĐT đặt ra mục tiêu thu hút FDI cả vốn tăng thêm và vốn mới năm 2010 phải đạt từ 22-25 tỷ USD, tăng 10% so với thực hiện của năm 2009 (trong đó, vốn đăng ký mới dự kiến khoảng 19 tỷ USD và vốn tăng thêm dự kiến khoảng 3 tỷ USD). Giải ngân vốn FDI dự kiến sẽ tăng hơn năm 2009 do dòng vốn đăng ký của các năm trước đều ở mức cao cộng thêm nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi. Dự kiến vốn giải ngân sẽ đạt ở mức 10-11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009, trong đó vốn của phía nước ngoài dự kiến là 8-9 tỷ USD, tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2009.
Song theo các chuyên gia, để giải ngân FDI tiếp tục tăng cao sẽ phải giải được bài toán đất sạch và vốn đối ứng vốn đang khá nan giải. Quy định địa phương phải giao “đất sạch” cho nhà đầu tư nước ngoài đã dẫn tới áp lực lớn về chi ngân sách khi thúc đẩy giải ngân FDI. Điều này khiến nhiều dự án lớn chưa thể triển khai nhưng cũng không thể thúc đẩy nhà đầu tư vì nguyên nhân phía Việt Nam không chuẩn bị được mặt bằng giao cho nhà đầu tư.
Tại nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp FDI và cơ quan quản lý hồi trong năm, các doanh nghiệp phàn nàn lương tối thiểu tăng lên hàng năm khiến yếu tố cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ của Việt Nam đang giảm sút. Thêm vào đó, những ưu đãi về thuế sẽ không còn nhiều, ảnh hưởng tới lợi thế môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư mới. Song như khẳng định của Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Xuân Trung: “từng thời kỳ chính sách ưu đãi đầu tư phải thay đổi cho phù hợp với thực tế”.
Trước đây doanh nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm luôn được ưu tiên, nhưng tất yếu nhiều nhân công thì hàm lượng công nghệ không cao, giá trị gia tăng của sản phẩm không thể bằng các ngành nghề sử dụng công nghệ cao. Không riêng gì Việt Nam, chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư là con đường các nước đang phát triển khác đã đi qua. Và với Việt Nam, năm 2010 sẽ tiếp tục đánh dấu chuyển hướng về chất trong chính sách thu hút FDI, tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ cao, có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh…
Sau 3 năm thực hiện Luật Đầu tư mới, FDI đã mang lại nhiều sắc thái cho Việt Nam. Năm 2009 dù khó khăn nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là môi trường đầu tư tốt với lượng FDI cấp mới khả quan. Điều này chứng minh việc thay chính sách trải thảm đỏ hút đầu tư bằng mọi giá bằng xu thế thu hút đầu tư chọn lọc, có hiệu quả vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao là tất yếu và cần thiết. Dù phải “đánh đổi” bằng việc lượng đăng ký giảm sút, nhưng đây cũng là cách lọc và giữ lại những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng và chất lượng.