Xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga: Sản phẩm Việt phải lôi cuốn khách hàng Nga

Xuân Lan 16/12/2009 00:00

Thời gian qua, nhiều mặt hàng có thế mạnh của nước ta đã xuất khẩu sang Nga. Còn Nga là một trong những nước có đầu tư đáng kể vào nước ta với trị giá hàng trăm triệu USD.

03-san-pham-35009-300.jpg

Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga đạt hơn 1,6 tỷ USD. Điều đáng mừng là trao đổi thương mại trung bình tăng 15%/năm. Và như vậy, tiềm năng trao đổi kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước còn lớn. Việt Nam có 11 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 33 triệu USD, chủ yếu là hoạt động thương mại, chế biến thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng. Nước ta đã xuất sang Nga chủ yếu là hàng tiêu dùng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, tạp hóa, các loại nông lâm sản, hải sản... Ngược lại, Nga đầu tư sang Việt Nam 58 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 370 triệu USD với nhiều lĩnh vực như công nghiệp dầu khí, xây dựng và thủy sản...

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga, năm 2009, Hội đồng doanh nghiệp Việt-Nga đã xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử Việt- Nga ở địa chỉ www.vietrussia.com. Đây là kênh thông tin quan trọng truyền tải các nội dung chính về pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách thương mại của hai thị trường Việt Nam và Liên bang Nga; giao thương, quảng bá hình ảnh và sản phẩm cho doanh nghiệp hai nước. Điều đáng quan tâm là, Cổng thông tin thương mại điện tử Việt – Nga miễn phí cho các doanh nghiệp thành viên muốn tham gia đăng tải thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga về mặt kinh phí và thời gian giao dịch. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường của hai nước là rất lớn, các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh và mở rộng hệ thống bán hàng ở thị trường hai nước. Các nhà hoạch định chính sách thương mại của cả hai nước đã đưa ra dự báo kế hoạch năm 2010 phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt- Nga đạt tới con số 2 tỷ USD. Tham tán thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Melnikov Sergey Fedorovich cho rằng, quan hệ thương mại hai nước phát triển rất tốt. Vấn đề là cần thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa như: Nga sẽ tăng xuất khẩu thiết bị máy móc sang Việt Nam, còn Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng nông nghiệp đã qua chế biến. Nga đang tiến hành những bước thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là Nga sẽ tăng cường kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng hóa này, sẽ đề ra những tiêu chuẩn, kiểm dịch các loại hàng thủy sản sang Nga mà các doanh nghiệp nước khác phải tuân thủ. Điều quan trọng hơn cả là cần quan tâm tổ chức tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại, tránh tình trạng rời rạc, manh mún và cục bộ.

Thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin về thị trường và cơ sở pháp lý kinh doanh của Nga nên gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, tạo ra uy tín tốt cho mình, đồng thời tạo khuynh hướng phát triển sản phẩm với tính chuyên môn cao ở thị trường Nga. Phải phát triển sản phẩm để lôi cuốn khách hàng Nga vì người Nga rất cần sản phẩm chất lượng cao và độc đáo theo từng vùng. Phó chủ tịch Công ty Kiểm toán tư vấn về phát triển kinh doanh của Nga, ông Andrei Maximov khuyến cáo: Doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng và phát triển hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân Nga. Vừa qua, hàng của Việt Nam mới xuất hiện ở quanh  thủ đô Moscow, và chưa đến được vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Nga. Các doanh nghiệp Việt Nam cần hoạch định ra chiến lược nghiên cứu cụ thể về chất lượng, giá cả, chiến lược bán hàng đáp ứng về lâu dài cho các thị trường vùng ở Nga.

 Một trong những khó khăn đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga là thủ tục thanh toán. Các doanh nghiệp Nga chuyên kinh doanh nhập khẩu hàng hóa của nước ta thường không mở L/C mà chọn phương thức thanh toán trực tiếp, tức là bên mua đặt cọc 20-30% và sẽ trả 70-80% còn lại sau khi nhận được hàng. Phương thức thanh toán này gây rủi ro cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta, các doanh nghiệp không thu được tiền hàng hoặc chậm trễ trong thanh toán. Ngân hàng liên doanh Việt- Nga đã hoạt động hơn 3 năm tại thị trường Nga với tổng tài sản tăng lên 427 triệu USD năm 2009, có quan hệ đại lý với trên 50 ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế đang hỗ trợ tích cực cho 1.200 khách hàng doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, xuất nhập khẩu tại thị trường Nga. Phó Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Việt- Nga Phạm Văn Minh – cho biết, việc đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại với Liên bang Nga là định hướng xuyên suốt trong quá trình hoạt động của ngân hàng. Để đảm bảo lợi ích chính đáng cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam, với lợi thế riêng của mình, Ngân hàng liên doanh Việt- Nga cung cấp các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm thanh toán đặc thù phù hợp với thị trường Nga, đồng thời giúp các nhà xuất khẩu xử lý tình huống phát sinh. Ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong việc lựa chọn đồng tiền thanh toán là Rúp, USD hay Euro để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ngoài ra giúp doanh nghiệp hai nước thỏa thuận, thực hiện mở L/C, chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng thuận lợi.

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội hỗ trợ của các ban, ngành, tổ chức tín dụng hai nước như thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga?

Xuân Lan