Chưa bao giờ bình yên như thế (Phần 1)
Truyện ngắn của Trần Thị Tố Loan

15/12/2009 00:00

>> Chưa bao giờ bình yên như thế (Phần cuối)

Yên Sa.

Một vùng quê nghèo gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, tận cùng phía đông, cách một lạch sông là biển, tận cùng phía tây, bắc, nam là những cánh đồng, những thửa ruộng đủ các hình thù: tam giác, tứ giác, chữ nhật... cứ như thầy giáo hình học ngẫu hứng trình bày bảng.

Xứ sở như bị lãng quên bên rìa trái đất. Vùng đất cát trắng bình yên có lẽ chỉ bằng chấm mắt muỗi trên bản đồ, muốn ra khỏi cái mắt muỗi ấy cũng phải mất nửa ngày đi bộ, hơn bốn tiếng đi xe đạp.

Yên Sa.

Mùa hạ gió rang lửa trên chảo cát trắng, mùa đông sụt sùi mưa như thiếu phụ canh khuya trách phận. Những cánh đồng chưa nắng đã khô, chưa mưa đã tràn, những dải cát trắng mềm mại bao quanh.

Vùng đất nhỏ bé thanh bình thỉnh thoảng cũng bị những cuộc viếng thăm bất ngờ khuấy lên.

Với Yên Sa thì chuyện có một chiếc máy bay trực thăng đáp xuống đám ruộng khô, nơi lũ trẻ vẫn dùng làm sân bóng, cũng giống như người ngoài hành tinh viếng thăm trái đất. Hai ngày trước khi có đoàn chuyên gia đến khảo sát vùng biển phía đông, Yên Sa như có hội. Nhà nhà, người người mở mồm là máy bay, máy bay. Trẻ con mất ăn, mất ngủ, bỏ bê sách vở hồi hộp chầu chực đến thời khắc trọng đại. Cũng may là anh cán bộ xã trán dô, đầu to, mình cá lẹp, trông xa như tấm ván cắm trên đôi đũa đã lập cập xuống báo trước, nếu không sẽ ối kẻ chết giấc vì bất ngờ khi lù lù trên trời đáp xuống một chú chuồn chuồn xám khổng lồ chạy bằng động cơ.
Như mọi lần, mẹ lại lui cui sửa soạn ba lô cho cha đi sơ tán theo cấp độ đỏ. Rõ chán cho cha! Cứ như đang ôm con xem đấu bóng, được pha nào gay cấn lại phải bế con chạy ra ngoài bởi bọn trẻ ranh hét to quá làm đứa bé sợ.

Cha cu Vũ nhớ này, dưới cùng là quần dài, ở giữa là áo sơ mi, trên là quần đùi, trên nữa là khăn mặt, túi nhỏ bên trái là xà phòng, bên phải là...

Lại cái điệp khúc quen thuộc ấy, lại sơ tán về ngoại.

Vũ như thấy hiển hiện những ngày ở Rú Đòi diễn ra cảnh xử tử tù nhân.

Yên Sa được bàn tay bà mụ châm chước nặn cho một đụn đồi nằm ở phía tây bắc, ngọn đồi côi cút ấy có cái tên là lạ: Rú Đòi. Có phải vì nó côi cút, lạc lõng hay không mà Rú Đòi trở thành trường bắn, nơi xử tử tù nhân? Để mỗi lần có vụ xử nào là Yên Sa vốn bình yên lại được khuấy đảo trong chốc lát.

Ký ức Vũ mãi lưu giữ hình ảnh đoàn người da nâu bóng, ánh mắt vừa tò mò, vừa sợ sệt, lấm lét đứng quanh Rú Đòi chờ giờ hành quyết. Nhìn từ trên cao xuống cứ như đàn kiến đen bâu quanh cái bánh rán tẩm đường mẹ thường mua cho Vũ sau mỗi phiên chợ sáng. Mẹ đã cấm tiệt Vũ đến Rú Đòi nhưng cũng như lũ loai choai da nâu bóng ít trò tiêu khiển ở nơi rìa trái đất này, Vũ vẫn cứ bị hút vào.

Hễ khi nào Rú Đòi sắp có vụ xử bắn, mẹ lại lui cui sửa soạn ba lô cho cha đi sơ tán: Cha cu Vũ nhớ này, dưới đáy là quần dài, ở giữa là áo len, trên là quần đùi, trên nữa là khăn mặt, còn cái áo khoác thì mặc vào người, nhớ đi theo đường đồng, đừng ra đường cái xe cộ nhiều lắm không tránh được đâu.

*
*    *

 Cuối cùng chiếc trực thăng được mong đợi cũng đến.

 Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước đó rất lâu nhưng tim Vũ cứ đập loạn xạ, liên hồi khi chiếc trực thăng mới chỉ là chấm nhỏ từ xa. Không ai được lại gần đám ruộng khô! Đó là lời cảnh báo của anh cán bộ trán dô, mình lép. Lũ trẻ nấp trong nhà, ló cổ vịt ra nhìn, ánh mắt vừa hiếu kỳ, vừa sợ sệt. Khi con chuồn chuồn xám là là đáp xuống, cát tung mù mịt, Vũ thấy cát bay vào mồm, vào mắt, ràn rạt trên da thịt, cứ như có lốc. Mà đúng là lốc thật! Máy bay dừng hẳn, đoàn chuyên gia bước xuống. Những người cao to, da trắng, ánh mắt bình thản, vẫy tay chào mọi người có vẻ thân thiện. Họ thật khác với những người dân Yên Sa áo nâu, chân đất đang bâu quanh chen lấn, xô đẩy, cãi vã om sòm. Những đứa trẻ quần cộc, da nâu bóng, đầu trần, bụng ỏng, thò lò hai hàng nước mũi, mồm há hốc cố chen vào nhưng lại bị người lớn đẩy dạt ra kêu í éo. Thôi thì cứ như đi xếp hàng lấy lương thực ở kho hợp tác xã vậy. Vũ đứng lặng lẽ trong đám đông hiếu kỳ, ồn ào đó và hình dung về hai thế giới khác hẳn nhau. Yên Sa thật nhỏ bé trong cõi trời đất bao la này. Nhìn con chuồn chuồn xám nằm bất động trên đám ruộng, Vũ ước một ngày nào đó mình cũng được bay lên trời. Có mối liên hệ nào giữa chiếc thảm biết bay trong truyện cổ tích Vũ từng đọc với máy bay không nhỉ? Vũ không biết nhưng khát khao khám phá thế giới ngoài Yên Sa đã cháy lên.

*
*    *

 Là người hay hồi tưởng chuyện cũ, có bao chuyện để nhớ nhưng vùng ký ức in đậm nhất trong Vũ là thời niên thiếu. Và câu chuyện bắt đầu vào buổi sáng mùa đông hanh hao năm ấy cứ trở đi, trở lại trong Vũ như một trường đoạn phim chậm buồn. Ngày đó, Vũ còn là cậu bé dáng người mảnh khảnh, cao hơn so với tuổi, mắt sáng, gương mặt buồn lặng, cun cút đi theo mẹ ra ủy ban xã tiễn cha ra trận. Mẹ Vũ lúc ấy gầy như sợi chỉ, dáng người liêu xiêu trong gió đông rét mướt. Cha lên đường ra trận một cách bình thản thật khác vẻ đứng ngồi không yên của mấy anh thanh niên. Chiến tranh không đến được Yên Sa thanh bình nhưng cuộc chiến vào giai đoạn khốc liệt nhất đã nhặt hết đàn ông trai tráng nơi đây, kể cả ông giáo làng là cha của Vũ.

Bao nhiêu người con của Yên Sa đã nằm lại đâu đó ở chiến trường, bao nhiêu người mẹ mòn mỏi đợi con, bao nhiêu người vợ trẻ khắc khoải chờ chồng và cả những đứa trẻ mới lớn như Vũ cũng thấy trống vắng lạ thường. Những năm cha ra trận là chuỗi ngày chầm chậm nặng nề trôi, là những chiều mẹ, Vũ và cu Vàng mong ngóng ngoài rìa đường mỗi lần có thương binh trở về làng. Hàng đêm, Vũ vẫn nghe tiếng thở dài, tiếng trở mình của mẹ. Nhiều đêm khoảng hai, ba giờ sáng sực tỉnh, Vũ thấy mẹ khi thì đang giã gạo dưới bếp, lúc thì đang gánh nước từ giếng làng về. Thời gian cha đi đánh trận là những chuỗi ngày dài, mẹ vẫn miệt mài làm đồng, ánh mắt hoang vắng ngay cả khi cười.

Rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến. Chiến tranh kết thúc! Những giọt nước mắt lăn trên gò má đã lấm tấm tàn nhang của mẹ. Ngày nào mẹ, Vũ và cu Vàng cũng ra đầu làng ngóng cha vẹt cả rìa đường.

Cha trở về.

Cơ thể lành lặn. Ánh mắt thất thần. Nụ cười xa vắng.

Không có vòng tay ôm và những giọt nước mắt.

Cả nhà lặng lẽ đi về.

Mẹ thịt con gà trống mừng cha trở về. Bữa cơm đoàn tụ diễn ra buồn tẻ. Vũ chỉ nghe được tiếng và cơm tồm tộp của mình. Cha ngồi ăn cơm mà như nhai rơm, chậm rãi, trệu trạo không đụng đũa đến thịt gà còn Vũ thì ăn lấy ăn để, đánh một chập bốn lưng bát rồi hỉ hả đứng lên, mấy khi có cơm thịt gà. Mẹ ngồi nhìn hai cha con ăn, nước mắt ứa ra.

Tối ấy, cả làng quây quần ở nhà Vũ uống nước chè. Cha ngồi giữa đám dân làng. Lặng lẽ. U sầu. Có cái gì đó như sự chết chóc, như nỗi sợ hãi hằn rõ trong ánh mắt của cha. Ai cũng náo nức giục kể chuyện chiến tranh, chiến thắng, nhưng cha chỉ nói chiến tranh qua rồi và ân cần mời mọi người uống nước, hút thuốc lào. Mọi người trầm ngâm uống bát nước chè xanh, bắn đôi ba điếu thuốc rồi cầm tay mẹ lắc lắc chào ra về. Còn đâu ông giáo làng hóm hỉnh, tươi cười ngày trước nữa?

Tối hôm ấy, Vũ đang ngon giấc ở nhà ngoài thì bỗng nghe tiếng la hét, cầu xin vọng ra từ trong buồng. Đừng… đừng bóp cổ anh… anh đã… đã giết em để được yên thân… anh mang tội với em, với mẹ em… Vũ choàng tỉnh chạy vào thì thấy cha đang ú ớ, vật vã, tay xua xua chới với, mẹ ngồi cạnh, tay thõng buông bất lực, không dám chạm vào cha, nước mắt chảy vòng quanh. Ôi! Thật khủng khiếp, đây là điều mẹ và Vũ dằng dặc mong đợi ư?

 Sáng hôm sau, cha trở dậy, mắt ngầu đỏ, khuôn mặt mệt mỏi. Mấy hôm liên tiếp, cha lang thang ngoài đồng cả ngày. Có vẻ không khí ruộng đồng làng quê đã khiến ông tĩnh tâm hơn. Ánh mắt bớt thất thần, cái nhìn bớt u sầu. Nhưng quyết định bỏ nghề dạy học về làm ruộng của cha khiến cả trường và xã bàn tán. Ngôi trường nhỏ bé ở Yên Sa đã quá quen với ông giáo dạy lịch sử hiền lành, hóm hỉnh và hiểu biết này rồi. Bàn tán thì bàn tán nhưng không ai ngăn được quyết định của cha, đành để ông thôi việc.

Từ hôm ấy, sáng tinh mơ cha đã ra đồng, dáng đi lầm lũi, trưa đứng bóng mới về, cơm xong uống bát nước, nghỉ trưa một lát lại đi đến tối mịt. Cứ như một nông dân mẫn cán thực thụ. Những hôm theo cha ra đồng, có mơ Vũ cũng không tin được cái người đang cuốc bờ phăm phăm kia là cha. Cứ phăm phăm, phăm phăm như trút đi gánh nặng ưu phiền. Trong vùng ký ức đã mờ xa của Vũ còn lưu giữ hình ảnh cha ngồi ở cái bàn gỗ lim đọc sách, đoạn nào tâm đắc lại đọc to lên, bình phẩm, cha rất thích sách cổ sử. Ngày bé, Vũ cứ mong mình nhanh biết chữ để đọc những cuốn sách cha thích. Từ ngày trở về, cha chưa lần nào sờ đến sách, cứ như ông chưa từng là một thầy giáo.

Giờ thì da của cha đã nâu bóng, móng chân, móng tay ố vàng, ngón chân cái dần tõe ra. Công điểm ở hợp tác xã tăng dần theo ngày ra đồng của cha nhưng không khí gia đình thì càng ngày càng trầm xuống. Từ sau buổi tối kinh hoàng ấy, mẹ đã ra nhà ngoài ngủ cùng Vũ. Không còn tiếng thở dài và trở mình. Nhưng những hôm có trăng, bất chợt tỉnh ngủ nhìn sang, Vũ nghẹn lòng khi thấy mắt mẹ mở to nhìn trân trân lên trần nhà, nước mắt âm thầm chảy ướt hết tóc mai. Vũ không dám thở to sợ mẹ biết. Có một điều gì đó kinh hoàng đã xảy ra với cha trong những ngày ở chiến trường. Vũ rất muốn biết…

*
*    *

Tốt nghiệp cấp hai ở trường làng, Vũ ra thị xã ở nhờ nhà ông bác học tiếp, hết cấp ba lại ba năm cao đẳng sư phạm. Mỗi tháng chỉ về thăm nhà một lần. Năm tiếng đi, năm tiếng về, con đường và chiếc xe đạp đã gắn bó với Vũ bao năm trời.

Thời gian thấm thoắt trôi đi. Yên Sa nhỏ bé, thuần phác đã ngày một đổi thay theo những lần đi về của Vũ. Đoàn chuyên gia ngày trước đến đây tuy không tìm được mỏ dầu nào cho Yên Sa nhưng nhờ kết quả nghiên cứu của họ đã có một nhà máy đông lạnh mọc lên ven lạch sông phía đông, cách đấy không xa là một cảng bốc xếp hạng trung nhưng không mấy người dân nơi đây được vào làm. Thêm một con đường ngoằn ngoèo chạy dọc Yên Sa. Lũ trẻ bây giờ tha hồ nhìn xe tải vào lấy hàng, thấy tàu nhỏ cập bến. Điện cũng theo nhà máy đông lạnh đến Yên Sa. Ngày Vũ lấy bằng tốt nghiệp loại ưu của trường cao đẳng, ông bác đã thưởng cho cháu một chiếc đài National, khỏi phải nói là Vũ vui mừng như thế nào. Chiếc đài là một cánh cửa nối Vũ và gia đình với thế giới ngoài Yên Sa.

Cậu bé Vũ ngày nào đã trở thành thầy giáo dạy sử ở trường làng, Vũ muốn đi tiếp con đường của cha. Học trò của anh phần lớn là con em nông dân, số ít là con dân chài ở Yên Lãng sang học. Con em dân chài buổi học, buổi nghỉ phụ thuộc vào những chuyến ra khơi của thuyền nhà. Những đứa học trò vẫn nước da nâu bóng như lũ bạn Vũ ngày xưa nhưng ánh mắt thì sáng lạ lùng. Vũ luôn muốn thắp sáng những ngôi sao ấy bằng các bài giảng của mình. Anh say sưa đọc những những câu chuyện lịch sử để làm tư liệu cho giờ dạy. Những đứa trẻ ở làng quê Vũ mấy đứa có dịp ra khỏi Yên Sa đâu nên những câu chuyện anh kể trong các giờ dạy đã đưa chúng đến một thế giới khác. Vũ nghĩ có thể những khát vọng đi xa bắt đầu từ đó hoặc ít nhất những câu chuyện đã thành món ăn tinh thần cho bọn trẻ. Học trò luôn chờ đợi những giờ dạy của anh. Bao năm gắn bó với mái trường, bao giờ thầy giáo Vũ cũng nhiệt huyết với trò như cha của anh trước đây. Học trò ở trường này may lắm thì cũng chỉ học hết cấp hai rồi ở nhà làm đồng, làm muối hoặc đi biển, có mấy đứa được ra thị xã học tiếp như Vũ đâu. Nhiều khi Vũ thấy xót xa trong lòng nhưng chả giúp gì được cho chúng.

(Số sau đăng hết)