Trò bập bênh của ICJ
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) vừa bắt đầu phiên xét xử tính hợp pháp trong quyết định ly khai của Kosovo khỏi nước Cộng hòa Serbia. Đây là một sự kiện lịch sử, bởi lần đầu tiên kể từ khi thành lập năm 1946, tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) xét xử một vụ kiện liên quan đến vấn đề ly khai.

Kosovo, vùng đất rộng hơn 10.000 km2 với khoảng 2 triệu dân đa phần là người gốc Albania, đã đơn phương tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia hồi tháng 2.2008. Từ đó đến nay đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới công nhận nền độc lập của Kosovo, song cũng có nhiều nước khác phủ nhận tính hợp pháp của tỉnh ly khai này, trong đó có Nga, Trung Quốc hay Tây Ban Nha, Bỉ.... Về phần mình, Belgrade luôn khẳng định hành động của Pristina là trái với luật pháp quốc tế, tấn công vào chính hệ thống của LHQ....
Sau hơn một năm “tạm lắng”, giờ đây, vấn đề Kosovo một lần nữa lại trở nên nóng bỏng sau khi Serbia quyết định đưa hồ sơ này lên ICJ. Serbia phản đối Kosovo độc lập là điều đương nhiên nên việc họ kiện lên ICJ xem xét hành động ly khai của Pristina cũng là điều dễ hiểu và tất yếu. Tuy nhiên, bước đi này không nhằm đưa Kosovo trở lại trước thời điểm ngày 17.2.2008, mà chỉ muốn có một phán quyết của tòa án LHQ cho dù không có tính chất ràng buộc, bởi lẽ phán quyết có thể là cuối cùng này sẽ tạo ra một tiền lệ về cách hiểu và cách ứng xử với những hành động liên quan đến ly khai. Và chính vì vậy, không chỉ Serbia hay Kosovo sốt ruột đợi phán quyết này mà các nước liên quan cũng đang kiên nhẫn dõi theo phiên tòa ở The Hague.
Trong khi còn phải chờ đợi kết luận của ICJ, Serbia ít nhất cũng đã giành một thắng lợi về mặt ngoại giao. Lãnh đạo Serbia nhận thức rõ rằng việc giành lại quyền kiểm soát Kosovo là rất khó khăn nếu không muốn nói là “phi thực tế”. Do đó, Belgrade ‘chỉ’ trông đợi ICJ ra phán quyết rằng hành động ly khai và đơn phương tuyên bố độc lập là bất hợp pháp. Trong trường hợp nguyện vọng này của Serbia được đáp ứng, các nước muốn công nhận Kosovo sẽ phải thận trọng nếu không muốn vi phạm các quy định của LHQ.
Song những ai kỳ vọng vào một phán quyết phân định trắng đen, phải trái rõ ràng của tòa án ICJ có lẽ sẽ phải thất vọng. Kết luận cuối cùng của tòa án LHQ sẽ giống như trò chơi bập bênh, lúc nghiêng về bên “chấp thuận” lúc lại ngả về phía “bác bỏ”. Vì sao lại như vậy, và câu trả lời khá đơn giản:
Trong số 63 thành viên LHQ công nhận Kosovo có Mỹ và 22 trong tổng số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu. Đáp ứng yêu cầu của Serbia cũng đồng nghĩa với việc ICJ “kết tội” 63 quốc gia công nhận nền độc lập của Kosovo đã hành động trái với luật pháp quốc tế. Ngược lại, nếu OK quyết định đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo, ICJ và rộng hơn là LHQ sẽ vấp phải sự phản đối của đại đa số thành viên LHQ. Một phán quyết như vậy chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, cổ vũ cho các hành động và phong trào ly khai, tiến tới làm thay đổi bản đồ địa giới hành chính, thậm chí cả an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ ở nhiều nơi trên thế giới.
Khi Kosovo độc lập gần 2 năm trước, có lẽ chỉ Washington hồ hởi bởi họ không có vùng lãnh thổ nào có ý định ly khai. Trong khi đó, nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu (như Tây Ban Nha, Bỉ, Anh,...) như ngồi trên đống lửa vì họ đang phải đối phó với các phong trào đòi ly khai ở trong nước. Cụ thể, Tây Ban Nha mệt mỏi với Phong trào ly khai xứ Basque. Bỉ đau đầu với Cộng đồng nói tiếng Hà Lan. Đồng minh thân cận Anh cũng nhức nhối với đảng Dân tộc Scotland. Bên kia Thái Bình Dương, một nước lớn như Trung Quốc cũng phải đối diện với Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Không thể không lo ngại hiệu ứng Kosovo mở rộng và sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền vì thế giới còn quá nhiều điểm nóng đòi ly khai.... Điều đó sẽ để lại hậu quả dai dẳng và những khủng hoảng này có thể sẽ không có hồi kết.
Các phiên điều trần ở Hà Lan dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 11.12. Trong khoảng thời gian đó, các chủ thể Serbia và Kosovo cùng với gần 30 quốc gia sẽ phát biểu và đưa ra lời chứng thực. Phiên tòa này thực tế sẽ không làm đảo lộn hiện trạng tại Balkan như đã nói ở trên. Tuy nhiên, một phán quyết của ICJ vẫn được chờ đợi bởi đó được coi như lập trường chính thức của LHQ về tính chất pháp lý của hành động ly khai khỏi một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của LHQ. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nhiều nước trên thế giới hiện đang tiềm ẩn “nguy cơ Kosovo” và “hiệu ứng Kosovo”.
ICJ sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Serbia nếu căn cứ vào luật pháp quốc tế. Nhưng nếu tòa án này theo đuổi mục đích chính trị nào đó, sự việc sẽ phức tạp và phán quyết có thể sẽ bất lợi cho Belgrade. Khả năng lớn hơn cả là ICJ sẽ tiếp tục chơi trò bập bênh, ít nhất là cho đến khi phiên tòa chính thức xem xét tuyên bố độc lập của Kosovo có phù hợp với các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế hay không. Theo dự kiến, phiên tòa sẽ được mở vào tháng 4.2010.