Bạn biết gì về di sản văn hóa phi vật thể?

Lê Duy 30/11/2009 00:00

Mục đích chính của Công ước là bảo vệ, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; bảo đảm sự tôn trọng đối với di sản của các cộng đồng/cá nhân có liên quan; phát triển sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong các lĩnh vực này.

05-ban-biet-33409-300-a3.jpg

“Di sản văn hóa không dừng lại ở những di tích và vật thể mà bao gồm cả những truyền thống hay những hình thức biểu đạt sống được tiếp nhận và lưu truyền qua nhiều thế hệ - như các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tục lệ xã hội, các nghi thức, lễ hội, tri thức và những tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ, các nghề thủ công truyền thống cùng các công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan đến những di sản phi vật thể này” (điều 2 của Công ước bảo vệ Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể).

Ngày 17.10.2003, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước nói trên (CƯ) nhằm đem lại cho cộng đồng quốc tế một công cụ định chuẩn mang tính toàn cầu về pháp lý, tài chính và quản lý trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT).

05-ban-biet-33409-180(de ben trai).jpg

Cơ quan quyền lực của Công ước

Hai cơ quan quyền lực của Công ước là Đại hội đồng các quốc gia thành viên (ĐHĐ, hiện có 117 quốc gia và lãnh thổ đã tham gia CƯ) và Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ DSVHPVT (UB, gồm 24 thành viên). ĐHĐ đưa ra những định hướng chiến lược cho việc thực hiện CƯ và bầu  số thành viên UB theo nguyên tắc cân bằng đại diện theo địa lý và luân phiên với nhiệm kỳ 4 năm. UB có chức năng chủ yếu: chuẩn bị các kế hoạch thực hiện Công ước để ĐHĐ thông qua dưới hình thức các hướng dẫn thực hiện (operational directives), xây dựng đường hướng về các tập quán/kinh nghiệm tốt và khuyến nghị các biện pháp bảo vệ DSVHPVT; lựa chọn các di sản (DS) được các thành viên của CƯ (QGTV) đề cử vào Danh sách DSVHPVT đại diện của Nhân loại (DS Đại diện) và Danh sách DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp (DSBV Khẩn cấp); sử dụng Quỹ di sản theo đúng các chỉ dẫn và kế hoạch hai năm mà ĐHĐ thông qua; lựa chọn và triển khai những chương trình, dự án và hoạt động do các QGTV đề nghị và được cho là phản ánh tốt nhất những mục tiêu và nguyên tắc của Công ước; đề nghị ĐHĐ chấp nhận những tổ chức phi chính phủ làm cố vấn chuyên môn cho UB. Đến nay, UB đã thông qua văn bản hướng dẫn thực hiện đầu tiên, kế hoạch sử dụng Quỹ bảo vệ DSVHPVT, xem xét và đưa 166 di sản hiện diện ở 76 quốc gia và lãnh thổ Palestin vào DS Đại diện và 12 di sản của 8 nước vào DSBV Khẩn cấp.  

Ban thư ký UNESCO hỗ trợ hai cơ quan chuẩn bị văn kiện, tổ chức cho các cuộc họp và đảm bảo việc thực hiện các quyết định. 

05-ban-biet-33409-180-a2(de ben phai).jpg

Địa vị thành viên

Tham gia Công ước đem lại nhiều điều lợi cho QGTV, các chủ thể và DSVHPVT. Việc DS được đưa vào các danh sách của CƯ không chỉ đem lại niềm tự hào là di sản sống của quốc gia được quốc tế công nhận, mà còn củng cố khả năng tồn tại và phát triển bền vững của di sản, tăng cường sự nhìn nhận và đánh giá đối với chủ thể, nhất là các cộng đồng thiểu số; nâng cao vị thế và lòng tự tôn của cộng đồng; qua đó thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng cũng như đối thoại, hội nhập của cộng đồng/quốc gia với bên ngoài.

Hợp tác và hỗ trợ quốc tế thông qua Quỹ bảo vệ DSVHPVT và các chương trình tài trợ liên quan đặc biệt có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển – đồng thời cũng là những xã hội truyền thống vốn tập trung những kho tàng VHPVT phong phú, quý báu nhưng việc bảo vệ nhiều khi vượt quá khả năng, do những hạn chế về nhận thức và nguồn lực (tài chính, kỹ thuật) cũng như những tác động xấu của phát triển kinh tế, thương mại và biến đổi môi trường tự nhiên.

Thực hiện những cam kết, nghĩa vụ mà Công ước quy định cũng đồng thời nâng cao năng lực và nguồn lực bảo vệ, quản lý, phát huy DSVHPVT của QGTV và tăng cường sự hiện diện lẫn vị thế của quốc gia trên trường quốc tế - điều rất có ý nghĩa với các nước đang phát triển trong thời đại các quốc gia ra sức xây dựng quyền lực mềm với văn hóa là một trụ cột. 

05-ban-biet-33409-300-a2.jpg

Ở cấp quốc gia, QGTV đảm bảo khả năng tồn tại của DSVHPVT hiện có trên lãnh thổ quốc gia qua những biện pháp bảo vệ cụ thể:

* Lập và cập nhật thường xuyên (các) danh mục kiểm kê DSVHPVT hiện có trên lãnh thổ.

* Lập cơ sở dữ liệu về DSVHPVT quốc gia.       

* Có các biện pháp pháp lý, kỹ thuật, quản lý và tài chính thích hợp nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường các cơ sở đào tạo về quản lý và truyền dạy DSVHPVT; đảm bảo việc tiếp cận với DSVHPVT trong sự tôn trọng những tập quán về tiếp cận các khía cạnh cụ thể của di sản; lập và tạo điều kiện cho việc tiếp cận các cơ sở tư liệu hóa DSVHPVT.   

* Đảm bảo sự tham gia tích cực và sâu rộng nhất của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ DSVHPVT.

Ở cấp quốc tế, QGTV tham gia các hoạt động của ĐHĐ và UB, những chương trình, dự án liên quan và báo cáo định kỳ về việc bảo vệ các DSVHPVT được UNESCO công nhận.

05-ban-biet-33409-300.jpg

Những danh sách của UNESCO và quy trình

Việc ghi tên di sản vào DSBV Khẩn cấp được coi là quan trọng nhất để đảm bảo có những biện pháp bảo vệ thích hợp cho những hình thức biểu đạt DSVHPVT mà khả năng tồn tại đang bị đe dọa; Việc đưa di sản vào DS Đại diện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về di sản và ý nghĩa của nó, khuyến khích đối thoại, qua đó phản ánh sự đa dạng của văn hóa trên toàn thế giới và thể hiện tính sáng tạo của con người.

Quy trình đề cử và công nhận:

1. QGTV chuẩn bị và nộp hồ sơ đề cử cho Ban Thư ký UNESCO. 

2. Các tổ chức, cơ quan nghiên cứu và (hoặc) chuyên gia được UB chọn làm cố vấn thẩm định hồ sơ đề cử và làm báo cáo lên UB;

3. UB đánh giá hồ sơ và quyết định việc đưa di sản vào danh sách được đề nghị.

Quỹ DSVHPVT

Nhằm tài trợ cho các chương trình, dự án và hoạt động bảo vệ DSVHPVT trong khuôn khổ Công ước, Quỹ DSVHPVT được thành lập với ưu tiên đặc biệt dành cho việc bảo vệ các di sản nằm trong DSBV khẩn cấp và xây dựng các danh mục kiểm kê. Một phần Quỹ dành cho viện trợ khẩn cấp; tài trợ những chương trình, dự án và hoạt động được UB cho là phản ánh đầy đủ nhất những nguyên tắc và mục tiêu của Công ước (trong đó tính đến những nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển), tài trợ cho đại diện cộng đồng và chuyên gia (chủ yếu từ các nước kém phát triển) tham dự các kỳ họp của UB.

Nguồn ngân quỹ chủ yếu là niên liễm của các QGTV, những đóng góp tự nguyện, và các quỹ ủy thác UNESCO của Nhật Bản, Nauy, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Ủy ban châu Âu.

6 tiêu chí lựa chọn di sản vào DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp

U.1   Có các yếu tố tạo thành DSVHPVT theo định nghĩa tại Điều 2 của Công ước), đặc biệt là yếu tố mang tính truyền thống, đang sống, và được các cộng đồng công nhận không chỉ vì di sản là tài sản của họ mà còn vì nó quan trọng đối với bản sắc và tính liên tục của cộng đồng.

U.2   Ở trong tình trạng (a) cần được bảo vệ khẩn cấp vì khả năng tồn tại đang bị đe dọa, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng/nhóm người hay cá nhân và nhà nước có liên quan; hoặc (b) hết sức cần được bảo vệ cấp bách do có những mối đe dọa nghiêm trọng khiến di sản được cho là không thể tồn tại nếu không được bảo vệ tức thời.

U.3   Các biện pháp bảo vệ đã được xây dựng có thể giúp cộng đồng hoặc cá nhân có liên quan tiếp tục thực hiện và lưu truyền di sản;

U.4   Di sản đã được đề cử sau khi có sự tham gia rộng rãi nhất có thể có của cộng đồng, nhóm chủ thể hoặc cá nhân có liên quan với sự đồng thuận trước, hoàn toàn tự nguyện và có hiểu biết của họ;

U.5   Di sản nằm trong danh mục kiểm kê DSVHPVT hiện có trên lãnh thổ của QGTV đề cử;

U.6   Trong những trường hợp hết sức cấp bách, (các) QGTV liên quan được tham khảo trước về việc UB đưa di sản vào DSBV khẩn cấp theo Điều 17.3 của Công ước.  

5 tiêu chí lựa chọn di sản
vào DSVHPVT đại diện của nhân loại

R.1, R.4 và R.5 giống như U.1, U.4 và U.5 nêu trên;

R.2  Việc ghi nhận một di sản vào DS Đại diện phải góp phần đảm bảo khả năng tồn tại của di sản cũng như nhận thức về ý nghĩa của nó, khuyến khích đối thoại, qua đó phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và thể hiện sức sáng tạo của con người;

R.3  Các biện pháp bảo vệ được xây dựng để đảm bảo việc bảo tồn  và phát huy di sản. 

Việt Nam và Công ước

* Phê chuẩn Công ước ngày 20.9.2005 (1 trong 30 nước đầu tiên tham gia để Công ước có hiệu lực), 1 trong 18 thành viên đầu tiên của UB được ĐHĐ bầu tại kỳ họp khai mạc (6.2006) với nhiệm kỳ 4 năm (2006-2010).

* Có 3 di sản được đưa vào Danh sách Đại diện (Nhã nhạc và Không gian cồng chiêng Tây Nguyên 4.11.2008, và Dân ca quan họ Bắc Ninh 30.9.2009) và 1 di sản trong DSBV khẩn cấp (Ca trù 1.10.2009).

* Các văn bản pháp lý liên quan: Luật Di sản Văn hóa (29.6.2001); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa (18.6.2009); Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa (11.11.2002); Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (25.12.2007).    

Lê Duy