Cuộc chiến giành phân khúc bán lẻ của ngân hàng
Vài năm gần đây, thu nhập từ hoạt động bán lẻ ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số thu nhập của các ngân hàng trong nước, trung bình tăng từ 15% đến 30%. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng trưởng mạnh phân khúc bán lẻ thời gian tới, các ngân hàng thương mại trong nước sẽ phải cạnh tranh mạnh để giành thị phần với các ông lớn ngân hàng ngoại đang có xu hướng “bành trướng”.
Ngoại “nhắm” cao cấp
Nhìn nhận về xu thế cạnh tranh nội - ngoại, giám đốc một ngân hàng trong nước cho hay, các bên đều đang phát huy thế mạnh của mình với sự phân chia đối tượng khách hàng khá rõ ràng. Tuy nhiên, tại những đô thị loại 1 và loại 2, nơi mật độ ngân hàng nội ngoại dày đặc cũng như tập trung khách hàng có tiềm năng tài chính lớn, cuộc chiến giành thị phần diễn ra khá gay gắt.
Trong tháng 10 vừa qua, liên tiếp các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Citibank, Standard Chartered… đã khai trương bộ phận kinh doanh bán lẻ, tung ra các sản phẩm, dịch vụ mới và công bố các chiến lược kinh doanh. Giữa tháng 10, Citibank Việt Nam đã khai trương bộ phận kinh doanh bán lẻ mang tên Citigold dành cho các cá nhân là doanh nhân người Việt có thân nhân ở nước ngoài và khách hàng có thu nhập cao cấp. Hay Standard Chartered ra mắt dịch vụ Ngân hàng ưu tiên tại Việt Nam… Những dịch vụ mới đã giúp các ngân hàng ngoại hút được lượng khách cá nhân đáng kể. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay số lượng khách hàng cá nhân của HSBC đã tăng đến 30%. Hiện khối ngân hàng ngoại đang chiếm khoảng 34,5% thu nhập trước thuế của khối ngân hàng thương mại và phần lớn doanh thu, lợi nhuận do mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ mang lại.
Theo ông Foo Mee Har, Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, dịch vụ ngân hàng ưu tiên cho vay, đảm bảo, đầu tư… tại thị trường châu Á rất tiềm năng bởi phần lớn nhu cầu tài chính của khách hàng phân khúc này chưa được đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt khi châu Á được đánh giá là khu vực có phân khúc khách hàng cao cấp phát triển nhất thế giới. Trong đó các thành phố lớn tại Việt Nam như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội (theo nghiên cứu của Standad Chartered) lượng khách hàng cao cấp tăng khoảng 20%/năm.
Với tiềm lực vốn, bề dày kinh nghiệm và nhiều dịch vụ tiên tiến, đối tượng khách hàng cao cấp này được các ngân hàng ngoại đặc biệt nhắm tới. Có thể kể tới Citibank với kế hoạch đặt ra một tiêu chuẩn mới cho các dịch vụ ngân hàng cao cấp với các sản phẩm mới nhất. Không chỉ những cái tên quen như HSBC, Citibank, hay Standard Chartered, thị phần cao cấp béo bở này cũng hút rất nhiều ngân hàng lớn của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc… nộp hồ sơ xin mở chi nhánh tại Việt Nam. Rõ ràng, hướng tới mô hình ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đang là đích đến không chỉ của các ngân hàng nội địa mà cả các ngân hàng nước ngoài.
Nội giữ thị phần
Trên thực tế, dù đã có rất nhiều nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, song chất lượng và số lượng các dịch vụ bán lẻ của ngân hàng trong nước vẫn có nhiều hạn chế. Cụ thể như thị trường thẻ, dù được đánh giá là phát triển vượt bậc nhưng vẫn rời rạc, manh mún. Chưa kể chất lượng dịch vụ vẫn có vấn đề khiến khách hàng thường xuyên phàn nàn như kẹt thẻ, nghẽn mạch…
Hiện tại, dịch vụ ngân hàng hiện đại ở các ngân hàng như séc cá nhân gần như không được sử dụng, dịch vụ thanh toán thẻ còn hạn chế về phạm vi sử dụng và chưa phát triển được sâu rộng, dịch vụ internetbanking cũng chỉ mới dừng lại chủ yếu ở mức truy vấn thông tin, chưa cho phép thực hiện thanh toán. Thừa nhận các dịch vụ ngân hàng phục vụ cho tầng lớp thu nhập cao chưa được triển khai rộng rãi, ông Phạm Huy Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietinbank cho rằng đây là một điểm yếu mà các ngân hàng trong nước cần khắc phục.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã tự phân loại phân khúc khách hàng nhắm tới, nếu ngân hàng ngoại nhắm khách hàng cao cấp thì ngân hàng nội với thế mạnh mạng lưới rộng, am hiểu tâm lý và thói quen của người dân, dự định tiếp cận phát triển khối khách hàng cá nhân thu nhập trung bình và thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước sức ép ngày càng lớn từ phía các ngân hàng ngoại, ngân hàng nội cũng đã có chuyển động mạnh mẽ để giữ và mở rộng thị phần. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phương Đông dự kiến hướng tới khách hàng chủ đạo là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với những lựa chọn đối tượng khách hàng khác nhau, nhiều ngân hàng chia sẻ không quá lo ngại sự cạnh tranh của khối ngân hàng ngoại. Song rõ ràng, sự cạnh tranh này đã buộc các ngân hàng nội phát triển mạnh hơn dịch vụ bán lẻ, đi sâu đầu tư hơn cho công nghệ và chất lượng dịch vụ. Chưa kể, hiện tại các ngân hàng ngoại đang tập trung vào đối tượng cao cấp, nhưng rất có thể thời gian tới họ lại nhắm tới đối tượng khách hàng thu nhập thấp. Khi ấy, cuộc chiến cạnh tranh sẽ thực sự căng thẳng, và các ngân hàng nội nếu không chuẩn bị từ bây giờ có thể sẽ phải hối tiếc.