Nữ anh hùng tay không bắt giặc
“... Trên đường ra đồng, gặp Tây đi càn, chỉ có đòn gánh trên tay, không một tấc sắt trong người, chị xông ra giơ đòn gánh thét lên dọa mấy chú lính Tây giơ tay đầu hàng. Bất ngờ và hoảng sợ, lính Tây líu ríu giơ tay lên trời. Người nữ du kích bé nhỏ bình tĩnh cầm đòn gánh áp giải lính Tây đi hàng một về cho quân ta bắt sống...”
Nữ anh hùng mà tôi từng đọc trong SGK ấy giờ đã ngoài 80 tuổi, sống giản dị cùng chồng (cũng là một đại tá quân đội về hưu) tại phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội.
Phải mất một khoảng thời gian chúng tôi mới tìm được nhà nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên ở rẻo đất sát sông Hồng thuộc cụm Yên Tân, phường Ngọc Thụy. Một căn nhà đã ngả màu thời gian, cửa đóng im ỉm, biệt lập so với khung cảnh đông đúc náo nhiệt bên ngoài. “Tôi sinh năm 1927, nhưng anh em làm lý lịch là sinh năm 1930 để tôi có thể đi du kích, thực ra năm nay tôi đã 83 tuổi rồi”, bà Chiên giãi bày.
83 tuổi, ký ức đôi khi đã lẫn lộn nhưng những tháng ngày ấu thơ, làm thuê làm mướn và đi giết giặc cứu nước thì bà Chiên không quên. Bởi đó cũng là những dòng hồi ức, những dấu ấn xuyên suốt cuộc đời bà. Sinh ra tại Trại Đồng, Tân Tiến (thị trấn Nê, Kiến Xương, Thái Bình bây giờ), được vài tuổi, mẹ mất, Chiên lăn lóc đi ở cho hết nhà địa chủ này đến nhà khác trong vùng. Sau phong trào “Tiếng trống Tiền Hải”, Thái Bình trở thành điểm nóng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Kẻ thù điên cuồng đàn áp thì phong trào càng ngày càng hoạt động mạnh mẽ. Thời điểm ấy, Kiến Xương trở thành nơi hoạt động, tập kết của phong trào yêu nước và của bộ đội chủ lực. Cô bé Nguyễn Thị Chiên hơn 10 tuổi đầu đã chập chững từng bước vào du kích. Bà bảo lúc ấy cũng không hiểu lắm về hai từ du kích, chỉ biết rằng, đó là hoạt động giúp các lực lượng cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp, giúp dân nghèo không phải làm nô lệ, có ruộng và có cái ăn. Thế là ban ngày làm thuê làm mướn, bế em, xay cám, chăn lợn, tối đến, cứ xong bữa cơm tối bà lại đóng cửa phòng “đi ngủ”, chờ chủ nhà không để ý, len lén mở cửa ra ngoài rải truyền đơn, bảo vệ vòng ngoài cho các cơ sở bí mật, phát hiện nơi ém quân của địch... Lúc này Kiến Xương trở thành tâm điểm chú ý của thực dân Pháp. Ngoài công việc được giao từ trước, bà bàn với anh em du kích tìm cách quấy nhiễu và phá hủy các đồn bốt địch, cướp súng, trộm súng của địch cho bộ đội chủ lực. Bà còn cùng với chị em mò cua bắt cá, đem bán lấy tiền đi mua lại súng đạn của những tên lính ngụy để chuyển cho bộ đội...
Bây giờ mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng trong muôn vàn những hồi ức đẹp của thời tuổi trẻ, bà Chiên không bao giờ quên được kỷ niệm phối hợp với Đại đội 44 Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 đánh lính Âu Phi trên Đường 39. Chính ở trận này, tay không bà đã bắt được tên quan hai Pháp. Sau một thời gian không thể đánh thắng Đại đội 44, tên quan hai Pháp đã thân chinh đi lùng sục cùng với hai tên lính cận vệ. Lúc này cô du kích đang đi trên đường làng, nhận ra bóng địch, suy nghĩ rất nhanh bà bất ngờ xuất hiện trước mặt bọn chúng và giả vờ hô to cho một lực lượng tập kích bất ngờ. Nghe tiếng hô mạnh mẽ, dứt khoát của nữ du kích trẻ, hai tên lính cận vệ hoảng quá bỏ chạy, chỉ còn tên quan hai Pháp ngơ ngác đứng lại, chưa kịp định thần, hắn đã bị cô du kích bé nhỏ nhảy vào cướp súng. Chĩa mũi súng vào kẻ thù, nữ anh hùng bình thản dẫn tên quan Pháp về giao nộp cho đại đội 44. Từ đó biệt danh “nữ anh hùng tay không bắt giặc” Nguyễn Thị Chiên nổi tiếng không những ở xã mà còn lan rộng ra cả tỉnh Thái Bình.
Lòng yêu nước, trí thông minh, quả cảm cũng đồng nghĩa với việc nữ du kích Nguyễn Thị Chiên luôn nằm trong tầm ngắm của kẻ thù. Trong một ngày dẫn lực lượng chủ lực hành quân trên Cầu Trục, Kiến Xương, Thái Bình, bà đã bị địch bắt. Tra khảo, đánh đập dã man vẫn không lấy được bất cứ thông tin nào từ nữ anh hùng, kẻ thù buộc bà vào một cây tre rồi ném xuống sông Thái Bình, chờ cho bà sắp chết đuối lại vớt lên, nhưng vẫn chẳng khai thác được gì. Điên cuồng, chúng đưa bà đi bắn. Ra pháp trường, súng đã lên đạn, mắt đã bịt kín nhưng bà vẫn một mực bảo có bắn chết cũng chẳng biết gì để khai báo. Không còn cách nào khác, địch buộc phải thả bà sau 4 tháng tra khảo dã man.
Năm 1952, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng ở tuổi 22 và là nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Ở đây bà được gặp Bác Hồ, được trò chuyện và được Người động viên. “Đó là những tháng ngày tôi không thể nào quên, những bức ảnh thời ấy tôi vẫn giữ cho đến ngày hôm nay như báu vật”, bà Chiên tự hào. Một năm sau, bà Chiên chính thức bước vào con đường binh nghiệp, sau đó kết duyên cùng đồng đội Vũ Anh Tài. Ông bà sống vui vẻ hạnh phúc nhưng hiếm muộn con cái. “Cũng bởi thời gian gần nhau ít quá. Nhưng như thế đã may mắn hơn rất nhiều các đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống”.