Hiệu quả từ Chương trình 135 ở Lai Châu

Thu Thủy 28/09/2009 00:00

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, đến nay tỉnh Lai Châu đã thực hiện được hơn 82% kế hoạch với nhiều nội dung đầu tư cụ thể, thiết thực, góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu cấp thiết đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ dân trí…

Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135), tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II ở các cấp từ tỉnh đến xã; chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác  tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến người dân; đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện lồng ghép Chương trình 135 giai đoạn II với nguồn vốn từ các chương trình khác như: Chương trình 120, 186, 134, 193, NQ 37, dự án 5 triệu ha rừng, chương trình 159…

Đến nay tỉnh đã thực hiện được 82,5% kế hoạch đề ra. Trong đó, dự án phát triển cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng (nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà lớp học, điện sinh hoạt, trạm y tế...) đã thực hiện được hơn 500 công trình với tổng số vốn thực hiện 184.328 triệu đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số vốn thực hiện 27.474 triệu đồng; dự án đào tạo 9.244 triệu đồng; chính sách hỗ trợ các dịch vụ 11.618 triệu đồng... Theo đánh giá của ngành chức năng, Chương trình 135 giai đoạn II của Sơn La đã phát huy hiệu quả: nội dung đầu tư cụ thể, thiết thực và giải quyết kịp thời nhu cầu cấp thiết đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ dân trí. Hiện, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đã được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nhiều xã đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; người dân các xã đặc biệt khó khăn có thêm thu nhập từ việc tham gia thực hiện chương trình; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng từng bước được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh đó, cùng với các nguồn vốn khác đầu tư trên địa bàn, Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tính đến hết năm 2008, toàn tỉnh đã có 95/98 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 66 xã với trên 61% số được sử dụng điện, 45% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 62% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% số trạm y tế được xây dựng kiên cố... Đặc biệt, Chương trình đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, mỗi năm giảm trung bình 10,3% (từ 77,79% năm 2006 xuống còn 49,72% năm 2008) và cơ bản xóa được hộ đói kinh niên. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ từ chương trình nên công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển mới: cơ sở trường lớp được xây dựng kiên cố và đồng bộ đã tác động tích cực đến chất lượng dạy và học, giảm tình trạng học 3 ca ở khu vực vùng cao... Với dự án đào tạo, bồi dưỡng từ Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần nâng cao năng lực, khả năng lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, thôn, bản. Nhờ đó, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở được tăng cường; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân một số hợp phần của Chương trình còn chậm so với kế hoạch; việc theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án, nhất là dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản chưa được quan tâm thường xuyên nên dẫn đến chất lượng thực hiện không cao. Chất lượng khảo sát, lập dự toán còn nhiều bất cập nên dự án phải điều chỉnh nhiều lần đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện theo kế hoạch giao. Công tác tuyên truyền đã được quan tâm thực hiện, song chưa sâu rộng, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về Chương trình... Nguyên nhân của những hạn chế trên là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa sớm và kéo dài, hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao. Đã vậy, lại thêm cái khó là tỉnh mới được chia tách nên hầu hết đội ngũ cán bộ còn trẻ, mới được tuyển dụng, thiếu kinh nghiệm thực tế nên chất lượng tham mưu còn hạn chế. Việc huy động đóng góp của người dân hầu như không thực hiện được do người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao... cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. Theo đó, để tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II đạt kết quả cao, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của địa phương thì rất cần sự quan tâm thường xuyên hơn nữa của Trung ương, trong đó hàng năm cần bổ sung kinh phí và giao sớm để địa phương chủ động trong việc phân bổ và chuẩn bị dự án. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét để thành lập lại Phòng Dân tộc thuộc các huyện đối với các tỉnh đặc thù có nhiều dân tộc thiểu số như Lai Châu phụ trách lĩnh vực dân tộc để nắm bắt thông tin, triển khai, báo cáo kịp thời về tình hình thực hiện Chương trình tại cấp huyện...

Thu Thủy