Vì sao doanh nghiệp khó tuyển lao động phổ thông?

Dương Công Thọ 25/09/2009 00:00

NĐBO- Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, tính đến hết quý I năm 2009 có khoảng 15.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP bị mất việc, ngoài ra còn một tỷ lệ khá cao người lao động thất nghiệp trước đó. Nhưng hiện vẫn tồn tại nghịch lý, người thất nghiệp tăng và lao động phổ thông thiếu trầm trọng...

vi-sao-210909-300-a2.jpg

Khó tuyển lao động phổ thông

Từ đầu năm 2009 đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội nhận được yêu cầu tuyển dụng 70.000 lao động trong đó có 35.400 lao động phổ thông nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 1.700 lao động. Trong phiên giao dịch việc làm kỳ 2 tháng 9 vừa qua, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là 1.648 lao động nhưng kết thúc phiên chỉ tuyển dụng được 202 lao động. Tại phiên giao dịch việc làm, các bàn tuyển dụng lao động phổ thông vắng hơn cả bởi rất ít ứng viên đến tìm việc.

Đại diện của Công ty phụ tùng xe máy ô tô Goshi - Thăng Long cho biết, các phiên giao dịch việc làm gần đây, công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân. Yêu cầu đối với ứng viên chỉ là tốt nghiệp THPT, tuổi đời từ 18 - 25. Nhưng kết quả phiên giao dịch kỳ 1 tháng 9 tuyển được 8 công nhân, phiên giao dịch kỳ 2 ngày 20.9 vừa qua chỉ tuyển được 3 công nhân.

Công ty cổ phần ô tô - xe máy Hà Nội cũng tham gia phiên giao dịch nhưng cả buổi chỉ có 2 hồ sơ đăng ký tuyển dụng. Cán bộ phòng nhân sự - hành chính của Công ty cổ phần ô tô - xe máy Hà Nội Phạm Thị Hà cho biết, Công ty không yêu cầu cao, chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc tuyển lao động phổ thông đang là bài toán khó giải của doanh nghiệp từ nhiều tháng nay.

Theo khảo sát của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, mỗi phiên giao dịch việc làm có khoảng 3.000 người tham gia, trong đó có tỷ lệ khá cao là lao động phổ thông. Số lượng lớn lao động  phổ thông có mặt tại phiên giao dịch đến từ các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận, ở độ tuổi 18 - 25, phần đông đã có việc làm nhưng vẫn luôn tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn. Lực lượng này khá đông đảo, làm việc chăm chỉ, chịu khó, nhưng hầu hết chưa qua đào tạo, tay nghề, kỹ năng làm việc chưa có. Do khó khăn trong đời sống nên thường có tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ", sẵn sàng phá bỏ hợp đồng nếu có công việc mới thu nhập, chế độ cao hơn.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh, từ đầu năm 2009 đến nay, Trung tâm chỉ tuyển được 4% lao động phổ thông so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhưng qua tình hình đăng ký hồ sơ tuyển dụng lao động phổ thông qua các phiên giao dịch từ đầu năm đến nay thì việc tuyển lao động phổ thông xem ra rất khó.

Lương thấp, công việc lại vất vả

Thực tế là lực lượng lao động phổ thông hiện nay có xu hướng không thích hoặc không chịu làm những việc phổ thông nặng nhọc, cường độ cao. Anh Nguyễn Văn Nam ở Sóc Sơn, Hà Nội cho biết vừa nộp đơn xin vào một công ty xây dựng, công việc rất nặng nhọc nên đến phiên giao dịch này để tìm kiếm cơ hội mới nhưng không được vì ở đâu cũng thế, lương thấp mà công việc vất vả.

Có mặt tại phiên giao dịch việc làm kỳ 2 tháng 9 tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, hầu hết các ứng viên tìm việc lao động phổ thông cho rằng mức lương các nhà tuyển dụng đưa ra là quá thấp so với mức sống hiện tại ở thành phố. Đó cũng là nguyên nhân chính  khiến nhiều ứng viên không mặn mà với các công việc vừa tìm được.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng không chắc chắn bảo đảm được việc xây nhà lưu trú, hỗ trợ tiền trọ, chi phí, phương tiện đi lại…  khiến cho ứng viên không mấy mặn mà với lời mời tuyển dụng lao động phổ thông của các công ty. Nhiều doanh nghiệp đưa ra chế độ đãi ngộ tốt thì công nhân lại lo sợ nhà tuyển dụng không giữ đúng lời hứa.

Nhiều lao động nằm trong đợt cắt giảm công nhân năm 2008 đã chọn con đường buôn bán, hay trở về quê làm ruộng thay vì quay lại công ty cũ khi được gọi trở lại.

Cần lấy lại niềm tin

Hiện nay, doanh nghiệp sau khi có đơn hàng trở lại đã không còn đủ công nhân để thực hiện, gọi trở lại những công nhân bị cắt giảm còn khó hơn tuyển công nhân mới. Sau đợt cắt giảm lao động vừa qua, nhiều lao động không trở lại thành phố làm việc. Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh cho rằng, trước đây, khi chưa khủng hoảng kinh tế, người lao động rất háo hức khi được tuyển vào làm việc tại những doanh nghiệp. Chỉ sau khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân công năm 2008 mới khiến người lao động có tâm lý không mặn mà với công việc phổ thông.

Bên cạnh đó, tâm lý người lao động không coi những công việc phổ thông là những việc lâu dài, ổn định nên ít chịu khó đầu tư rèn luyện kỹ năng, mà chỉ coi đó là những việc tạm thời, khi nào có cơ hội sẽ chuyển sang nghề khác. Trước tình hình hiện nay, để  tuyển được lao động phổ thông cần phải có những chính sách ưu đãi từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có những chính sách lao động hợp lý, hấp dẫn để thu hút người lao động. Chỉ khi nào các chính sách đối với lao động hợp lý thì khi đó người lao động mới yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Dương Công Thọ