Sự kiện lớn tại một hội nghị nhỏ

Minh Trang 15/09/2009 00:00

Nguyên thủ 4 quốc gia gồm Nga, Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan vừa tổ chức hội nghị tại Aktau, một thành phố bên bờ biển Caspi của Kazakhstan. Cuộc họp không chính thức và không được tuyên truyền rùm beng nhưng lại có một nội hàm đặc biệt quan trọng: Phân chia quyền lợi dầu mỏ và khí đốt có trữ lượng khổng lồ. Hội nghị còn đặt tiền đề cho sự ra đời của một khối kinh tế khu vực có thể tạo được ảnh hưởng vượt xa biên giới các nước thành viên.

Hội nghị về vấn đề biên giới và hợp tác khu vực - theo xác nhận của đại sứ Kazakhstan tại Azerbaijan - không có sự tham gia của Iran, quốc gia giáp biển Caspi và sở hữu một vùng đặc quyền không nhỏ, nhưng lại đi đúng hướng mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã vạch ra từ năm ngoái về hình thành Tổ chức Hợp tác Kinh tế Caspi (CECO). Iran đã rất giận việc họ bị ra rìa, nhưng 4 quốc gia còn lại có cái lý của họ. Những nước có mặt tại Aktau muốn giải quyết những vấn đề chung dễ nói do lịch sử để lại từ thời Xô Viết trước khi hội nghị chính thức được tổ chức ở Baku (Azerbaijan) trong thời gian tới. Khi đó, đương nhiên Iran sẽ được mời tham dự. Nhưng vấn đề Iran không được mời dự không phải là trọng tâm nội dung được thảo luận ở Aktau.

Mặc dù hội nghị không có chương trình cụ thể và cũng vì không có tuyên bố chung nên không thể biết đầy đủ những gì đã được thảo luận. Nhưng chắc chắn, ý tưởng thành lập CECO là một nội dung quan trọng. Ý tưởng về CECO được đưa ra từ tháng 10 năm ngoái và ban đầu khá được chú ý, tuy nhiên sau đó nó không được nhắc đến. Mãi đến tháng 8 vừa rồi, CECO mới được “tái sinh”. Nga rất muốn triển khai CECO vì lợi ích của mình, nhưng với các nước khác cái lợi luôn đi kèm những lợi ích  mà họ đang theo đuổi. CECO không làm Nga mất bớt phần diện tích trên biển Caspi mà họ đang được hưởng. CECO cũng đảm bảo cho Azerbaijan và Kazakhstan giữ nguyên được vùng biển mà họ đang quản lý được phân định bằng một đường trung tuyến. Turkmenistan lại muốn lấy một phương thức xác định mỏ dầu hay khí nằm gần bờ biển nước nào nhất thì nước đó sở hữu. Trữ lượng đổ dồn về vùng đặc quyền biển của Turkmenistan là cơ sở cho giải pháp này. Tuy nhiên, Iran lại muốn phân định theo luật biển quốc tế được Liên Hiệp Quốc công nhận, giúp cho họ giữ được 20% diện tích mặt nước biển Caspi, bởi nếu theo cách tính của cả hai nhóm trên họ đều bị thiệt hại. Đó có thể là lý do tại sao Iran không được mời đến Aktau lần này. Tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbaev nói thẳng rằng, những nước có mặt ở Aktau đều là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) nên dễ bàn việc hơn nếu Iran không có mặt.

Việc phân chia nguồn lợi trên biển Caspi nảy sinh từ 12 năm trước nhưng chưa bao giờ các bên liên quan đạt được một thỏa thuận. Theo Rovshan Ibrahimov - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế Đại học Qavqaz (Azerbaijan), CECO là khuôn khổ hợp lý nhất để các quốc gia dứt điểm được quyền sở hữu của họ. Bởi vậy, nhiều người cho rằng cơ hội để thành lập CECO là rất lớn, dù cho nhiều cơ sở pháp lý vẫn còn chưa được rõ ràng. CECO còn là khuôn khổ giúp Nga hàn gắn quan hệ với Azerbaijan và Turkmenistan, hai quốc gia đến nay chẳng mặn mà gì với các tổ chức đa phương trong không gian CIS mà Nga có vai trò chủ đạo. Nhưng thực ra, với hai nước này CECO cũng là một sự lựa chọn không mấy thú vị. Theo giới phân tích, CECO là cơ sở mà Nga có thể gây trở ngại cho các dự án đường ống năng lượng mà Azerbaijan và Turkmenistan đang được phương Tây ve vãn. Một khi đã tham gia CECO, bất kỳ một hệ thống nào đi ngang qua biển Caspi (chẳng hạn như hệ thống Nabucco được Mỹ và EU ủng hộ) sẽ đòi hỏi phải có sự tham vấn các nước thành viên. Còn nếu xây dựng một hệ thống đi quanh bờ biển Caspi thì Nga càng đặt được một trạm kiểm soát hiệu quả trước khi dầu hay khí đốt có thể tới được phần còn lại của châu âu. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi Nga thì sốt sắng với CECO, Azerbaijan và Turkmenistan thì khá thờ ơ, còn Iran thì lo ngại họ bị gạt ra ngoài lề.

Minh Trang