Du lịch các nước lưu vực sông MeKong: Tiềm năng nhiều, liên kết yếu
Các nước lưu vực sông MeKong có nhiều tiềm năng du lịch như: bản sắc văn hóa đa dạng, lịch sử lâu đời, nhiều thắng cảnh đẹp… Tuy vậy, lượng khách tới khu vực này còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, do sản phẩm du lịch các nước có tính cạnh tranh không cao, công tác xúc tiến, quảng bá còn yếu và đặc biệt là thiếu sự liên kết.

Tiềm năng về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên... của các nước ở lưu vực sông MeKong, đặc biệt là của Việt Nam, Lào, Campuchia có nhiều nét tương đồng. Nhưng cũng chính điều này tạo ra những sản phẩm du lịch na ná nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách. Tại hội thảo Du lịch các nước sông MeKong diễn ra mới đây, các chuyên gia du lịch nhận xét: sản phẩm du lịch của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia có tính cạnh tranh không cao và chưa hấp dẫn. Du lịch chỉ phát triển bền vững khi các quốc gia tập trung khai thác những nét đặc trưng, riêng có của mình và liên kết các sản phẩm tương đồng, là thế mạnh chung của khu vực, biến 3 nước thành một điểm đến hấp dẫn. Cụ thể, Việt Nam, Lào, Campuchia cần có những cuộc khảo sát tiềm năng du lịch ở các địa phương trong cả 3 nước. Qua đó, thiết kế các tour liên quốc gia như: du lịch khám phá đền chùa, các di sản văn hóa... với các điểm đến vừa có sự tương đồng, vừa khác biệt.
Để thu hút du khách đến với các tour liên quốc gia này, 3 nước cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo Giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách marketing Công ty Japan Tourism Marketing, Masato Takamatsu, đây là một trong những vấn đề mà các nước lưu vực sông MeKong còn hạn chế, khiến du lịch khu vực này không được biết tới rộng rãi trên thị trường thế giới. Ví dụ, ở Việt Nam chỉ có một số thành phố như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hội An được quảng bá mạnh mẽ, các điểm đến khác chưa được để ý tới. Trong khi Lào lại chưa giới thiệu nhiều hình ảnh về mình. Tại một số thị trường, cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chưa có trung tâm xúc tiến du lịch, khai thác tour...

Trong chiến lược phát triển du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá cần được chú trọng, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 quốc gia nhằm đạt hiệu quả cao hơn, giới thiệu được hình ảnh Việt Nam, Lào, Campuchia tới các thị trường. Hoạt động xúc tiến du lịch có thể được tiến hành bằng nhiều hình thức như: thành lập các trung tâm xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm; lập website; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; lập quan hệ với các hãng lữ hành, khai thác tour, giới truyền thông của thị trường du lịch...
Về liên kết xúc tiến du lịch - vấn đề cốt lõi để phát triển du lịch khu vực, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Saigontourist Võ Anh Tài cho biết: “Saigontourist không chỉ xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam mà còn quảng bá cho du lịch Lào và Campuchia đến với các thị trường nguồn. Các chương trình tour kết hợp Việt Nam - Lào - Campuchia, Campuchia - Việt Nam, hay Lào - Việt Nam luôn hiện diện trong các sách quảng cáo, trang web, cũng như các tour chào hàng... của công ty tới người khai thác tour ở các thị trường du lịch”. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, ngành du lịch 3 nước nên làm theo cách này, cùng đẩy mạnh quảng bá cho thương hiệu “3 quốc gia, một điểm đến”, bởi quảng bá cho các nước trong khu vực cũng là cách giới thiệu hấp dẫn về du lịch của nước mình.


Ngoài ra, để du lịch trở thành hoạt động chuyên nghiệp, các nước lưu vực sông MeKong cần hợp tác trong đào tạo nghiệp vụ du lịch; xây dựng tiêu chuẩn đối với kỹ năng nghề du lịch và khách sạn. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cửa khẩu quốc tế đường bộ, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, cũng là một trong những biện pháp thu hút du khách quốc tế đến khu vực. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, 3 nước cần ưu tiên cho du khách như: ưu tiên về hàng không với du khách bay 2-3 chặng liên tiếp, tạo sự thuận lợi về thủ tục nhập cảnh khi di chuyển giữa 3 nước... giảm phiền hà, tăng sức hút với khách du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia.