“Ánh dương” nhạt dần

Minh Trang 25/08/2009 00:00

Cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã dành trọn sự nghiệp chính trị của mình kể từ khi lên nắm quyền năm 1998 để hàn gắn mối quan hệ hai miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng dành những năm cuối cuộc đời kể từ khi hết nhiệm kỳ năm 2003 để giúp người dân hai miền có thêm cơ hội xích lại gần nhau. Những nỗ lực đó gắn liền với chính sách “Ánh dương” từng giúp ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2000 và nay vẫn là di sản mà nhiều người có hy vọng tiếp nối. Nhưng cơ hội và cả tham vọng về một “Ánh dương” mới đang có vẻ nhạt dần.

Trên giường bệnh trong những ngày cuối cùng, sức khỏe của vị cựu Tổng thống vẫn được hâm nóng bởi “Ánh dương” khi ông chưa một lần từ bỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp nối đoạn kết mà người tiền nhiệm Bill Clinton để lại cuối năm 2000. Đó là mở ra những cơ hội bù đắp cho CHDCND Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Chỉ vài ngày trước khi nhập viện rồi ra đi mãi mãi, ông Kim Dae-jung vẫn không quên được ai là người đã làm lụi làn “Ánh dương” mà ông dày công vun đắp khi chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush, dù cho trong những năm cuối nhiệm kỳ ông Bush thực sự đã khơi gợi lại được phần nào tinh thần di sản của ông Kim bằng việc đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, cam kết hỗ trợ kinh tế để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy tháp làm giàu uranium... Tuy nhiên, hy vọng ở nhiệm kỳ của ông Obama cứ ngỡ tưởng sẽ sáng sủa hơn thì bỗng chốc lại mờ mịt. Ông Obama chỉ dành lời ca ngợi cố Tổng thống Kim đã đóng vai trò trọng yếu trong việc hình thành và phát triển nền dân chủ năng động của Hàn Quốc, tức là phần đời của ông Kim trước năm 1998 và dường như cố tình lờ đi thành quả “Ánh dương” của ông. Chỉ có cựu Tổng thống Clinton là gợi lại được những gì mà ông cũng có phần đóng góp khi còn làm Tổng thống Mỹ. Chỉ có ông Clinton đả động đến chính sách “Ánh dương” đến nay vẫn còn có thể đem đến hy vọng xây dựng hòa bình lâu dài. Ông Clinton cùng vợ là Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm Hillary Clinton đã “tưởng nhớ người bạn tốt” khiến người ta ngầm hiểu rằng ông Clinton muốn bà  phải cùng với mình đứng ở đâu đó gần “Ánh dương” cho dù bà có muốn hay không. Nhưng guồng máy ngoại giao Mỹ dưới thời bà Clinton làm Ngoại trưởng đang tìm cách xiết chặt vòng vây cấm vận nhằm vào Triều Tiên.

Phát biểu tại Câu lạc bộ báo chí quốc tế ở Seoul hồi đầu năm, ông Kim đã gửi một thông điệp đến tân Tổng thống Mỹ Barack Obama, liệt kê ra 3 con đường song song để hòa giải với Triều Tiên: bảo đảm không xâm phạm an ninh của Triều Tiên; trợ giúp hòa nhập nền kinh tế thế giới; cam kết bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Chỉ có 3 con đường này mới bắt buộc được Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, chương trình tên lửa tầm xa và tiến tới xây dựng cơ chế hòa bình lâu bền trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng từ đó đến nay, chính quyền Tổng thống Obama đã luôn né tránh một câu trả lời trực tiếp. Tất cả chỉ là những phản ứng thắt chặt cấm vận, đặc biệt sau lần thử tên lửa tầm xa ngày 5.4 và thử thiết bị hạt nhân dưới lòng đất ngày 25.5 của Triều Tiên.

Chính sách “Ánh dương” tiếp tục được thực hiện trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun bằng việc hàng trăm triệu tấn lương thực, phân bón tiếp tục được chuyển sang hỗ trợ người dân triều Tiên và những thỏa thuận sơ bộ về cam kết vốn đầu tư phát triển lại hạ tầng giao thông của Triều Tiên. Nhưng chẳng những không dứt điểm được bất cứ một nhiệm vụ dở dang nào, nỗ lực thực thi của ông Roh Moo-hyun ngày một rơi vào ngõ cụt và người dân Hàn Quốc bắt đầu thấy mệt mỏi với những dòng vốn đổ sang Triều Tiên như vào chỗ trống. Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền cuối năm 2007 đã thắt chặt lại những sự hỗ trợ kinh tế này và đem đến cho ông chỉ trích từ phía Triều Tiên, chẳng hạn như việc bị gọi là “kẻ phản bội”. “Ánh dương” đã nhuốm màu sắc của ánh chiều tà từ thời điểm đó.

Theo Asia Times

Minh Trang