Đồng nội tệ tăng giá đe dọa các nền kinh tế châu Á

Bình Minh 16/08/2009 00:00

Các số liệu thống kê do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố đầu tuần qua cho thấy kinh tế châu Á nhiều khả năng sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay sớm hơn dự đoán, khi các nền kinh tế chủ chốt như Trung Quốc hay Hàn Quốc đột ngột tăng trưởng mạnh trở lại nhờ các gói cứu trợ của chính phủ. Tuy nhiên, những số liệu khả quan này không hẳn đã là tín hiệu đáng mừng, bởi nó làm tăng tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế châu Á so với đồng USD và điều này tác động xấu đến các nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khu vực.

Luồng vốn đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán ở Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đang góp phần làm tăng giá trị đồng tiền của các nền kinh tế vốn được mệnh danh là “rồng” và “hổ” trong khu vực. Tại Hàn Quốc, đồng won đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10.2008 sau khi những số liệu mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á này đang lấy lại thăng bằng. Sau một thời gian dài trượt giá mạnh kể từ tháng 3.2009, đồng won liên tục tăng giá bất chấp Chính phủ Hàn Quốc “bơm” hàng tỷ USD cho ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế Hàn Quốc chủ yếu phụ thuộc vào các tập đoàn lớn và nguồn tín dụng kích thích tăng trưởng của chính phủ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp 90% việc làm cho nền kinh tế, vẫn đứng trước nhiều rủi ro trước sự tăng giá của đồng nội tệ. Một chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho rằng, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ phải can thiệp để tăng dự trữ ngoại tệ, vốn đã giảm 11% kể từ tháng 10.2008, và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm hạ giá đồng won cũng như khuyến khích xuất khẩu.

Tại Đài Loan, thị trường chứng khoán đang thu hút các luồng vốn nước ngoài đổ về với hy vọng nền kinh tế này sẽ được lợi từ sự cải thiện quan hệ với Trung Quốc Đại lục, làm đang gia tăng sức ép lên đồng dollar Đài Loan. Dự trữ ngoại tệ của Đài Loan tăng lên mức kỷ lục mới trong tháng 7.2009 cho thấy có thể ngân hàng Trung ương đã can thiệp khá mạnh vào thị trường ngoại hối nhằm giảm giá đồng tiền bản địa.

Quay ngược chiều kim đồng hồ về thời điểm đầu năm 2009, khi đó các nước châu Á đồng loạt đẩy nhanh chiến dịch giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong cơn bão tài chính. Cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từâ Mỹ và lan rộng khắp toàn cầu buộc hầu hết các nước phải thắt chặt hầu bao, khiến xuất khẩu của nhiều nước châu Á gặp khó khăn và đồng tiền bản địa bị mất giá nghiêm trọng, trong đó có đồng Nhân dân tệ (NDT). Tuy nhiên, không ít các nền kinh tế ở châu Á đã tận dụng cơ hội này để “nổ phát súng” cho chiến dịch làm mất giá ngoại tệ nhằm bảo vệ xuất khẩu, mà điển hình là Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng won mất giá đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Hàn Quốc, bằng chứng là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nước này như tivi, đồ bán dẫn, điện thoại di dộng, màn hình tinh thể lỏng, ôtô,... vẫn chiếm ưu thế trên thị trường thế giới. Chính phủ và giới thương nhân Nhật Bản cũng muốn hạ giá đồng yên để thúc đẩy xuất khẩu sau khi ngành này chứng kiến sự giảm sút xấp xỉ 14% trong quý IV.2008, mức thấp nhất trong lịch sử. Các nền kinh tế nhỏ hơn như Đài Loan, Indonesia và Malaysia cũng không đứng ngoài cuộc chạy đua “phá giá tiền tệ” nhằm giành giật thị trường, giảm bớt gánh nặng đối với khu vực xuất khẩu đang chao đảo trong cơn lốc suy thoái kinh tế.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nước châu Á đi lên bằng con đường công nghiệp hóa và xuất khẩu, do đó các nền kinh tế khu vực này luôn áp dụng chính sách giữ đồng nội tệ không tăng giá, coi đó là “tiêu chuẩn vàng” để phản ứng với khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, tốc độ tăng trưởng GDP (đã điều chỉnh) của các nền kinh tế châu Á, không kể Nhật Bản, sẽ tăng 5,6% trong năm nay và 8,6% trong năm tới, chủ yếu dựa vào sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 9,4% và 11,9% trong năm 2009 và 2010.

Sẽ là vội vã nếu kết luận kinh tế châu Á, cụ thể hơn là các nền kinh tế mới nổi, đang thoát khỏi khủng hoảng nếu chỉ dựa vào những con số vĩ mô cao bất ngờ hay những dự báo tăng trưởng vì những thông tin này chưa tính đến những rủi ro của chính sách tiền tệ. Do lãi suất tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong một thời gian nên châu Á cũng sẽ phải đối mặt với thực tế này.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của châu Á đang ngày càng ít phụ thuộc vào các nền kinh tế phát triển và do đó chính sách tiền tệ cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với tốc độ tăng trưởng của khu vực.

Bình Minh