Tranh luận xưa, cái kết có hậu nay

Nguyễn Huy Thắng 13/08/2009 00:00

Năm nay vừa tròn 100 năm sinh nhà văn, nhà phê bình văn học Hoài Thanh (1909-1982), người từng được coi là chủ soái của phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Năm nay cũng vừa tròn 70 năm khép lại cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” (1935-1939).

Năm 1935, trên Tiểu thuyết thứ bẩy xuất hiện bài viết Hai cái quan niệm văn học và nghệ thuật với đời người của Thiếu Sơn. Lập tức, có bài của Hải Triều phản bác quan niệm của tác giả này. Tiếp đến, Hải Triều lại tranh luận với Thiếu Sơn quanh việc phê bình tác phẩm Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Hải Triều là nhà lý luận và phê bình văn nghệ theo quan điểm mácxít rất nhiệt thành. Trước đó, năm 1933, trên báo Đông phương ông đã có cuộc bút chiến với Phan Khôi, đả phá quan điểm của ông này mà ông gọi là duy tâm, gây nên cuộc tranh luận “duy tâm hay duy vật” khá sôi nổi.

Tập truyện ngắn Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan ra đời năm 1935 là một sự kiện được bạn đọc hoan nghênh và thu hút được sự quan tâm của các nhà phê bình. Hải Triều thấy ở đó một tác phẩm thuộc về cái trào lưu “nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta, bởi vì đọc nó, độc giả “sẽ thấy trong xã hội một số đông người phải bán thân nuôi miệng, sẽ thấy những đứa bé cùng khốn quá, quyết ăn lường để chịu đấm, hoặc một giai cấp đủ ăn, đủ mặc chực mua cái cười vui bên cái sầu cái khổ của kẻ nghèo khó”. Với cách nhìn nhận đó, ông cho những quan niệm của Thiếu Sơn là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, và ông xướng lên hẳn một học thuyết “nghệ thuật vị nhân sinh” để chống lại. Một đội ngũ những người theo học thuyết này cũng được tập hợp xung quanh ông, với những tên tuổi như Hải Thanh, Hải Khách, Hồ Xanh, Lâm Mậu Quang, Phan Văn Dật, Phan Văn Hùm, Bùi Công Trừng, Cao Văn Chánh... Đến ngày 13.8.1935, trên báo Tràng An xuất bản ở Huế có bài của Hoài Thanh nói lại về tác phẩm Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Ông thấy sức hấp dẫn của cuốn sách ở chỗ khác: “Công chúng thích tập truyện ngắn Kép Tư Bền không phải thích xem những chuyện họ vốn thừa biết từ bao giờ mà thích những câu văn ngộ nghĩnh, có ý mà Nguyễn Công Hoan đã khéo lắp vào trong những cốt truyện không có gì. Người ta xem một quyển truyện chứ có phải một thiên phóng sự đâu?” Hoài Thanh đặt tiêu đề cho bài viết này của mình là Văn chương là văn chương, như để nói thẳng cái quan niệm văn chương của mình, và cũng để tỏ rõ sự thành thực của mình trước bài viết rất thẳng thắn của Hải Triều. Phe “nghệ thuật vị nhân sinh” liền kết thành một chiến tuyến chĩa mũi nhọn công kích Hoài Thanh, nâng ông lên thành chủ soái của cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật” để phê phán một cách nặng nề. Hoài Thanh một mình chống đỡ, trong khi Thiếu Sơn, người vô tình đã châm ngòi cho cuộc tranh luận này, lặng lẽ rút lui. Sau, với sự góp sức của Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều, ba ông lập thành văn phái Phương Đông để đối phó lại, song họ kiên quyết phản đối việc bị gán cho là chủ trương thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Hoài Thanh, chẳng hạn, ngay từ đầu đã phát biểu rằng: “Nói cho cùng, nghệ thuật nào mà chẳng vị nhân sinh, không vì cái sinh hoạt vật chất thì cũng vì cái sinh hoạt tinh thần của người ta” (Tràng An, 1.10.1935).

Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi trong hai năm 1935-36 và sẽ còn kéo dài đến năm 1939, nghĩa là suốt thời gian diễn ra phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Qua cuộc tranh luận, Hải Triều, cây bút trụ cột của phái “nghệ thuật vị nhân sinh” đã nêu lên những vấn đề quan trọng của lý luận văn nghệ mácxít: nguồn gốc xã hội, tính giai cấp của văn học nghệ thuật, văn học nghệ thuật phải là vũ khí đấu tranh cải tạo xã hội, vấn đề trách nhiệm của văn nghệ sỹ chân chính... Đồng thời, ông cũng kiên trì cổ vũ cho khuynh hướng văn học hiện thực, ca ngợi Kép Tư Bền như trên đã nói, ca ngợi tiểu thuyết Lầm than của Lan Khai, một tác phẩm “bênh vực cho giai cấp thợ thuyền”... ở một trong những bài cuối cùng của mình trong cuộc tranh luận – Thế nào là nội dung và hình thức một tác phẩm văn chương (Tao Đàn, số 6/1939) – Hoài Thanh cũng nhận thấy rằng có những đề tài cần chú ý hơn trong văn chương đương thời: “Hướng về bình dân để chống lại xu hướng quý phái, xu hướng phản tự nhiên từ trước đến nay. Hướng về bình dân là hướng về một thế giới mới mẻ, một kho tài liệu vô tận cho văn chương mà văn chương chưa dùng đến”...

Cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”, có thể nói, là một cuộc tranh luận thú vị và quan trọng nhất thời bấy giờ, nó đã chạm đến những vấn đề cơ bản của lý luận văn học, đồng thời khẳng định cho xu hướng tất yếu văn học phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc. Tuy nhiên, với trình độ và phương pháp lý luận lúc bấy giờ, đặc biệt là với thái độ phê phán có phần thái quá, cuộc tranh luận cũng có những hạn chế, mang tính phủ định hơn là dung nạp. Thực tế, phải đến thời kỳ đổi mới, nghĩa là sau nửa thế kỷ (tới nay là vừa đúng 70 năm), người ta mới có điều kiện nhìn nhận một cách thấu đáo, khách quan và cũng công bằng hơn luận điểm của mỗi bên (không phải cái tên, nhất là cái tên bị áp đặt “vị nghệ thuật”!) Hóa ra, cả Hải Triều và Hoài Thanh cùng có nhiều điểm đồng nhất với nhau. Nếu như Hải Triều nêu rõ khẩu hiệu “nghệ thuật vị dân sinh”, thì Hoài Thanh cũng từng nói: “Nhà văn là một người sống giữa xã hội, cố nhiên phải tùy sức mình làm hết phận sự đối với xã hội, tôi muốn nói nhà văn có lúc phải biết bênh vực kẻ yếu, chống lại cái sức mạnh của tiền tài, của súng đạn”, nhưng đồng thời ông cũng cảnh báo: “Ta nên nhớ rằng cầm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là vật quý có đâu được nhiều thế”. Nghĩa là, bên cạnh việc khẳng định sứ mệnh phục vụ dân sinh của nhà văn, ông còn, bằng sự mẫn cảm của mình, nêu lên một luận điểm: văn chương muốn gì thì gì, trước hết nó phải là nó đã. Văn chương mà bất thành văn chương thì có khoác cho nó bao nhiêu sứ mệnh, nhiệm vụ cũng thành vô ích!

Hải Triều đã đúng khi đưa ra các ý kiến tranh luận theo quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”, nhưng có lẽ do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, do sự hăng hái đấu tranh đã trở nên cực đoan và vô tình đẩy “đồng minh” sang bên kia chiến tuyến. Khi quy cho Hoài Thanh là người chủ xướng thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”, ông vô tình đã để người ta hiểu rằng Hoài Thanh làm thế là để phục vụ giai cấp giàu sang! Một cái tiếng mà Hoài Thanh đã phải mang suốt một thời gian dài, cho đến thời kỳ Đổi Mới.

Cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” đã đi vào lịch sử văn nghệ và học thuật nước nhà như một trong những cuộc tranh luận có tiếng vang nhất, và cũng để lại nhiều bài học nhất. Cả hai vị chủ soái – dù tự ý thức hay bất đắc dĩ – giờ đây đều là những tên tuổi đáng kính của nền văn học Việt Nam. Hai ông cùng được Giải thưởng Hồ Chí Minh trao cho những công trình chủ yếu của mình. Năm 2009 này vừa chẵn 70 năm ngày khép lại cuộc tranh luận, đồng thời cũng là tròn 100 năm sinh nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Trước những cột mốc quan trọng này, sự nghiệp và tác phẩm của ông đã được nhìn nhận lại với sự trân trọng, và quan trọng hơn, được sự đón nhận nồng hậu của công chúng. Cách đây ít năm, cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh (cùng đứng tên với Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều) lần đầu tiên được ra mắt bạn đọc. Cuốn sách tập hợp một số bài viết của các ông (mà chủ yếu do Hoài Thanh chấp bút) trong cuộc tranh luận, từng được xuất bản năm 1936 nhưng vừa ra đời đã bị chính quyền bảo hộ thu hồi, do khó có thể chấp nhận giọng điệu đả phá của tác giả. Năm 1999, nhờ sự nỗ lực của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện, cuốn sách đã được tìm ra và xuất bản sau 63 năm tưởng đã mất tích. Còn cuốn Thi nhân Việt Nam của ông (đứng tên chung với người em Hoài Chân) thì khỏi cần nói thêm bất cứ lời cổ xúy nào. Là tác phẩm tỏ rõ nhất luận điểm “văn chương trước hết phải là văn chương” của tác giả, cuốn sách cũng suốt một thời gian dài không được tái bản, phổ biến, hoặc có chăng chỉ được trích dẫn một số bài về một số nhà thơ dễ được chấp nhận hơn. Nhưng đến nay, Thi nhân Việt Nam không chỉ là một trong những cuốn sách văn học bán chạy nhất, mà còn trở thành một trong những tác phẩm ưu tú nhất của nền phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, dù các “thi nhân” được ông bàn đến thuộc trường phái, trào lưu, quan điểm nghệ thuật nào, miễn là có thơ hay theo đúng nghĩa của từ này.

Nguyễn Huy Thắng