Cái bướm tung tăng (Phần 1)
Truyện ngắn của Đoàn Ngọc Khánh

10/08/2009 00:00

Cái bướm tung tăng (Phần cuối)

05-Cai-buom-22209-300.jpg

Bướm! Nguyễn Thị Bướm, cái tên riêng mang nhiều màu sắc biểu cảm ấy là của cô ta. Và khởi đầu mọi chuyện chỉ là tình cờ, chứ không phải vì cô ta là người hàng xóm của Kha. Trưa ấy, nắng hanh vàng ánh như thoa mỡ gà, đang đạp xe từ trường học về, qua chợ, Kha bỗng thấy ở đuôi xe có một lực níu kéo. “Ôi, anh giáo! Anh chở giúp em bì gạo này về với nào!” Quay lại, chưa kịp hiểu đầu cuối, Kha đã nghe thấy một giọng nói ánh ỏi và nhận ra một gương mặt đàn bà quen quen với hàm răng ngọc trong một cái cười thật suồng sã: “Em là Bướm, vợ Lộc xích lô, ở xế cửa nhà anh đây mà!”

Những người chứng kiến cuộc tao ngộ đứng quanh cười ồ ồ như nước chảy. Chẳng phải vì cái cách nhờ vả, xưng danh vừa đường đột, vừa ngộ nghĩnh, hồn nhiên; mà còn vì chính cái tên Bướm của cô.

Bướm! Con bươm bướm! Cái giống côn trùng vũ hóa có vòng đời ngắn ngủi, chấp chới đôi cánh phấn sặc sỡ nét hoa văn kỳ ảo vẫn đang lượn vòng trong các câu ca dao cổ xưa, đưa mối liên tưởng của ta tới một hoang ảnh tròng trành. Cũng là một phóng dụ dồi dào sức biểu hiện, một mô phỏng hóm hỉnh cái vùng cám dỗ bí ẩn muôn đời đối với thế giới đàn ông. Đàn bà, con gái, ai lại lấy tên là Bướm. ấËy thế! Nhưng, chao ôi, chữ nghĩa vốn là cái cách quỷ biện của con người. Tên Bướm, ai dám nói không thoảng bay một làn hương thẩm mỹ lãng mạn! Cái bướm xinh xinh. Cái bướm tròng trành. Cái bướm tung tăng. Cái bướm chập chờn một ao ước.

Đột nhiên, từ một tình tiết vu vơ nào đó, chợt nhớ tới người phụ nữ nọ, Kha có cảm giác trong tâm trí bỗng phơ phất một sợi tơ vương vương.

Cái gì đã có khởi đầu thì sẽ có sự tiếp theo. Luật đời là vậy, nên chiều nay Kha lại có dịp tiếp xúc với người phụ nữ nọ. Hơi tiếc, lần tiếp xúc này là quá trớ trêu. Trớ trêu vì lúc Kha đang thiu thiu trong giấc ngủ trưa quen mắt của lớp trí thức xứ nóng đang mùa viêm nhiệt. Trớ trêu vì Bướm chủ động đẩy cửa và chạy xổ vào cùng tiếng kêu thất thanh, hốt hoảng.

 Trớ trêu hơn nữa là mở mắt, nhổm dậy, Kha liền nhận ra ngay người phụ nữ trẻ nọ với cái quần đen ướt rượt vừa ngồi sụp xuống ở chân giường mình. Bướm đang tắm dở. Tóc gút cao. Mình trần. Cái quần đen kéo cao hết mức, cặp chịt vào cặp vú mẩy mang, căng phồng. Và đôi cánh tay trần mịn màng tuyết nhụy sắc da, chống lại sự trần trụi, rét mướt, đang vắt chéo qua nhau, ôm lấy đôi bờ vai trắng nhẫy tròn đầy. Cả đời Kha, chưa bao giờ Kha nhìn thấy một tượng bán thân đàn bà gợi cảm, lạ lùng như thế!

- Anh ơi, anh cứu em với! Không em chết mất, anh ơi…

Trên gương mặt tròn trịa có đôi mắt lá răm tình tứ đang ậng nước, đôi môi bầu bậu đầy nhục cảm của Bướm khẽ nhếch, thoát ra một tiếng kêu thương đau, thật tội nghiệp!

Trong các bài văn Kha dạy đám học trò trung học, qua những tác phẩm văn học mà Kha đã học, chưa ở đâu Kha thấy một tình huống tương tự. Cũng như chưa bao giờ Kha lại có thể tưởng tượng ra được cảnh một lũ trẻ con hiếu động, tò mò, mất dạy, thông tường hết cả câu chuyện bí mật giữa đàn ông và đàn bà, đang bu bám và miệng reo hò không ngớt, ở trước cửa nhà Kha. Nhất là, sau chúng, lại có một gã đàn ông cao lớn, kềnh càng, mặt phừng phừng bia rượu. Vóc con nhà thổ mộc nặng nề, đầu trọc lốc, mắt ti hí, ngực xăm hình một con rồng cuộn cầm thanh củi gộc trỏ vào nhà Kha, gã nọ thét khài khài:

- Tiên sư con đĩ Bướm nhá! Mày trốn ông, hả! Ông giáo, em nhờ ông đuổi ló ra ngoài lày hộ em, để em ráo rục ló. Có vợ mà không dạy được vợ thì tao là con chó, hiểu chưa, Bướm!

Sợ hãi, Kha vội phắt xuống giường. Nhưng chưa biết đối phó thế nào, thật bất ngờ, Bướm đang ngồi ôm vai rền rĩ, bỗng phắt dậy, nhổ cái cọc màn ở giường Kha, xoay ngang thế thủ, hét dõng dạc:

- Bà đ. ra đấy! Mày có giỏi thì vào đây. Mày mà động đến bà thì mày ốm nặng đấy, con ạ.

- A! - Gã đàn ông gạt đám trẻ cản lối, quay ngang ngửa, phân bua: - Đấy, ông giáo xem. là con vợ tôi hay là một con đĩ? Xin phép ông giáo để tôi cho một bài học.

Trời! Thế này thì nguy tai cho Kha rồi. Thế này thì nhà cửa của Kha sẽ thành bãi chiến trường. Sẽ có kẻ sứt đầu mẻ trán, chưa chừng lại có cả án mạng xảy ra ở chỗ này cũng nên. Nghĩ vậy, nên Kha kinh hoàng vội nhao ra cửa, giang hai tay, định kéo hai cánh cửa ập vào để cản lối gã đàn ông chồng Bướm. Nhưng, một lần nữa Kha lại bị bất ngờ. Trong nhà, Bướm chẳng hề nao núng gọi là. Bướm bỏ cái cọc màn, nhặt con dao phay Kha để trên nóc chạn thức ăn, nhảy lên cái ghế đẩu, the thé:

- Tao thách mày đấy. Nào, vào đây! Tình nghĩa đ. gì mà mày có quyền hành tao. Mày đãi tao bát cháo lòng lúc tao đói, rồi mày dụ dỗ tao. Ví gì một bát cháo lòng, làm cho thiên hạ bỏ chồng theo giai. Vợ chồng gì mày! Chê thằng một chai tao lại vớ phải thằng hai lọ. Cái thằng long đà gãy ngõng kia! Cái thằng b. chấm gio kia! Mày đi với con nào thì mày lặn mẹ mày đi?! Không bà ba máu sáu cơn lên thì mày ăn bã trầu đấy, con ạ.

Ôi chao! Hóa ra Kha kinh sợ bằng thừa. Bởi vì, hóa ra, Lộc, gã chồng Bướm thấy Bướm hung hăng thế lại đâm ra chùn! Ra anh chàng anh hùng khí đoản, mặt đang đỏ hừng, bỗng tía tái, rồi há hốc mồm, cứng đơ lưỡi như đứa cấm khẩu, không dám tiến lên thêm một bước nào nữa! Yên bình thế là được vãn hồi!

Yên bình thế là được lập lại, chà!

Và căn nhà toócxi ọp ẹp của ông giáo Kha từ hôm đó bỗng được kiêm thêm chức năng miền đất tị nạn, là cửa Phật từ bi cho người cơ nhỡ nương náu, là vòm nhà thờ nước Chúa chở che cho con chiên lành qua mọi sự dữ.
Một lần, hai lần như thế, đâm ra quen lệ, nghĩa là hễ bị chồng gây chuyện hoặc giở trò vũ phu là Bướm lại ba chân bốn cẳng tọt ngay vào nhà ông giáo Kha. Tọt vào đây để thủ thân, để tự vệ, để công kích, chống trả cái thằng chồng lành thì lành thật, nhưng cục súc thì chẳng ai bằng, gần đây lại sinh ra nghiện rượu và rất sính số đề. Tửu sắc tương liên! Rượu vào là đòi đè vợ ra ngấu nghiến. Thua số đề cũng đòi đè vợ ra để giải đen, bất chấp cả ban ngày ban mặt. Không thỏa dục thỏa ý là uất tức gây sự, là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay liền. Tất nhiên, khi gây gổ đánh chửi vợ là y phải nói thác đi, rằng Bướm thế nọ, thế kia. Phần Bướm, Bướm cũng chẳng phải là loại đàn bà đớn hèn. Bướm là thành viên của đội quân thất nghiệp, chạy chợ kiếm sống lần hồi. Bướm đầy ắp kinh nghiệm ứng đáp. Bướm cũng dẻo mỏ lý sự, đáo để đốp chát chả kém ai. Đối địch thì địch lại đây, bên thừng, bên chão xem dây nào bền, ối chà!

Chỉ khổ cho Kha rơi vào tình thế khó xử!

Một lần, hai lần thì còn khả dĩ. Chứ Bướm cứ thường xuyên lấy nhà Kha làm nơi phòng thủ, chở che, thì dẫu Kha có được tiếng là ông giáo dạy giỏi và mô phạm cũng vẫn cứ bị người ta sinh nghi là cái chắc. Tình ngay ai biết, chứ còn lý gian thì nó rành rành! Thiên hạ đang thiếu gì kẻ rỗi hơi, lấy việc đặt điều dựng chuyện là thú vui cơm bữa hàng ngày. Chồng Bướm là đứa thất học, cũng nông nổi như bao người. Đã có bận y cầm thanh củi gộc trỏ vào nhà Kha, gầm: “Ông giáo mà còn chứa chấp ló, là em phóng hỏa, là em không có lể ông giáo đâu”. Là nó cảnh cáo, đã có ý nghi ngờ rồi đó.

Nhưng, chẳng lẽ vì nó đe loi, dọa dẫm mà Kha lại đẩy Bướm ra? Không! Phải, trái thế nào phân giải sau. Còn bây giờ, thấy người yếu nhược gặp hoạn nạn, là cứ phải dang tay cứu giúp cái đã. Huống hồ, ở đây, Bướm là nạn nhân mười phần cả mười rồi!

Kha đã xử sự như thế. Nhiều lần, Kha khép cửa để Bướm ở trong nhà, rồi quần áo tề chỉnh, đàng hoàng bước ra cửa, gặp chồng Bướm, lấy cái tư cách của một nhà giáo có uy tín mà khuyên giải y. Và y đã nghe ra. Cái thằng nóng là nóng xổi nóng thì. Nghe ra, y gãi đầu gãi cổ, rồi mặt bì ra ngây độn, cuối cùng gằm mặt quay đi. Để lát sau, Bướm rón rén mở cửa, len lén ra về. Và mặt nước một hồ thu vừa nổi cơn sóng gió đã khép kín êm ả.

Nhưng, đâu có phải lần nào mọi sự cũng êm chèo mát mái như thế. Thằng chồng Bướm giống như bao kẻ được xếp loại ở bậc thang cuối cùng của xã hội, vốn quen thói cố cùng, bất chấp. Y chẳng có gì để mất mà bảo phải giữ sĩ diện. Y khăng khăng không hạ cơn hỏa. Đứng trước nhà Kha, y giậm chân bèn bẹt, rồi cao giọng quát: “Thằng lào, con lào, dẫu là ông gì, bà gì, hễ cứ bênh che con Bướm thì tao riết! Ngắn hai rài một, tao chặt, rồi tao đi tù, tao đ. sợ”.

Những lúc ấy mới thấy cái đời này thật hỗn mang chi sơ! Cái đời này thật vô nghĩa lý. Và thân phận của cái anh tiểu trí thức trong đám chúng sinh xô bồ, hỗn tạp này, thật đến là bèo bọt. Ở cái xóm vốn là bãi rác này, thì ông giáo Kha, anh kỹ sư, vị bác sỹ, cũng có khác gì anh xích lô, ông thợ khóa, bà bún ốc, ông lão tào phớ!

Cái xóm mới lập tạp nham và thiếu hẳn một ngôn ngữ văn hóa chung. Và vợ chồng Bướm quả thật là một hiện tượng kỳ quái, khó hiểu, hàng ngày day dứt tâm trí Kha cùng mọi người. Người nói: tôi như cô Bướm, tôi bỏ quách thằng cha Lộc! Kẻ khác cười: kiếm đâu được đứa tốt tiền và cường tráng thế. Người bảo: Bướm sợ chồng như cọp. Kẻ dài giọng: khốn, cũng sư tử cái lắm kia. Người chê Bướm vụng thối vụng nát. Kẻ vận Ma y thần tướng véo von: “Gái nào chưa nói đã cười. Chưa đi đã chạy thật người gian dâm”. Người quả quyết Bướm yêu chồng lắm. Kẻ bĩu môi: chẳng qua là cái sự bất đắc dĩ. Cái sự bất đắc dĩ là thế nào? Nhiều người đồng thanh: chẳng qua đò nào sào ấy! Đố nào ngoàm ấy. Mà cọc cạch, so le gì thì tối lên giường cũng là bằng bặn tất!

Kha nghe mọi vang động, ngẩn ngơ buồn và tiêng tiếc thế nào. Tiếc thay hạt gạo tám xoan. Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà. Hoài cành mai cho cú nó đậu. Hoài hạt ngọc cho ngâu nó vầy. Cơm tám nước cà. Cành mai và con cú. Hạt ngọc và ngâu vầy. Mọi so sánh đều thiếu hẳn xúc cảm thật sự, so với việc mục sở thị, tận mắt nhìn thấy hàng ngày, chứng kiến sự tương phản đến gay gắt, đến phát uất lên được, ở cặp vợ chồng này. Họ đối nghịch nhau, từ các chi tiết sai biệt, xuất phát từ hai bản nguyên khác biệt nhau gần như hoàn toàn.

Bướm thuộc loại đàn bà đẹp; nhân hình, diện mạo không lộng lẫy, nhưng đôn hậu, oai vệ và sang trọng. Đẹp thăm thẳm một chiều sâu tâm hồn là cặp mắt có đôi nhãn cầu lớn, óng ánh màu mật ong. Rất sang là cái miệng cười hoa, phô hàm răng đẹp nuột nà, chuốt bóng. Miệng ấy, người ấy không phải là chủ nhân thật sự của thói ứng xử, lời đối đáp thô lậu, tục tằn. Người ấy tươi nhuần, thơm tho và cao quý. Người ấy lẽ nào lại trở thành trò cười của tạo hóa, lại bị ghép đôi, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với một gã đàn ông như Lộc.

Lộc to khệnh, đầu quả bưởi, chân chữ bát, sứt răng, tai quắt, hai mắt sít nhau, gương mặt âm u những tình cảm nhất thời tăm tối. Lộc là hung tính cộc cằn. Lộc là sản phẩm của cơn chấn động, tha hóa trở nên dị mọ, khốn cùng. Y say sưa tối ngày. Kể cả lúc đạp xe chở khách. Có bận y đưa khách xuống hố vôi, ruộng lầy. Tham ăn tục uống. Chửi càn, nói bậy. Đánh đập vợ, gây sự với đồng nghiệp là chuyện cơm bữa. Nhưng, kinh nhất là lúc y lành hiền, vui vẻ. Những lúc ấy, y ghếch một chân lên xe. Một chân đặt lên bàn đạp, y vừa gồng tít mù vừa vênh vếnh cái mặt đỏ rửng lấm chấm mấy nốt rỗ huê. Và hát rông rổng.

ấy là những phút y nổi cơn hứng dục. Y đạp xe về nhà. Rồi y lần ra chợ, kéo Bướm về. Bướm mà chống cự thì lại càng kích thích y. Y bế xốc Bướm lên. Cửa nhà đóng sập lại. Và giữa ban ngày ban mặt, lũ trẻ mất dạy, tinh quái trong xóm đi qua, ngó vào kẽ cửa, cười rinh rích. Rồi nhảy tâng tâng đi với bài hát thô tục ngày xửa ngày xưa: “Lộc cộc đuôi. Chó cắn mất b… Tha hồ mà chạy…”

Những lúc ấy, đang chấm bài hay đọc sách, Kha cũng đứng dậy khép cửa sổ, gài then cửa ra vào, dừng công việc, ngồi im trong bóng tối kinh hoàng.

(Số sau đăng hết)