Hoài Nhơn phát triển nuôi trồng thủy sản
Để tiếp tục phát huy lợi thế ngành nuôi trồng thủy sản, huyện Hoài Nhơn, Bình Định đã đề ra nhiều giải pháp như: đẩy mạnh quy hoạch, khai thác tốt tiềm năng đất đai, mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và từng bước mở rộng dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hoàn thành xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung và triển khai xây dựng khu chế biến thủy sản...

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc đầu tư nạo vét cửa biển, khơi sâu luồng lạch, huyện Hoài Nhơn, Bình Định đã thu hút được lượng lớn tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn và hàng trăm tàu thuyền từ các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà đến trú ngụ và hành nghề tại cửa biển Tam Quan. Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện trên địa bàn có 48 cơ sở mua bán ngư cụ, thiết bị, dầu, lương thực thực phẩm, đá lạnh, gas và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu phục vụ tàu thuyền đánh bắt. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thuỷ sản này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 34.000 lao động.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, giá trị nuôi trồng và sản lượng thuỷ sản của Hoài Nhơn bị giảm sút: diện tích tôm bị bệnh khá lớn với 44,27ha, trong đó có 40,86 ha bị sốc nước ngọt do lũ; giá trị thu hoạch cũng giảm 1,1 tấn/ha so cùng kỳ năm trước... Nguyên nhân là do việc đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, thuỷ lợi, giao thông để phục vụ nuôi trồng thuỷ sản của huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, năng suất và hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản thời gian gần đây cũng thiếu ổn định do một số hộ dân đã tự ý lấn chiếm, xây dựng hồ tôm trái phép; sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản không bảo đảm vệ sinh an toàn dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh kéo dài. Hoài Nhơn cũng chưa kịp thời xử lý nghiêm tình trạng các hộ nuôi thuỷ sản tự phát xây dựng hồ nuôi tôm trên cát; chưa khai thác đúng mức tiềm năng đất đai, mặt nước ở một số vùng ngập úng dọc sông Xưởng, đầm bàu và hạ lưu các hồ chứa nước để nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt gắn với chế biến, xuất khẩu để nâng cao hiệu quả sản xuất...
Để tiếp tục phát huy lợi thế ngành nuôi trồng thủy sản, khắc phục những tồn tại trên, Hoài Nhơn đã đề ra nhiều giải pháp: đẩy mạnh quy hoạch, khai thác tốt tiềm năng đất đai, mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và từng bước mở rộng dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hoàn thành xây dựng khu chế biến thủy sản tập trung và triển khai xây dựng khu chế biến thủy sản. Thời gian qua, huyện đã tiến hành đa dạng hóa giống nuôi và hình thức nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và mở rộng thị trường tiêu thụ; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, hệ thống điện cung cấp bảo đảm cho các vùng nuôi tôm thâm canh ở các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải, Tam Quan Bắc. Các ngành chức năng cũng đã tăng cường tuyên truyền vận động ngư dân nuôi tôm một vụ chính để hạn chế dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành mục tiêu năng suất tôm nuôi đạt bình quân 2,5 tấn/ha/vụ, trong đó vùng nuôi thâm canh đạt 4 tấn/ha/vụ trở lên. Đối với các vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển sang mô hình nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn như nuôi cá rô phi đơn tính, cua, ghẹ, cá măng, cá mú, hàu, ốc hương... hoặc nuôi xen tôm mật độ thưa, đáp ứng nhu cầu thực phẩm nội địa, nâng cao giá trị sản xuất; đồng thời tổ chức sản xuất tôm giống trên địa bàn để chủ động nguồn giống phục vụ người nuôi tôm địa phương và tiêu thụ các tỉnh lân cận. Mặt khác, trên cơ sở các trại giống hiện có, khuyến khích các chủ hộ phát triển quy mô, ứng dụng công nghệ kỹ thuật nuôi tiên tiến để bảo đảm tôm giống có chất lượng. Để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, huyện còn đầu tư xây dựng và phát triển các tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản làm nền tảng cho việc thực hiện chương trình quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung chỉ đạo và quản lý tốt việc nuôi trồng thủy sản của các hộ nuôi, bảo đảm 100% giống thủy sản phải được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Ngoài ra, huyện còn chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản bằng cách thường xuyên kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất tôm giống, mua, bán thuốc thú y, thức ăn nhằm bảo đảm nuôi trồng thủy sản phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao.