Chị Thiên của tôi (Phần cuối)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

08/07/2009 00:00

Chị Thiên của tôi (Phần 1)

Chẳng kịp ăn cơm, chị Thiên tôi lăn ra ngủ một mạch cho tới tận chín giờ sáng hôm sau. Tôi đánh thức chị, nấu cháo tim gan cho chị ăn. Chị vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon, tưởng như chưa bao giờ được ăn như thế. Ăn xong chị đặt bát xuống, thở phào:

- Suýt chết, Cúc ạ!

- Chuyện thế nào?

- Công đoạn đầu, trăm thằng đàn ông như nhau cả trăm. Vào nhà cái là đóng cửa, khóa trái lại. Có lẽ nó tưởng mình là điếm, nên xông ngay lại ôm riết rồi lần sờ, cởi gỡ. Tao đẩy ra, trừng mắt quát: “Mở cửa ra!” Lão mở cửa xin lỗi là do thói quen thầy thuốc cần kín đáo. Đã định bỏ đi ngay nhưng lại nghĩ: cứ tạm tha cho cái thói đểu giả của thằng đàn ông trong lão, ở lại xem lão là người thế nào!

- Chị ghê thật đấy! Em ấy à...

- Thì cứ thử xem thế nào, mất gì. Tao ngồi chơi, phát hiện ra ngay mấy điều lạ. Thứ nhất, bộ ấm chén cọc cạch. Chén năm cái thì năm kiểu. Cái không gãy quai thì sứt sẹo, rạn nứt. Thứ hai là các ô kính cửa sổ thì chẳng còn cái nào nguyên vẹn. Không vỡ hết thì chỉ còn một mảnh. Chấn song sắt cũng thế, cái nào không bị đập vênh vẹo thì cũng bị bẻ cong. Hỏi thì hóa ra vợ lão mới ở nhà quê lên cùng với một lũ con trai lộc ngộc chục đứa vừa là cháu chắt trong họ, vừa là bọn đâm thuê chém mướn bên ngoài. Mụ vợ đập cửa, lọt được vào nhà, thấy cái gì đập phá được là đập phá bằng hết. Trong khi lũ con trai bên ngoài cứ xà beng bẩy, thúc, gạch đá ném vào rào rào.

- Khiếp quá!

- Theo hàng xóm kể thì mụ vợ lão Tácta vô cùng. Năm nào mụ cũng lên đây vài lần, nói là để phá cho sướng. Năm ngoái, mụ lên đây ở hai tháng. Hàng xóm có mười gia đình thì mụ cãi nhau đến mười một. Chẳng ngày nào mụ không gây sự với chồng. Nhẹ thì cãi nhau, nặng thì đáp đá, vác dao, vác gậy, rồi lu loa: nó, cái thằng mặt chó lừa thầy phản bạn, dối trên lừa dưới, bội tình vợ con, bác sĩ phụ khoa gì nó, nó chỉ rình đàn bà hở ra là đè sấn lên, nó định đầu độc tôi, nó bóp cổ tôi, các ông các bà ạ!

Thở dốc một hồi, chị tôi tiếp:

- Biết chẳng giấu được tao nữa, lão vẫn khoe: đợt này, có đến sáu tháng nay không thấy mụ ấy lên rồi, xem chừng như thế là có vẻ êm, em ạ. Rồi xắn tay áo hùng hổ. Lần này mụ ấy lên anh sẽ cho mụ biết tay. Ra cái điều lắm. Thấy thế tao hỏi: “Thế ví dụ tôi lấy anh, mụ ấy sẽ nhân đấy làm ầm lên, rằng vì tôi mà anh phụ tình mụ, và mụ thuê nặc nô đánh đập tôi, tạt axít vào tôi thì sao?” Mày có biết lão trả lời thế nào không? Lão gãi đầu: “Ừ, cũng có thể là như thế lắm! Có thể là như thế lắm!” Ôi, Trời ơi là Trời! Người ơi là người!

*

Ôi, Trời ơi là Trời! Người ơi là người! Nào đâu có phải là gái già khó tính nết. Cũng chẳng phải chị tôi là người kiêu kỳ bắc bậc, quai xanh vành chảo. Thời gian có bao lăm nữa đâu mà còn đà đận tính toán!

Ôi, Trời ơi là Trời! Người ơi là người! Người đi đâu hết, mà còn lại không mặt hùm da beo thì mặt cú da lươn, hết tướng hầu, lại mắt sâu râu rậm. Rặt các vị không tiên nhiên thì hậu thiên bất túc. Người thì hợm của, keo cú. Kẻ thì ranh ma, quỷ quyệt. Người thì ngu si đần độn. Kẻ thì lố bịch, kệch cỡm. Điểm giống nhau là đều không biết ngượng ngùng, chỉ một thoáng đã mắt la mày lét, sấn sổ áp tới giở thói dâm cuồng!

Làm đàn bà khó thế?

Có được một tấm chồng với chị Thiên tôi sao khó quá thế!

Vậy thì, thôi nhé, xin hãy cho phép chị Thiên tôi giã từ tất cả nhu cầu tối thiểu cùng là các khát thèm cao quý và tí chút sương khói ái tình lãng mạn còn vương vất từ thủa xa xưa.

Chị Thiên tôi đóng chặt cánh cửa giao tiếp.

Chị Thiên tôi đóng cửa nằm nhà. Lương hưu vừa đủ ăn và đủ tiền thuê sách. Ngoài thì giờ chơi đùa, dạy bảo, trông nom hai đứa con giúp tôi, chị Thiên tôi chỉ còn một niềm vui với sách. Đầu giường chị chất ngất hết bộ chưởng này đến bộ trinh thám kia. Thiếp đi, trên tay vẫn còn cuốn sách mở. Ngủ rồi, cuốn truyện còn úp trên mặt lắm khi.

- Tại sao chúng mày không đọc sách chưởng của Kim Dung nhỉ? Thành kiến lão! Ông này tạo nên một dòng sách riêng. Nguyên điều ấy đã là vĩ đại rồi. Tất cả cuộc sống hiện lên qua câu chuyện võ hiệp của ông. Giá mà được sống trong một xã hội như trong sách ông miêu tả, chỉ lo trừ bạo, thắng tà, cố kết phe đảng, phù cái này diệt cái kia, chả phải lo ăn mặc gì cả thì cũng thích đấy nhỉ!

- Sau một giờ đọc sách trinh thám của Cônơn Đoilơ, tao thấy đầu óc mình sạch sẽ, thông minh hẳn lên. Ở trong sách, có một cuộc đời rất thú vị, chúng mày ạ.

Vợ chồng tôi và thằng Tồ cùng há hốc mồm nghe chị nói. Và cuối cùng thì chúng tôi nhận ra: À, còn một nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống được chắt lọc, có khả năng làm tâm hồn người ta yên tĩnh và giàu có lên, ấy là sách. Sách, cái đẹp vĩnh cửu, lâu bền. Sách, người bạn thân thiết, chung thủy của con người!

*

Yên tĩnh! Yên tĩnh! Ngày, giờ trườn đi êm ả.

Cho đến một hôm chị đang đọc sách, nghe thấy tôi cùng nhà tôi và thằng Tồ bàn chuyện sửa cái toalét trong nhà, chị bỗng đặt cuốn sách xuống, hạ một câu chẳng ăn nhập với câu chuyện đang bàn, rồi nhìn tôi, lóng lánh cả hai con mắt và cái nốt ruồi đón lệ.

Này, Cúc, cô có biết vì sao trong các vở chèo cổ, các nhân vật thường có cái quạt che mặt không? Đi diễn cả chục năm rồi tôi mới hiểu. Vì hai con mắt của hai bên trai gái một khi đã vào cuộc yêu đương thì có thể phát ra một luồng điện, ngày xưa hình dung như một sợi dây nối liền hai bên, có sức níu giật nhau lại. Dùng quạt, ngoài ý nghĩa đạo cụ, còn là để ngăn cái luồng điện khởi đầu ấy!

- Thế nghĩa là...

- Nghĩa là gì mà mày không hiểu à!

Chà! Tôi rên lên một tiếng nho nhỏ. Và sau này thì tôi hiểu, lời chị lúc ấy ánh xạ một tâm trạng và tôi đã sửng sốt vì một cái gì đó có quan hệ đến cuộc đời chị!

Hiển nhiên là một trong căn nhà hiện đại, toalét là một tiện nghi cần được coi trọng đặc biệt.

Một tốp thợ được gọi đến. Thợ cả là một anh chàng trạc ngũ tuần, tóc pha sương, mặt gãy, sống mũi cao, mắt xanh biếc, mình gầy lép, vẻ phong trần. Phụ giúp là hai gã trai thuê từ chợ người rất sẵn. Công việc diễn ra trong một tuần. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, ở nhà chỉ có chị Thiên tôi theo dõi công việc của tốp thợ. Sau công đoạn phá tường cũ, ngăn vách mới, là công việc đòi hỏi tay nghề kỹ thuật, gồm ốp đá rửa, lắp cửa nhựa, đặt đường ống, lắp bình nước và lavabô do anh thợ cả đảm nhiệm. Anh này lặng lẽ một khối im lìm. Anh rất kiệm lời. Cứ như là anh chủ trương cố giấu mình càng kín càng tốt. Họa hoằn lắm mới nghe thấy anh cất tiếng hát nho nhỏ, giọng mảnh như một sợi tơ vương:

Có bao giờ gặp lại cô em thời ấu thơ

Một phút gần nhau để rồi mãi mãi lìa xa

- Anh thợ cả có vẻ là dân có học nhỉ?

Một bữa, sau khi công việc sửa chữa toalét đã hoàn thiện, tốp thợ đã ra đi, chị Thiên tôi như buột miệng.

Thằng Tồ như được thể, nói theo:

- Hôm nọ bác tắm. Cháu thấy ông ấy đứng ngoài cửa hút thuốc.

- Cái thằng! Chỉ được cái nói leo. Ai khiến mày!

Tôi át thằng con. Chị Thiên tôi đỏ hừng mặt, ngây ngây:

- Tao có biết gì đâu!

- Lúc ấy, cháu nghe thấy bác cũng hát bài gì như bài ông ấy thường hát.

Thằng Tồ không ngờ dai thế. Tôi giật mình, nhìn nó quát:

- Thôi im đi! Chỉ vớ vẩn!

*

Có bao giờ gặp lại cô em thời ấu thơ

Một phút gần nhau để rồi mãi mãi lìa xa

Bài dân ca Ý thiết tha thịnh hành vào những năm cuối thế kỷ trước, như từ ký ức chị tôi bay ra, len lỏi giữa tiếng vòi nước xối trong buồng tắm và tôi chợt nghe thấy. Chị Thiên tôi hát. Hát những lúc chỉ có một mình trong buồng tắm.

Bài hát hé mở một cánh cửa tâm trạng, lại như thứ phép thần đưa chị tôi ra khỏi cái vẻ ủ dột, chán chường, cam phận thường ngày. Chị hát trong nỗi nhớ sâu xa, trong trạng thái lâng lâng hy vọng. Rồi sau một đêm lục sục chuẩn bị và thao thức đợi chờ, sáng tinh mơ hôm ấy chị trở dậy, nói rằng sẽ đi chơi chùa Hương với bạn một tuần mới về. Tôi vục dậy theo, tiễn chị ở cửa, rồi quay vào. Hai vợ chồng tôi nhìn nhau cùng phân vân, chẳng hiểu nên mừng vui hay nên lo ngại. Người phụ nữ chưa chồng, dầu ở tuổi nào, cũng vẫn cứ như là con thuyền không tay lái bập bềnh trên sóng nước!

Một tuần qua, hai tuần qua, không thấy chị tôi về.

Đúng một tháng, chị vẫn không hồi âm, thì có một con mẹ to bằng tạ gạo, mắt trắng, mũi sư tử, môi vẩu, lợi hở, ngực xộ xệ, xồng xộc đến. Đó là con mẹ hàng thịt ở chợ Kim Ngưu gần nhà tôi. Chống tay lên háng, con mẹ hàng thịt lên giọng hách dịch:

- Cho tôi hỏi đây: nhà cô Thiên ở đâu?

Tôi đáp. Như chỉ chờ có vậy, cái tạ gạo lập tức xách chéo hai ống quần, nhảy tành tạch như thứ đồ chơi lên dây cót và xổ luôn một tràng dài:

- Cha tiên sư cố tổ nhà mày, con đĩ Thiên nhé! Đồ mèo đàng chó điếm là mày. Bà nói cho mày biết. Trai không gái góa thì chơi. Đừng nơi có vợ, đừng nơi có chồng nhá. Vợ chồng người ta đang là đồng tịch, đồng sàng. Đồng sinh, đồng tử, cưu mang đồng lần. Mày đừng có mà mó dái ngựa nhé!

Tôi và thằng Tồ đứng dàn hàng ngang trước cửa nhà trong tư thế phòng bị, nhưng lúng túng vô cùng. Chưa biết ứng đối thế nào thì mụ lại chồm chồm, tiếp luôn bài rủa sả thứ hai:

- Cha tiên nhân cố tổ cả lò nhà con đĩ Thiên nhé! Bà truyền đời báo danh cho mày biết, khôn hồn thì mày buông thằng Chuyện nhà bà ra. Cái thằng thợ nề ấy nó lừa cả trăm đứa như mày rồi đấy, con ạ. Mày mà không bỏ nó ra thì bà đánh cho tung vó ngựa, đánh bửa trăm bành, đánh phanh giáp trận, đánh áp mặt tiền, đánh liền trăm trận đấy, nhé!

May mà công an phường đến kịp thời.

Nhưng, từ đây tôi hiểu rằng tôi chẳng còn được sự yên lòng nào nữa. Điều lo ngại đã thật sự chập chờn. Và cuối cùng đã hiện thành xương thịt.

Một chiều hây hây gió mùa, cổng như bị gió đẩy, kẹt mở, bước vào một sư bà áo dài nâu lướt thướt, vai đeo tay nải, khăn bịt đầu quấn vòng, che kín gần hết khuôn mặt. Tôi chưa kịp kêu A di đà Phật vì nghĩ nhà chùa có việc đến quyên góp, thằng Tồ đã đâm bổ ra sân, hét toáng:

- Bác Thiên! Bác Thiên!

Người phụ nữ bước lên thềm, chân quen thuộc dẫn lối đi thẳng vào gian bên, căn buồng của chị Thiên tôi, đặt tay nải, lẳng lặng cởi khăn. Một cái đầu bị cắt nham nhở, lem nhem chỗ đen chỗ trắng. Nơi má trái mưng mưng một vết dao rạch sâu, xẻ banh còn chưa khép miệng. Trời!

Sự thật thế là đã sáng tỏ đến chín phần.

Gã thợ nề hát dân ca Ý ấy chính là kẻ đã tạo được luồng mắt giao cảm được hình dung như sợi dây có sức mạnh níu kéo chị Thiên tôi.

Họ đã từng là bạn học từ tuổi thiếu niên. Đó là người đàn ông duy nhất được chị Thiên tôi yêu. Vâng, cứ cho là tất cả đàn ông đến với chị đều yêu chị, nhưng thật tình là chỉ có mỗi người đàn ông này là được chị Thiên tôi yêu lại thôi.

- Tao đi xem bói, giờ tao mới hiểu. Tao đã là vợ của thái tử Anađa Kamasutra rồi, tao không thể lấy chồng được nữa, Cúc ạ.

Nói câu đó với tôi mấy tháng sau khi dấu vết cuộc đánh ghen man rợ đã phai mờ, giọng chị Thiên tôi nghe như có tiếng nấc thầm ở mỗi âm tiết phát ra. Hóa ra tình yêu thật sự muôn thủa vẫn là chốn mạo hiểm, vùng có nhiều hiểm nguy. Và hạnh phúc khó khăn quá đối của chị gái tôi đâu có phải chỉ là do sự sâu hiểm của lòng người. Xưa rày vốn sống là cả một công cuộc và kiếm tìm sự hoàn hảo có khi nào thôi là nỗi cơ khổ của con người? Ôi! Chị Thiên của tôi, Tết này bà chị tôi vào tuổi bốn mươi lăm.