Có in tiền để kích cầu không?

TS Phan Minh Ngọc 27/06/2009 00:00

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định rằng Chính phủ sẽ không in tiền để tài trợ cho gói kích cầu và vì thế không thể gây ra áp lực lạm phát.

Ông cho biết rằng “Các gói giải pháp này được thực hiện từ các nguồn đã bố trí trong ngân sách nhà nước, nguồn ứng trước, nguồn dự trữ ngoại hối và nguồn phát hành vay dân. Tất cả các nguồn tiền đó đã có trong lưu thông, không phải phát hành thêm”. Sự thực có đúng vậy?

Trước hết, đã gọi là nguồn dự trữ (ngoại hối) thì có nghĩa là khoản dự trữ này đang nằm ở đâu đó, chưa được sử dụng đến, và tức là nằm ngoài lưu thông, theo đúng tính chất và tên gọi của nó. Nếu không phải vậy thì không thể gọi là dự trữ, tức là một khoản luôn sẵn sàng để có thể lấy ra dùng bất cứ lúc nào, cho các mục đích can thiệp của nhà nước, giống như tiền mặt để ở trong két sắt. Theo logic này, khoản dự trữ ngoại hối dùng cho gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD cần được hiểu là khoản sẽ đưa thêm vào lưu thông tiền tệ, chứ không phải là khoản đã có trong lưu thông. Và như vậy thì bản thân nó sẽ gây ra áp lực lạm phát vì làm tăng thêm cung tiền.

Điều này có thể thấy rõ thêm dưới góc độ nghiệp vụ tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Khi trích ra 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối thì Ngân hàng Nhà nước cần phải “nội tệ hóa” nó, tức là tạo ra thêm một số lượng tiền đồng tương ứng theo tỷ giá ấn định tung vào lưu thông thông qua hệ thống ngân hàng. Nếu lo ngại cung tiền tăng nhanh thì Ngân hàng Nhà nước có thể tung trái phiếu của mình ra để thu hút một phần tiền đồng mới tạo thêm ra này. Nhưng vì Ngân hàng Nhà nước chủ trương tăng cung tiền, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm hồi mấy tháng đầu năm nên có thể thấy khả năng này là không có, ít nhất cho đến mấy tháng gần đây.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ Năm vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng “Năm 2009, số lượng tiền phát hành mới để góp phần tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ phê duyệt cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ mới sử dụng 43%”. Vậy khoản tiền “phát hành mới” này phải coi là gì nếu không phải tiền in ra để tài trợ cho chi tiêu Chính phủ? Và nữa, mục tiêu “góp phần tăng trưởng kinh tế” liệu có khác gì so với mục tiêu của gói kích cầu, vốn cũng là “góp phần chặn đà suy giảm kinh tế”? Gộp 2 chuyện tưởng rời rạc này lại thì sẽ thấy một thực tế là Ngân hàng Nhà nước đã phát hành thêm một khoản tiền mới vào lưu thông và ít nhất một phần trong đó được dành cho gói kích cầu. Khả năng tiếp tục dùng đến biện pháp này (in tiền) vẫn còn bỏ ngỏ vì vẫn còn đến 67% hạn mức in tiền mà Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa được dùng đến.

Và cuối cùng, xin nói đến khoản ứng trước từ ngân sách. Không có mấy thông tin đề cập đến khoản ứng trước này, như nguồn lấy từ đầu, ứng trước ngân sách của năm nào, chiếm bao nhiêu phần trăm v.v... nhưng có thể thấy rằng đây là một hạng mục chi tiêu rất kỳ quặc, không có tiền lệ trên thế giới.

Điều đáng nói hơn là sự liên quan đến chuyện in tiền và lạm phát của nó. Nói nôm na khoản mục này là vay của ngân sách của tương lai để chi tiêu trong hiện tại. Mà ngân sách của tương lai là khoản chưa hình thành, chưa hiện hữu thì làm sao mà ứng trước hay vay được? Đồng ý rằng ngân sách trong tương lai sẽ có dựa trên những nguồn thu chắc chắn (như từ dầu mỏ, từ thuế, từ các khoản vay mượn viện trợ v.v...), nhưng rốt cuộc phải có ai đó đứng ra ứng tiền trước cho Chính phủ chi tiêu rồi sau một vài năm nữa Chính phủ sẽ hoàn trả lại phần đã ứng trước/vay này bằng cách khấu trừ vào ngân sách những năm đó. Để dễ hiểu hơn, hãy liên tưởng chuyện này tương tự như chuyện một người làm công xin ông giám đốc cho ứng trước lương của tháng sau để chi tiêu trong tháng này vì có việc gấp. Ông giám đốc có thể đồng ý và cho phép trích từ tài khoản tích lũy của công ty ra để trả lương cho người lao động thêm một tháng lương trong hiện tại. Quay trở lại với trường hợp ứng trước ngân sách, ta thấy vẫn phải cần một cái quỹ tương tự như cái quỹ của công ty trong ví dụ nói trên để đưa tiền cho Chính phủ chi tiêu trong hiện tại. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì chẳng còn cái quỹ nào đang có sẵn và có vai trò như vậy được nữa ngoài chuyện Ngân hàng Nhà nước phải in tiền ra, làm thay vai trò của quỹ đó.

Như vậy, cho dù sau này, các khoản ứng trước này sẽ được hoàn trả lại vào ngân sách của những năm đó thì trước mắt lượng cung tiền đã tăng lên khi Ngân hàng Nhà nước đảm lãnh trách nhiệm ứng trước vốn ngân sách này. Và do đó sẽ không sai khi nói rằng Chính phủ phải in tiền để tài trợ cho gói kích cầu.

Tóm lại, trong gói kích cầu hiện tại có ít nhất là 2 bộ phận cấu thành – gói hỗ trợ lãi suất và khoản ứng trước ngân sách các năm sau – ít nhiều liên quan đến sự in tiền (tăng cung tiền) của Ngân hàng Nhà nước, và do đó rủi ro gây ra lạm phát từ gói kích cầu là điều hoàn toàn có thật.

TS Phan Minh Ngọc