Loạn kiêu binh

Nguyễn Khắc Thuần 12/06/2009 00:00

Sau khi chép xong chuyện Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo bị giết và Trịnh Tông được tôn lên ngôi chúa, Lê quý kỷ sự đã chép tiếp về sự náo loạn kinh thành Thăng Long như sau:

“Quân sỹ ai cũng cậy có công (đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa) nên cứ đòi thưởng mãi không thôi. Triều đình bàn nhau nên phong cho viên Biện Lại Nguyễn Bằng chức Quản Binh, tước Hầu. Sau Nguyễn Bằng, các chức như Biện Lại, Thập Trưởng và Ngũ Trưởng, không cứ thứ bậc cao thấp, nhất nhất đều được trao cho một tấm sắc phong, trên có chữ sơn son đàng hoàng. Quân sỹ vì được thưởng hậu càng ngày càng trở nên càn rỡ, không chịu để cho ai cai quản nữa.

Bấy giờ, Lê Duy Kỳ là con của cố Thái Tử Lê Duy Vỹ. Sau khi Thái Tử bị mưu hại thì Lê Duy Kỳ vẫn còn bị giam trong ngục tối. Quân sỹ sau khi đã lập Trịnh Tông lên ngôi chúa rồi, bèn nhân đó, đem kiệu và lọng đến (nhà ngục) đón Lê Duy Kỳ về hoàng cung. Đến đó, nhà chúa liền ra lệnh cho Thái Tử Lê Duy Cận phải dâng biểu từ tạ mà rút lui(1). Đình thần tâu xin Lê Hiển Tông lập Lê Duy Kỳ làm Hoàng Tự Tôn, giáng Lê Duy Cận làm Sùng Nhượng Công, nhưng vẫn được hưởng ngôi thứ ở trên các vị Hoàng Tử khác.

Quân sỹ cho rằng, mình vừa có công lập chúa, lại có công đón lập Hoàng Tự Tôn, cho nên mới nói với nhau rằng, lập ra hai ngôi Đế Vương đều là công của chúng ta cả. Do nghĩ thế, cứ hễ động một chút là nổi trống để tụ họp, nhóm bầy nhóm lũ có khi đến hàng chục, hàng trăm tên, hò hét ầm ỹ hung hăng, không sao kiềm chế được nữa.

Bấy giờ, có chừng vài trăm quân sỹ cậy mình có công tôn lập Đế Vương, bèn kéo nhau vào thẳng đại nội, yêu cầu nhà chúa phải ban thêm ân thưởng. Họ ở lại trong đại nội ăn uống ồn ào suốt ngày. Chúa Trịnh Tông sai Triêm Vũ Hầu(2) là người đang chỉ huy hiệu quân Nhưng Nhất đem theo cả lính trong hiệu quân Phong Lôi, vào bắt bảy tên loạn binh. Triều đình bàn rằng, quân sỹ mà đến vậy, ắt là loạn lạc không xa nữa. Nay, trị cũng loạn, không trị cũng loạn, nếu không trị mà cũng loạn thì thà trị còn hơn. Vả chăng, quân sỹ cậy có số đông nên mới kiêu rông, để chúng nguyên đám thì chẳng khác để đũa nguyên bó, không sao bẻ được, nay đem chia thành từng đám nhỏ mà trị, cũng kể như đem từng chiếc đũa mà bẻ, thì có chiếc nào lại không gãy. Chúa nghe xong, hạ lệnh chém bảy tên.

Sau sự kiện giết bảy tên loạn binh, đa số quân lính đều nuôi lòng căm uất. Chỉ cần có kẻ giơ tay, hô lên một tiếng, thì bốn phía loạn binh đều nhất tề hưởng ứng. Một buổi sáng, chúng kéo thẳng vào nhà của quan Tham Tụng là Nguyễn Khản. Nhờ có tay chân đánh trả mạnh mẽ nên Nguyễn Khản trốn thoát được. Khuông Trung Hầu(3) và Triêm Vũ Hầu nghe động cũng chạy lánh được vào trong phủ chúa. Quân sỹ tìm kiếm mãi không được, bèn phá hủy nhà cửa của hai người này. Dinh thự chỉ trong phút chốc đã hóa thành bình địa. Lúc ấy, hễ là nhà cửa của thân thuộc hai người này đều hầu như bị phá cả. Sau, cả đến những nhà giàu trong khắp các phố phường cũng chẳng thể thoát nạn cướp phá. Kinh thành rối như có giặc cướp tràn vào. Quân sỹ nghi là Khuông Trung Hầu và Triêm Vũ Hầu ẩn náu trong phủ chúa, bèn chia nhau bao vây, canh giữ hết các cửa ra vào, rồi xông bừa tới phủ đường, yêu cầu nhà chúa giao cho họ cả hai người ấy. Chúng nói năng không cần giữ lễ, sự thể lúc ấy thật vô cùng nghiêm trọng và căng thẳng. Trịnh Tông và Thái Phi(4) phải ra khóc lóc kêu nài, xin đem tiền bạc mà chuộc mạng cho Nguyên Cửu(5). Quân sỹ ưng thuận với điều kiện là nạp Triêm Vũ Hầu cho chúng. Nhà chúa bất đắc dĩ phải sai gọi Triêm Vũ Hầu đi ra. Triêm Vũ Hầu tay cầm song kiếm, đến quỳ trước mặt chúa Trịnh, xin được đánh nhau với loạn binh một trận để thỏa nỗi lòng căm giận, nhưng nhà chúa khóc lóc, khuyên đừng làm. Triêm Vũ Hầu bèn bỏ gươm lại, đi ra tay không. Quân sỹ xông đến, lấy gạch đá mà ghè vào đầu, đánh cho một lúc tơi bời rồi mới đâm chết.

Quân sỹ thúc ép chúa phải truy xét vụ án cũ(6). Đình thần bàn nhau, xử Nguyễn Khản và Dương Khuông là hai viên quan liên quan đến vụ chém bảy tên loạn binh phải bị bãi chức. Quân sỹ đòi đền mạng những tên bị xử tử.

Từ đây, mọi quyền hành đều gần như về hết tay quân sỹ. Chúng hoành hành ở khắp mọi phố xá, chợ búa, chèn ép cả các quan làm việc trong dinh phủ, hơi động một chút là chúng dọa đánh chết và phá dinh, chẳng còn biết kiêng nể sợ hãi gì ai nữa. Ngay những việc như thay đổi tướng văn tướng võ, nếu không hỏi ý chúng cũng không xong. Việc nước rối bời, không ai xoay xở được.

Nhà chúa bí mật ra lệnh cho quan cựu Tham Tụng là Nguyễn Khản, ước hẹn cùng các trấn để hội quân trị kiêu binh. Chúa lại còn mật ban sắc chỉ cho Quận Thạc(7) lúc đó đang làm trấn thủ Sơn Nam, chuẩn bị thuyền bè để đón chúa. Tất cả phải đợi khi nhà chúa lén ra khỏi kinh đô rồi mới được hội quân đánh kiêu binh. Nhưng, kiêu binh có người biết trước được mưu ấy, bèn chia nhau ngày đêm canh giữ phủ chúa, khiến chúa không đi ra được, thành thử mưu ấy không thành.

Mỗi lần đi đâu, quân sỹ thường kéo nhau đông tới hàng trăm, hàng ngàn người. Chúng tung hoành khắp các làng, tùy ý cước bóc và hà hiếp nhân dân. Vì lẽ đó, hễ thấy tên nào đi lẻ một mình, lại không mang theo vũ khí, là dân liền chặn đường giết chết. Quân và dân coi nhau như thù địch. Phủ chúa mà bàn việc gì, quân sỹ cũng hợp nhau chê bai, văn thần võ tướng không ai còn làm việc được cả, trên dưới thảy đều bó tay, ngày nào còn là biết ngày đó còn mà thôi”.

Lời bàn: Nay cứ theo sử cũ mà chép đây là loạn kiêu binh, chớ xem ra, gọi đám quân sỹ ngông cuồng này là kiêu binh thì có phần chưa phải. Nếu họ có công tôn lập Đế Vương nên sinh ra kiêu ngạo với Đế Vương còn được, chớ với dân, họ nào có chút công lao gì mà dám công khai cướp bóc và hà hiếp? Một khi quân dân coi nhau như thù địch thì quả thật là chẳng còn có quốc nạn nào sánh được. Vả chăng, kiêu với ai chứ kiêu với dân, không chóng thì chầy, thế nào cũng sẽ bị dân khinh ghét và nghiêm trị, mà một khi đã bị dân khinh ghét và nghiêm trị, thì thử hỏi họ sẽ còn biết sống với ai ở giữa cõi trời cao đất dày này nữa. Nếu có chết thì nắm xương tàn cũng chẳng biết gửi vào đâu được. Nói theo cách của các Nho gia xưa thì đó là chí nguy, thậm nguy!

Song le, quân sỹ tuy có hành động ngông cuồng nhưng thật ra thì bản tâm của họ cũng chẳng hề mong như vậy. Họ là kẻ tiểu tốt vô danh nên dễ bị đổ tội, chớ trên đầu họ, đại thần rồi cả đến các bậc Đế Vương, nào ai có được chút nhân cách đáng để gọi là tốt hơn họ đâu? Ôi, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, lời của cổ nhân chí lý lắm thay!

__________

1.  Trước đó, khi Lê Duy Vỹ bị hại, Lê Duy Cận được lập làm Thái Tử.
2.  Tức là Nguyễn Triêm.
3.  Tức Dương Khuông là em của mẹ Trịnh Tông.
4.  Mẹ của chúa.
5.  Chỉ Khuông Trung Hầu, vì ông là cậu của chúa Trịnh.
6.  Tức là vụ giết bảy tên loạn binh.
7.  Tức Thạc Quận Công Hoàng Phùng Cơ. 

Nguyễn Khắc Thuần